Thầy cô hiểu chữ "Lễ" mới biết cách dạy học trò phản biện

26/11/2021 06:31
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn phải giữ nhưng không dạy trẻ theo hướng coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng, giữ "lễ" với người trên tuyệt đối.

Tại cuộc hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục- Đào tạo", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, ý kiến "cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo" của Giáo sư Trần Ngọc Thêm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: VTC)GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: VTC)

Trả lời phóng viên Báo Tuổi Trẻ, Giáo sư Thêm nói: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng.

Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" ("ngoan" theo nghĩa là "dễ bảo, vâng lời", "giỏi" theo nghĩa "thuộc bài"). [1]

Phần lớn, học sinh của chúng ta luôn thực hiện việc “gọi dạ, bảo vâng”

Trong thực tế, học sinh ở tất cả mọi cấp học đều rất yếu khâu phản biện. Có thể ngay từ nhỏ các em cũng đã được người lớn răn dạy kỹ quá trong việc “gọi dạ, bảo vâng” nên dù thấy người lớn nói sai, làm sai gì đó nhưng cũng chẳng em nào dám có ý kiến dù chỉ là một sự nhắc nhở tế nhị.

Đã không ít lần tôi chứng kiến việc mình và đồng nghiệp do sơ xuất đã ghi thiếu hoặc nhầm một câu viết, một phép tính nào đó trên bảng, học sinh cả lớp đều biết đó là sai, là không đúng nhưng chỉ dám xì xào chỉ trỏ bên dưới mà tuyệt nhiên không có một ai dám đứng lên nói với giáo viên.

Cũng không riêng học trò tiểu học, không ít lần nghe con gái học cấp 3 về kể cũng y chang như thế. Khi được mẹ nhắc “sao không nói với thầy cô?”, con bảo rằng ngại, bạn nào cũng thấy nhưng có ai dám nói đâu?”.

Nói đến đây lại nhớ ngay đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015, tất cả 29 thí sinh ở một cụm thi Đà Lạt phải thi lại môn Toán do giám thị ký nhầm vào ô dành cho giám khảo. [2]

Chắc chắn những học sinh này sẽ thấy và sẽ biết giám thị ký nhầm (trước ngày thi các em đã được thực hành khá nhiều về cách viết trên tờ giấy thi) nhưng tuyệt nhiên vẫn không có một học sinh nào dám có ý kiến với giáo viên nên thầy cô giám thị mới phát hiện muộn màng như vậy.

Dạy phản biện có tập cho học sinh vô lễ?

Từ thực tế ấy, tôi không muốn học trò của mình luôn lễ phép theo kiểu người lớn nói gì cũng đúng, bảo gì cũng nghe răm rắp, dù biết rõ có những điều người lớn nói chưa chắc đã đúng, thậm chí là sai. Thế nên, trong mỗi tiết dạy, tôi đều tập cho các em biết phản biện, biết bảo vệ ý kiến mình cho là đúng.

Nay nghe ý kiến đề xuất, đọc câu trả lời phỏng vấn của Giáo sư Trần Ngọc Thêm tôi cứ băn khoăn mãi, lẽ nào lâu nay mình dạy học sinh biết phản biện là đang dạy các em cãi lại thầy cô, cãi lại người lớn tuổi? Mình đang tập cho các em tính vô lễ với người trên?

Ví như trong khi dạy, lúc đặt câu hỏi để học sinh trả lời tôi thường để các em tự do nêu lên chính kiến.

Khi cả lớp đã đồng ý với câu trả lời của bạn B. (câu trả lời đúng), tôi bất ngờ chọn một đáp án sai và hỏi cả lớp: Giờ có 2 câu trả lời, ai đồng ý với câu trả lời của bạn B. ? Còn ai đồng ý với câu trả lời của cô?

Học sinh bắt đầu lao nhao và dao động. Dù trước đó, không ít em đã khẳng định ý kiến của bạn B. là đúng và nói con đồng ý với ý kiến của bạn. Nay thấy cô chọn đáp án khác, nhiều em sau một hồi do dự đã giơ tay đồng ý với cô dù các em biết đó là câu trả lời chưa đúng.

Từ những tình huống như thế, tôi đã dạy cho học sinh mình tính kiên định, tự tin với lựa chọn mà mình cho là đúng, dù ai (kể cả thầy cô, cha mẹ) có kết quả khác (mình cần xem lại) chứ không được dễ dàng thay đổi chỉ vì đó là người trên. Nhiều lần sau đó, tôi cố tình chọn đáp án sai nhưng đã có không ít em mạnh dạn nói rằng câu trả lời của cô là sai và lý giải được vì sao lại thế.

Cũng từ đó, mỗi lần cô sơ suất viết sai gì trên bảng hay cô quên điều gì đó đã nói với lớp thì học sinh của tôi thường có ý kiến ngay. Có em còn mạnh dạn tranh luận với cả thầy cô giáo và cương quyết bảo vệ ý kiến của mìn. Sự tranh luận không hề gay gắt mà vô cùng dễ thương. Những lúc như thế, tôi thấy vui và nghĩ mình đã làm đúng chứ tuyệt nhiên không thấy các em vô lễ gì cả.

Phản biện không phải là vô lễ

Từ câu chuyện của mình tôi thấy, trẻ biết phản biện không phải là vô lễ. Quan trọng người lớn cần hướng dẫn các em cách phản biện với người trên sao cho lịch sự.

Đó là việc thưa gửi, dạ thưa, theo ý con là thế này, con nghĩ thế này, thầy cô (bố mẹ, cô bác…) xem lại đi ạ, hay có sự nhầm lẫn nào ở đây không ạ?…Không phải kiểu phản biện cãi tay đôi với lời lẽ xấc xược dễ làm tổn thương người khác.

Tôi đồng ý với Giáo sư, môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không nơi nào (kể cả gia đình) làm tốt điều này hơn môi trường giáo dục. Có điều, mỗi giáo viên cần tiên phong trong chuyện này.

Tôi biết, hiện vẫn có không ít thầy cô giáo, khi học sinh nêu phản biện thường quy chụp đó là thái độ hỗn hào, dám cãi cả thầy cô và la nạt nên nhiều em sợ, không dám nói.

Một số cha mẹ cũng vậy, khi nói điều gì đó mang tính áp đặt con trẻ mà không cần nghe tâm tư của con. Đôi khi vì quá bức xúc, con phản biện vài câu đã bị liệt vào tội ngang bướng, hay cãi.

Dạy các em tính phản biện không nhất thiết phải bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” như đề xuất. Bởi lẽ, phản biện hoàn toàn không phải vô lễ. Dù là ai, thế nào, con người vẫn rất cần phải lễ nghĩa.

Có lễ nghĩa thì mới biết phản biện văn hóa. Người không chú trọng lễ nghĩa không còn là phản biện mà dễ sa vào việc cãi cố, cãi cùn, cãi lấy được và làm tổn thương người đang đối thoại.

Vì thế, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn phải giữ nhưng không dạy trẻ theo hướng coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1.

Cần dạy cho trẻ nghĩa của từ “lễ” được mở rộng hơn, lễ phép, tôn trọng người trên nhưng không phục tùng những điều sai trái hoặc chưa đúng. Cần biết phản ứng hay tranh luận một cách từ tốn, lễ phép để không làm tổn thương người đối thoại.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi-20211125092912027.htm

[2]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/774308/giam-thi-mac-loi-29-thi-sinh-phai-lam-lai-de-thi-mon-toan

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết