Thầy cô không đánh học trò có được không?

17/05/2019 06:19
NHẬT DUY
(GDVN) - Phạt mà học trò không tiến bộ, phụ huynh phải lên tiếng, giáo viên phải nhận hình thức kỷ luật thì hình phạt đó trở thành một thảm họa cho người thầy.

Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng tranh luận khá nhiều về hình thức phạt quỳ của một cô giáo trường Trung học cơ sở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội.

Người chê trách cũng có, người cảm thông cho cô giáo cũng nhiều. Suy cho cùng, giáo dục bằng bạo lực chưa bao giờ là phương pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại.

Bởi, phạt mà học trò không tiến bộ, phụ huynh phải lên tiếng, giáo viên phải nhận hình thức kỷ luật thì hình phạt đó trở thành một thảm họa cho người thầy.

Thầy cô vững chuyên môn, quan tâm, yêu thương học trò sẽ luôn được học trò kính trọng (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thầy cô vững chuyên môn, quan tâm, yêu thương học trò sẽ luôn được học trò kính trọng  (Ảnh minh họa: TTXVN)

Thực tế, giáo dục bằng đòn roi, bằng bạo lực bây giờ ít người áp dụng kể cả cha mẹ đối với con em của mình. Trong các phương pháp giáo dục thì việc dùng bạo lực là ít hiệu quả nhất mà cũng phản tác dụng nhất.

Cách giáo dục bằng bạo lực học trò trong nhà trường hiện nay vẫn còn, nhất là phạt học sinh quỳ gối trong lớp. Những thầy cô hay áp dụng hình phạt này phổ biến hơn cả là một số giáo viên ở cấp tiểu học.

Bởi, học sinh tiểu học thường rất sợ thầy cô, thầy cô nói như thế nào thì các em thường nghe vậy. Thậm chí khi về nhà cũng không dám nói lại với cha mẹ mình. Những trường hợp được phát hiện đa phần là bạn bè trong lớp nói với cha mẹ học sinh bị bạo hành.

Giáo viên các cấp học cao hơn ít áp dụng bởi học trò đã lớn, có yêu cầu học sinh quỳ gối thì các em cũng ít khi thực hiện.

Dù biết rằng, mỗi lớp có mấy chục học trò, mỗi em một tính cách khác nhau  nhưng những học sinh cá biệt thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong lớp.

Người thầy giỏi, tâm huyết với nghề sẽ biết định hướng và “lái” học trò theo hướng tích cực để tiến bộ chứ không ai dùng bạo lực với học trò bao giờ.

Việc đầu tiên của những tuần đầu năm học, người thầy cần tỏ ra nghiêm khắc, tạo một khoảng cách nhất định với học trò của mình. Khi tạo được nền nếp lớp học thì những tháng về sau rất dễ quản lý trong giờ học.

Thầy cô không đánh học trò có được không? ảnh 2Những lời bi ai vụ cô giáo phạt học sinh lớp 9 quỳ

Nếu giai đoạn đầu thầy cô quá suồng sã với học trò, không tạo được uy tín trước trò thì học trò sẽ biết cách “phát huy” thế mạnh của mình trong những giờ học.

Lứa tuổi học trò thường hiếu động và hay quậy phá, thích thể hiện bản lĩnh của mình, nhất là với học sinh lớn thì hay muốn chứng tỏ mình trước bạn bè.

Nhưng, các em luôn biết mắc cỡ với bạn nên một lời nói, hành động không phù hợp của thầy cô dễ khiến học trò bị tổn thương và càng quậy phá nhiều hơn. Thậm chí là có những em sẽ chống đối, phản kháng lại thầy cô.

Một khi trong lớp có 1-2 em không thích thầy cô dạy môn đó thì sẽ kéo theo nhiều em khác làm theo và năm học đó giáo viên rất khó làm tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình.

Không chỉ tạo cái uy của người thầy trong những ngày đầu năm học mà người thầy cần nắm bắt được tâm lý học trò. Trong quá trình giảng dạy cần linh hoạt thay đổi phương pháp dạy học để tránh nhàm chán cho trò.

Điều quan trọng là người thầy cũng luôn phải có một chút khiếu hài hước, thỉnh thoảng cũng cần chen một vài câu nói, một mẩu chuyện vui để học sinh đỡ…buồn ngủ trong những tiết cuối buổi học.

Khi học trò có dấu hiệu nói chuyện, hoặc không học bài thì việc đầu tiên giáo viên cần thể hiện sự quan tâm của mình với các em.

Người thầy cần tìm hiểu nguyên nhân, không nên đưa ra kết luận chủ quan khi chưa tường tận vấn đề. Phải hướng học sinh phục mình, thích mình thì mới dễ dạy và học trò mới thích bài học của người thầy.

Bây giờ, thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy một số giáo viên dùng bạo lực đối với trò và được phản ánh qua báo chí. Chẳng hạn những em bị điểm thấp, quên vở bài tập ở nhà, nói chuyện trong lớp là đánh, là chửi, là phạt...học trò.

Thầy cô không đánh học trò có được không? ảnh 3Một số giáo viên bây giờ không biết có đọc báo, xem ti vi không?

Một số thầy cô cứ nghĩ như vậy là quan tâm, là tâm huyết với học trò nhưng có lẽ là không phải vậy. Cái thời "thương cho roi cho vọt" đã qua rồi...

Học trò cũng là những con người chứ không phải là một cỗ máy nên không thể lúc nào cũng đúng, chính xác và làm vừa lòng thầy cô giáo.

Quan trọng là thầy cô biết cách nhắc nhở, định hình cho học trò một thói quen tốt, không nên áp đặt mọi thứ và luôn cho mình là đúng.

Dù rất cảm thông với cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp nhưng chúng tôi không tán thành hình thức này. Chuyện quỳ gối không phải là quá nặng nề gì lắm nhưng nó phản cảm trong môi trường giáo dục.

Chế độ phong kiến nước nhà cũng đã qua được hơn 70 năm rồi. Thầy cô hãy dạy học trò biết đứng thẳng, chịu nhận lỗi, nhận trách nhiệm với hành vi, lỗi lầm của mình.

Hơn nữa, hình thức phạt này không phù hợp với pháp luật và các văn bản hiện hành của ngành giáo dục.

Nói thật, giáo viên giỏi chuyên môn, linh hoạt phương pháp thì khi dạy và quản lý lớp sẽ ít để “thời gian chết” xảy ra bởi các chuỗi hoạt động dạy học liên tục.

Học sinh vì thế mà cũng phải “quay” theo người thầy thì còn đâu thời gian mà quậy phá, nói chuyện. Một số thầy cô dạy không hay, yếu phương pháp thì học trò mới chán ngán, khi học trò chán thì sẽ nói chuyện.

Thầy cô thấy vậy là chửi, là phạt học trò thì học trò lại càng chán học và khi đã chán học là lại ...nói chuyện và nghịch ngợm trong lớp.

Hãy đặt vị trí người thầy vào vị trí học trò, thầy đi học, đi tập huấn chuyên môn mà gặp giảng viên truyền đạt, giảng dạy kém hấp dẫn, không thuyết phục cũng nói chuyện, cũng không tập trung.

Vì thế, học trò trong hoàn cảnh ấy thì thầy cô cũng cần xem lại cách giảng dạy của mình đã thực sự lôi cuốn học trò hay chưa? Đừng vội quy kết học trò mà có những hành động không phù hợp với các em.

NHẬT DUY