Thầy đừng quên, học sinh cá biệt thường hay có nhiều bạn và sống tình cảm

12/02/2017 06:23
Khánh Văn
(GDVN) - Những biện pháp cứng rắn, thô bạo chưa hẳn làm các em chăm ngoan hơn mà đôi lúc có tác dụng ngược khi các em coi thường thầy cô, coi thường môn học.

LTS: Bất cứ ở trường lớp nào, chúng ta đều thấy có những học sinh rất ngoan ngoãn, học giỏi và cũng có những học sinh “cá biệt” khiến thầy cô đau đầu.

Thầy giáo Khánh Văn chia sẻ đôi điều về tâm lý giáo dục đối với những học sinh “cá biệt” thường xuyên quậy phá. Qua đó, giúp các thầy cô có cách ứng xử và dạy dỗ với các em hiệu quả hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Khi nói về con người, Mạnh Tử cho rằng: “Nhân chi sơ tính bổn thiện” (Con người sinh ra vốn có tính thiện). 

Trong bài thơ “Nửa đêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên". Để thấy rằng con người ta tốt hay xấu phần nhiều đều do môi trường giáo dục quyết định. 

Những năm gần đây, ta thấy tình trạng bạo lực học đường gia tăng, tình trạng học sinh quậy phá, coi thường kỉ cương trường lớp nhiều. Những học sinh như thế lâu nay chúng ta vẫn gọi là học sinh “cá biệt”. 

Phải chăng, người lớn chúng ta chưa thật sự gương mẫu, chưa thuyết phục được con trẻ và biện pháp giáo dục của chúng ta chưa đúng cách chăng?

Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về giáo dục học trò trong nhà trường.
   
Trong quá trình đứng lớp để giảng dạy, chưa bao giờ tôi dùng từ học sinh “cá biệt”, không phải tôi quá lạc quan khi nhìn cuộc đời toàn màu hồng mà bởi tôi luôn quan niệm: 

Các em còn nhỏ tuổi, chưa đủ độ chín nên có một số em chưa thể làm chủ được toàn bộ hành vi, cảm xúc của mình trước thầy cô và bạn bè. 

Một số biểu hiện và cảm xúc nhất thời của các em cũng có một phần trách nhiệm của người thầy đứng lớp bởi những bài giảng của thầy cô chưa lôi cuốn, chưa thuyết phục được học sinh hướng vào nội dung, cảm xúc của bài học. 

Vì thế, gọi các em là học sinh “cá biệt” nghe có vẻ nặng nề và có phần khiên cưỡng.

Một số học sinh quậy phá trong lớp học khiến thầy cô phải có kỹ năng xử lý hiệu quả. (Ảnh: vtc.vn)
Một số học sinh quậy phá trong lớp học khiến thầy cô phải có kỹ năng xử lý hiệu quả. (Ảnh: vtc.vn)

Hằng năm, khi thực hiện các đề tài sáng kiến kinh nghiệm tôi vẫn thường thấy giáo viên chọn đề tài giáo có liên quan đến việc giáo dục học sinh “cá biệt”. 

Rồi đưa ra rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề nghe chừng rất hay nhưng hình như chúng ta đang quá cường điệu vấn đề mà quên đi vai trò, trách nhiệm của mình để hướng các em tới việc lĩnh hội không chỉ là tri thức mà ở đó là cả đạo đức làm người, ý thức được vai trò của việc học. 

Những biện pháp cứng rắn, thô bạo chưa hẳn làm các em chăm ngoan hơn mà đôi lúc có tác dụng ngược khi các em coi thường thầy cô, coi thường môn học.
   
Một điều đúc kết sau nhiều năm đi dạy là phần lớn các em hiếu động hay quậy phá và ngang ngược lại là những em có rất nhiều bạn và sống rất tình cảm. 

Nếu thầy cô quan tâm, gần gũi, chia sẻ, động viên thì những em này thay đổi rất nhanh và còn có tác động “lôi kéo” nhiều em khác cùng ý thức để tiến bộ trong học tập. 

Bởi ta biết rằng biện pháp giáo dục không đóng khuôn trong những bài học ở trường sư phạm hay một số quyển sách viết về kĩ năng.

Mà đó là những tình huống thực tiễn đôi lúc không nằm trong giáo án nên đòi hỏi thầy cô cần linh hoạt, mềm dẻo trong giáo dục học trò để đạt được mục đích tốt nhất.

Những năm đầu khi mới nhận công tác, tôi được Ban Giám hiệu phân công làm Tổng phụ trách Đội của nhà trường, công việc gắn liền với những hoạt động phong trào và kiêm luôn việc giải quyết những vụ việc mà học sinh vi phạm trên lớp, trong nhà trường. 

Những “ca” nào khó là giáo viên đứng lớp đều đẩy về cho Tổng phụ trách Đội và Ban Giám hiệu giải quyết nên việc tiếp xúc với học sinh chưa ngoan như chuyện cơm bữa hàng ngày. 

Thầy đừng quên, học sinh cá biệt thường hay có nhiều bạn và sống tình cảm ảnh 2

Giá như bố mẹ, thầy cô hiểu con cái, học trò hơn!

Điều mà các em phản ánh là đa phần giáo viên cứ cho mình cái quyền đúng và ra mệnh lệnh cho học trò.

Cái gì thầy cô nói đều đúng và khi có ý kiến phản biện của học trò thì một số thầy cô cho là chống đối, là vô lễ. 

Vì thế, những học sinh có cá tính thường hay bị thầy cô la rầy trước lớp.

Nhiều học sinh còn tâm sự rằng có những thầy cô quá áp đặt về tư tưởng, không cho học trò phản biện và nói lên ý kiến của mình. 

Nhiều em còn nói rằng có nhiều thầy cô chưa thực sự làm gương khi đứng lớp như thường xuyên dùng ngôn ngữ “mày-tao” và xúc phạm học trò, còn ăn mặc chưa đúng tác phong sư phạm. 

Nhiều cô cũng nhuộm tóc, cũng sơn móng tay… trong khi học sinh thì không được làm như vậy hoặc bị kỉ luật.
   
Thời còn đi học hay sau này đi dạy và được tham gia nhiều lớp bồi dưỡng các khóa học tập nâng cao chuyên môn. 

Điều mà tôi nhận thấy rằng không phải thầy cô nào cũng dạy hay và dễ hiểu. Không phải thầy cô nào cũng thuyết phục được những học viên trong khi đứng lớp. 

Vì thế, những thầy, cô giáo báo cáo chuyên đề có kiến thức sâu rộng, phương pháp lên lớp phù hợp, dùng những ngôn phong phù hợp thường rất dễ đi vào lòng học viên và những buổi học như vậy thường yên lặng và nghiêm túc vô cùng. 

Ngược lại, những buổi học mà thầy cô chưa làm tốt vai trò của mình thì học viên chán ngán, ngồi nói chuyện hoặc thậm chí có người bỏ ra ngoài. 

Từ đó cho chúng ta thấy rằng việc thầy cô giảng dạy trên lớp đóng một vai trò quan trọng trong việc lĩnh hội tri thức và giáo dục học trò.

Người thầy hãy đặt vị trí của mình là người học sẽ hiểu được cảm xúc của học trò qua từng bài giảng.
    
Vẫn biết rằng cuộc sống của mỗi thầy cô còn nhiều áp lực, còn nhiều những lo toan, vất vả giữa đời thường. Song, mục đích ngay từ khi bước vào nghề sư phạm là chúng ta cần đóng tròn vai của một người thầy. 

Trước mặt học trò, nhất là học sinh phổ thông điều tối kị là không được xúc phạm học trò, không cho mình cái quyền áp đặt.

Sự quan tâm, sẻ chia, động viên và khích lệ chắc chắn sẽ giúp các em chưa ngoan ý thức được việc học của mình. 

Ghét hay bỏ mặc một học sinh chưa chăm ngoan là điều không khó nhưng biết giáo dục và cảm hóa được các em trở thành một người tốt mới là điều vĩ đại và nên làm.

Bởi, suy cho cùng, bỏ mặc một học trò là bỏ mặc một con người. Vì thế, dù khó khăn đến mấy thì thầy cô cũng đừng bỏ mặc học trò, bởi đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là thể hiện lương tâm của một người thầy đối với trò.

Khánh Văn