7 năm “vác tù và hàng tổng”
Sinh ra ở miền biển Hải Lăng (Quảng Trị) nhưng sau ngày tốt nghiệp Đại học, thầy Phạm Minh Tuấn (giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hướng Lộc, Hướng Hóa, Quảng Trị) lại gắn bó với mảnh đất miền núi phía tây Quảng Trị.
Thầy Tuấn luôn nặng lòng và trăn trở với học trò nghèo ở miền Tây Quảng Trị. Ảnh: NVCC |
“Năm 2003, khi vừa nhận tấm bằng đại học, tôi về dạy hợp đồng tại Trường trung học cơ sở Hướng Sơn (Hướng Hóa). Ngày đó đường sá đi lại khó khăn, phải cuốc bộ gần cả ngày trời mới đến nơi dạy.
Khu nội trú của giáo viên thì rách nát tả tơi, không điện chiếu sáng, không sóng điện thoại… khó khăn đủ bề. Khổ nhất là những ngày mưa lũ, con đường dẫn về huyện gần như bị phong tỏa, thầy cô khu nội trú phải ăn mỳ tôm, hái tạm rau rừng để bám trụ qua ngày”.
Khó khăn là thế nhưng trong câu chuyện của thầy Tuấn, kỷ niệm về những năm tháng bám trường, bám bản luôn chứa đựng nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc được cống hiến, được trải nghiệm.
Chung cái khó, cái khổ với học trò vùng cao càng khiến thầy Tuấn nung nấu những ý định làm sao để giúp đỡ các em bớt khổ, làm sao để người dân nơi đây bớt cơ cực.
Năm 2015, khi chuyển công tác về Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hướng Lộc, thầy Tuấn bắt tay vào công việc thiện nguyện, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho học sinh vùng khó.
“Ngày khai giảng năm học mới, khi học trò cả nước xốn xang áo quần mới, cờ hoa đỏ rực để chào đón thì học trò nơi đây lại chỉ mặc những bộ đồng phục đã cũ sờn, rách rưới. Thấy các em như vậy, mình không cầm được lòng nên quyết định chụp ảnh, đăng facebook để kêu gọi thêm sự hỗ trợ của các mạnh thường quân”.
Khi những dòng trạng thái của thầy Tuấn được đưa lên thì nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên cả nước gọi điện về mong muốn cùng chung tay, hỗ trợ cho các em.
Những bộ đồng phục mới tinh, từng tập sách vở, bút mực… được chuyển đến cho các em học sinh khó khăn.
Khi đã bén duyên với công tác thiện nguyện, thầy Tuấn trở thành cầu nối giữa các mạnh thường quân, doanh nghiệp với học sinh vùng cao.
Sau giờ dạy, có lúc thầy Tuấn trở thành anh “phu khuân vác” bê từng thùng hàng nặng từ trung tâm xã chuyển về trường, có lúc anh lại trở thành người đóng gói, phân phát từng gói hàng đến tận tay học trò hay người dân đang cơn nguy khó.
Chia sẻ về hành trình làm thiện nguyện của mình, thầy Tuấn nói rằng, kỷ niệm khó quên nhất là đợt hỗ trợ người dân ở huyện Hải Lăng trong cơn lũ năm 2020.
“Thời điểm đó, nước lũ dâng rất nhanh nên mọi người không kịp trở tay. Tài sản dành dụm bao năm bị dòng nước hung hãn cuốn trôi, sách vở, bàn ghế của học trò cũng bị lũ nhấn chìm.
Tôi cùng mọi người chèo đò đi cứu trợ, phân phát từng gói mỳ tôm trong lũ. Gặp nhiều người 2 ngày liền chưa có gì ăn, nhận thùng mỳ tôm mà rưng rưng nước mắt”, thầy Tuấn nhớ lại.
Nước rút, thầy Tuấn lại cùng mọi người xắn tay lo chuyện quần áo, sách vở, bàn ghế cho học trò vùng lũ. Tất cả những kiện hàng từ mọi miền tổ quốc gửi về đều được thầy chuyển đến tận tay học sinh vùng lũ, để các em kịp đến trường.
Đào giếng, đưa nước sạch về cho dân bản
Mùa khô ở miền Tây Quảng Trị rất khắc nghiệt. Ngoài món “đặc sản” là gió Lào thổi hầm hập suốt ngày đêm thì nắng hạn, thiếu nước sạch sinh hoạt cũng là vấn đề nan giải với học trò và người dân xứ này.
Thầy Tuấn chèo đò đi cứu trợ học trò và người dân trong đợt lũ lịch sử năm 2020 tại Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: NVCC |
“Vào mùa hạn, nhìn cảnh học trò phải đi bộ hàng cây số để xách từng can nước về sinh hoạt, nấu ăn khiến tôi trăn trở, suy nghĩ. Sau khi chia sẻ câu chuyện với một vài người bạn, chúng tôi thống nhất kêu gọi sự ủng hộ của mọi người để đào giếng, giúp học trò có nước”, thầy Tuấn cho biết.
Ngoài nguồn kinh phí do các nhà tài trợ thì thầy Tuấn cũng nhóm bạn bỏ công sức phụ giúp dân bản đào giếng, tìm kiếm nguồn nước sạch.
Qua nhiều năm miệt mài, nhóm của thầy Tuấn đã đào được 10 giếng nước sạch, giúp cho học sinh và người dân miền núi Hướng Hóa không còn nỗi lo thiếu nước vào mỗi mùa khô hạn.
Không chỉ giúp dân đào giếng, thầy Tuấn còn kêu gọi được nguồn kinh phí để xây dựng mới 1 điểm trường cùng sáu ngôi nhà khang trang cho người dân có hoàn cảnh nghèo khó.
Nói về công tác thiện nguyện của mình, thầy Tuấn chỉ cười khẽ: “Mình chỉ cố gắng hết sức để giúp đỡ mọi người. Ở xứ này, học trò còn khó và khổ lắm!”.
Thầy Tuấn cũng đang ấp ủ nhiều “dự án” thiện nguyện khác đó là làm cầu nối để giúp đồng bào vùng khó có được “cần câu cơm” từ các mạnh thường quân.
Thay vì hỗ trợ tiền bạc, vật chất thì nay sẽ chuyển sang hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để người dân tự sản xuất để tạo cái ăn, cái mặc lâu dài, ổn định.
Thầy Hồ Sỹ Chẩm - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Hướng Lộc nhận xét, thầy Tuấn là một thầy giáo giỏi về chuyên môn, gương mẫu, đạo đức và rất thương yêu học trò.
Qua sự kết nối, hỗ trợ của thầy Tuấn, nhiều em học sinh đã vượt qua khó khăn để tiếp tục theo đuổi giấc mơ với con chữ.