Thầy Khang mừng đến phát khóc khi biết tin Hà Nội bỏ môn thi thứ tư

18/04/2020 06:00
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đó là tâm sự của thầy Nguyễn Xuân Khang với phóng viên Giáo dục Việt Nam khi nhận được tin Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Ngày 17/4, Hà Nội quyết định thay đổi kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 với việc chỉ thi 3 môn thi là Toán, Văn, Ngoại ngữ thay vì 4 môn như quyết định trước đó. 

Theo đó các bài thi môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút/ bài. 

Bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài là 60 phút/ bài; 

Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành đã được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ngay sau khi nhận được thông tin này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội tâm sự: “Khi nhận được tin này, thầy ngồi khóc một mình vì quá vui mừng”. 

Thầy Khang mừng đến phát khóc khi biết tin Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Thầy Khang mừng đến phát khóc khi biết tin Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 (Ảnh: giaoduc.net.vn)

“Ông nội” của hàng ngàn học sinh trường Marie Curie chia sẻ thêm: “Từ đêm 16/3 ngồi viết tâm thư kính gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến nay tròn 1 tháng. 

Thay mặt giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh nói lên nguyện vọng thiết tha được giảm áp lực thi cử, nay đã được thành phố Hà Nội chấp thuận. 

Thầy đã khóc vì mừng cho hàng vạn học sinh, hàng nghìn giáo viên vào lúc cam go chống dịch lúc này”. 

Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021
Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021

Trước đó, nhận thấy tình hình dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch học tập của học trò, ngày 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang gửi tâm tư tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. 

Mở đầu thư, thầy Khang viết: "Đại dịch Covid-19 đã 100 ngày. Việt Nam đã rất thành công giai đoạn 1...và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.

Tuy nhiên, đến ngày 6/3 ở Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và là bệnh nhân thứ 17 của Việt Nam. Tiếp đó số bệnh nhân tăng lên từng ngày và xuất hiện thêm các nguồn lây mới.

Tính đến ngày 15/3 Việt Nam có 57 bệnh nhân Covid-19, trong đó 16 người khỏi bệnh, còn 41 bệnh nhân đang được cách ly và điều trị…

Việt Nam đã bước sang giai đoạn 2 phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phức tạp hơn và quyết liệt hơn!

Trước tình hình đó, đến ngày 15/3, tất cả các địa phương đều phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến Trung học cơ sở nghỉ học, trong đó có những nơi đã cho học sinh đi học được một thời gian cũng phải thay đổi và tiếp tục đóng cửa trường.

Gần 30 tỉnh/thành phố vẫn chưa thể cho học sinh trung học phổ thông đến trường, trong đó có các thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020. Các trường đã phải dạy và học online hoặc qua truyền hình...

Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh… nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả.

Hà Nội điều chỉnh thời gian năm học, tuyển sinh lớp 10 trước 15/8
Hà Nội điều chỉnh thời gian năm học, tuyển sinh lớp 10 trước 15/8

Sau cuộc họp ngày 14/3, Văn phòng Chính phủ cũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

“Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập”. 

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói “chống dịch như chống giặc, chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khoẻ nhân dân”!

Không biết tình hình này tiếp diễn đến bao giờ? 

Dịch bệnh Covid-19 không những ảnh hưởng đến giáo dục mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, làm đảo lộn cuộc sống hàng triệu người".

Trong bối cảnh này, lắng nghe nguyện vọng của nhiều giáo viên, học sinh và phụ huynh, thầy Khang đề nghị hai nội dung như sau:

"Thứ nhất, về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020: Kính đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xem xét và quyết định chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Nội dung đề thi năm nay cũng cần có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Năm nay khi chưa xảy ra dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không công bố đề minh hoạ kỳ thi quốc gia.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến học sinh tiếp tục phải nghỉ học như hiện nay, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh hoạ các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học “đặc biệt” này. 

Thứ hai, về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021 của Hà Nội: Kính đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Đức Chung xem xét, sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 – 2021.

Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3)."

Lý giải về việc đưa ra kiến nghị này, thầy Khang chia sẻ:

"Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, trước hết là nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân thêm tin tưởng, yên tâm, đồng lòng chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời giảm được đáng kể quy mô tổ chức các kỳ thi đó của Bộ và Thành phố.

Kỳ thi quốc gia năm 2019 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của Thành phố Hà Nội thật sự thành công, trong “thời bình”.

Việc đề xuất ý kiến này là trong tình hình đặc biệt chống dịch Covid-19, “thời chiến”! Những năm sau, “thời bình”, xã hội có điều kiện thuận lợi, các kỳ thi nói trên sẽ được tổ chức “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”". 


Thùy Linh