Từ nhiều năm nay, lời giải cho vấn đề thừa-thiếu giáo viên là “đề thi” rất khó đối với ngành Giáo dục.
Tình trạng thừa-thiếu giáo viên không chỉ xảy ra theo vùng miền, khu vực mà ngay trong một cơ sở giáo dục vẫn tồn tại nghịch lý thừa thì vẫn thừa nhưng thiếu vẫn cứ thiếu.
Để giải bài toán thừa-thiếu giáo viên, thời gian qua, một số địa phương đã phải đưa ra giải pháp tình thế bằng cách luân chuyển giáo viên trung học cơ sở xuống dạy bậc mầm non, tiểu học.
Tuy nhiên, việc luân chuyển này lại tiềm ẩn nhiều bất cập bởi lẽ, bậc mầm non đòi hỏi những kỹ năng và phương pháp sư phạm chuyên biệt.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chúng ta đang thừa thiếu giáo viên là do căn cứ định mức giáo viên/ số lớp học chứ không căn cứ trên tỷ lệ học sinh. (Ảnh: Thùy Linh) |
Chia sẻ bất cập này với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc điều chuyển giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non không thể làm ồ ạt bởi lẽ ở bậc học mầm non, yêu cầu đối với giáo viên là phải hiểu biết thật sâu sắc đối với tâm lý của trẻ.
Điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non có thể gây ra nhiều bất cập, thậm chí sẽ phát sinh rất nhiều tình huống ảnh hưởng tới chất lượng của bậc học này.
Do đó, theo ông Nhĩ, muốn điều chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học, mầm non thì cần động viên đối tượng giáo viên trẻ dẫu sao họ cũng dễ thích nghi hơn so với giáo viên lớn tuổi và có chế độ chính sách phù hợp ví như được giữ nguyên bậc lương…
Đồng thời, số giáo viên động viên được đó phải tiến hành đào tạo lại trước khi điều chuyển để họ đảm bảo yêu cầu giảng dạy.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, ở bậc trung học cơ sở, mỗi giáo viên đảm nhận một môn học, còn tiểu học thì đòi hỏi giáo viên phải dạy toàn diện tất cả các môn.
Đặc biệt đối với mầm non thì ngoài kiến thức còn đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng, phương pháp sư phạm chuyên biệt để nắm bắt tâm lý, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bạo lực, hành hung trẻ.
Muốn giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đề nghị, Bộ Nội vụ cần xác định lại định mức giáo viên/ tỷ lệ học sinh hiện nay để tính toán xem thừa, thiếu ra sao.
Thời gian tới không thể một lớp quy định chuẩn là 35-40 học sinh mà nhiều nơi sĩ số lại lên tới 69,70 học sinh/ lớp.
“Hiện nay, chúng ta thừa thiếu giáo viên là do căn cứ định mức giáo viên/ số lớp học chứ không căn cứ định mức giáo viên/ tỷ lệ học sinh”, ông Nhĩ nhấn mạnh.