Trường phổ thông Lương Thế Vinh – Hà Nội đề nghị toàn thể học sinh mặc áo cờ đỏ sao vàng hát Quốc ca.
Trong phần phát biểu, trực tiếp Nhà giáo Văn Như Cương có lời khen ngợi thành tích xuất sắc của 588 học sinh đã đỗ tốt nghiệp trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, thầy Cương bày tỏ phấn khởi và hoan nghênh công trạng này của các em.
Nhà giáo Văn Như Cương cũng căn dặn học trò của mình, thầy đặt câu hỏi với học sinh, đã bao giờ các em suy nghĩ một cách đúng đắn và nghiêm túc cho một câu hỏi: “Hàng ngày chúng ta đến trường để học cái gì”.
Hình ảnh thầy Văn Như Cương trong ngày khai giảng Trường Lương Thế Vinh. |
Phần lớn các em trả lời được ngay là học trong sách vở, cụ thể là sách giáo khoa. Thầy Cương cho rằng, chính vì thế mới có câu “cắp sách đến trường”.
“Thầy nay đã 79 tuổi, thầy được cắp sách tới trường liên tực từ cấp 1, 2, 3 và đại học, sau đại học, nghiên cứu sinh.
Và bây giờ khi nhìn lại những gì đã qua của mình, thầy hiểu rằng những điều mình đã được học trong trường thực ra không phải toàn là những bảo bối, và cũng không phải là những cẩm nang thần diệu dẫu cho thầy bước vào cuộc sống đời thường, một thực tế rất sôi động, nhiều cơ hội và nhiều cạm bẫy, trong đó cái đúng các sai, cái thiện cái ác nhiều khi khó phân định rõ ràng.
Hồi bấy giờ nhà trường chỉ truyền thụ những kiến thức thuần túy sách vở, ít gắn liền với đời sống xã hội ngoài nhà trường. Cũng còn may là ở cái thuở thiếu thời ấy thầy không chỉ chúi đầu vào sách vở, mà do hoàn cảnh gia đình thầy còn phải làm nhiều việc khác nhau, ngẫm nghĩ nhiều việc khác nhau.
Dẫu sau thầy vẫn ân hận, và lấy làm tiếc cho cái thuở đến trường ấy đã không tranh thủ để học được nhiều hơn, những bài học bổ ích vốn không nằm trong sách giáo khoa.
Bởi vậy, với tư cách là một người thầy giáo nhiều tuổi nghề, nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ các em rằng, biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là vùng biển gần bờ mà thôi.
Nền giáo dục của chúng ta đã bắt đầu đổi mới theo xu hướng tiến bộ hơn, tích cực hơn, theo đó học sinh muốn thành đạt, ngoài những kiến thức sách vở thì còn phải thành thạo các kĩ năng xã hội, kĩ năng sống để phát triển toàn diện, những giá trị chuẩn mực để phát triển tính cách, phẩm chất và những đạo đức tốt đẹp” thầy Cương căn dặn học trò của mình.
Nhà giáo Văn Như Cương qua buổi Lễ khai giảng cũng đã ca ngợi những em học sinh biết sáng tạo trong lao động, để mỗi cá nhân thấy gắn bó, hòa đồng với tập thể hơn. Những bài học như thế sẽ ít có hoặc không có trong những tiết học trên lớp.
Trong khi đó tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cũng có những nét riêng trong phần Khai giảng, NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng nhà trường sau khi cùng học sinh của mình làm Lễ dâng hương tưởng niệm người Anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng đã bày tỏ: “chúng ta được vinh dự mang tên, thầy mong rằng các trò ghi nhớ mãi lời thề khuyến học, luôn rèn luyện để có “Chí sáng đức bền” và “Xứng đáng cháu con; Đinh Tiên Hoàng đế; Rạng danh thế hệ; Cháu con Bác Hồ”.
Lễ dâng hương tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng của thầy trò trường THPT Đinh Tiên Hoàng sáng nay.Ảnh Xuân Hải |
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cũng căn dặn học trò và toàn thể thầy cô giáo của mình rằng, trường Đinh Tiên Hoàng sẽ thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch nước, thực hiện tốt chương trình giáo dục mở của trường trong năm học mới: Rèn “7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt” trên cơ sở phát triển những phẩm chất năng lực của người học sinh Đinh Tiên Hoàng: “Sống tự chủ; Sống tự lập; Sống tự tin; Sống tự trọng và tự chịu trách nhiệm trước mọi hành vi việc làm của mỗi người”.
Được biết, ngay sau lễ khai giảng các trò sẽ cùng cô giáo chủ nhiệm tổ chức buổi sinh hoạt lớp đầu năm học để khởi động chương trình giáo dục mở rèn luyện “7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt”.
Thầy cô Trường Song ngữ Brenbon chào mừng các em học sinh lớp 1. |
Cũng trong buổi sáng nay, Trường Song ngữ Brendon đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác với trường Đại học Thủ đô Hà Nội (tiền thân là trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội), theo thỏa thuận, đầu ra của sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ được đảm bảo và Brendon sẽ được cung cấp nguồn giáo viên người Hà Nội giỏi, yêu nghề.