Sáng 01/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Phát biểu ý kiến tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tranh luận với quan điểm của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) về cơ sở giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa…
Theo Đại biểu Mai Hoa, Nghị quyết 88 mới là Nghị quyết gốc, tuy nhiên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không hề có khái niệm “Nghị quyết gốc” và cũng không hề phân biệt cấp độ của các Nghị quyết của Quốc hội.
“Dù đại biểu có coi Nghị quyết 122 của Quốc hội là gì thì tổ chức, cá nhân liên quan vẫn phải thực hiện Nghị quyết này” - Đại biểu Thúy cho biết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng. Ảnh: quochoi.vn. |
Đồng thời đại biểu này cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
“Hơn nữa, Luật Giáo dục 2019 cũng chỉ quy định: Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà không hề quy định nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi xin hỏi, Luật Giáo dục có phải là văn bản quy phạm pháp luật gốc không?” - bà Thúy nêu băn khoăn.
“Dĩ nhiên, Quốc hội khóa này có quyền ban hành một Nghị quyết có nội dung khác với Nghị quyết 122, nhưng tôi băn khoăn có nên làm một việc xã hội đã làm không? Việc thay đổi một chính sách lớn giữa chừng là một việc cần có thời gian nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động cẩn trọng”.
Theo bà Thúy: "Trong tại phụ lục 7 của báo cáo giám sát là tổng hợp đề xuất kiến nghị của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương là 35 trang với 282 nội dung. Riêng đơn vị Bộ Giáo dục và Đào tạo là 114 nội dung. Tại trang 26, số thứ tự 208 có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa (của 2 địa phương).
Tôi cho rằng, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì Bộ tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết”.
Theo nữ đại biểu, thực tế còn có một số ý kiến cho rằng “phải có một bộ sách giáo khoa chuẩn”. Nhưng đại biểu cho rằng, hiểu như vậy là không đúng với Nghị quyết 88. Theo Nghị quyết này, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn.
“Đúng là ngày xưa ta chỉ học mỗi một bộ sách giáo khoa, chỉ ăn khoai sắn cũng nên người. Nhưng mỗi thời mỗi khác, không thể bắt ngày nay giống ngày xưa được. Bây giờ con cháu chúng ta phải ăn uống đầy đủ thì mới cải tạo được tầm vóc để sánh vai với các cường quốc năm châu” - Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.