Giáo viên Bình Thuận có 1 triệu đồng tiền Tết
Một mùa xuân mới lại về, giáo viên của nhiều trường học tại tỉnh Bình Thuận cũng đã quen dần với việc không còn hỏi nhau “Tết này trường bạn được thưởng bao nhiêu?”. Bởi nhiều trường học gần như không có một đồng tiền thưởng Tết.
Nhiều giáo viên được thưởng chai dầu ăn, gói mì chính (Ảnh: minh họa: V.N) |
Việc này không phải do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh tế gặp khó khăn, cũng không phải trường học mất nhiều nguồn thu (tiền buổi 2, tiền học phí). Từ nhiều năm qua, mức thưởng Tết của các trường học trên địa bàn tỉnh cũng gần như không có.
May mắn có một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, mức thưởng dao động từ 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng. Trong khi, nhiều trường tiểu học gần như không có tiền thưởng từ nguồn thu nhập tăng thêm.
Để động viên tinh thần cho giáo viên, công đoàn nhiều trường học đã hỗ trợ những phần quà là nhu yếu phẩm hoặc trao phong bì vài trăm ngàn đồng. Giáo viên thường nói vui dù “mỡ nó rán nó” nhưng cũng thấy ấm lòng.
Giáo viên được nhận tiền hỗ trợ từ món quà chung của tỉnh
Năm nào, tỉnh Bình Thuận cũng hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ nguồn ngân sách 1 triệu đồng tiền Tết. Vì thế, giáo viên cũng được nhận khoản tiền này.
Năm nay, tình hình dịch bệnh kéo dài nên kinh tế cũng gặp khá nhiều khó khăn.
Nhiều người băn khoăn Tết năm nay không biết có còn được tỉnh hỗ trợ tiền? Món quà hỗ trợ Tết cũng là một nỗ lực rất lớn của tỉnh vừa động viên tinh thần, vừa san sẻ khó khăn với những người lao động.
Tuy món tiền 1 triệu đồng không nhiều, thế nhưng hai vợ chồng là nhà giáo cũng có thêm mấy đòn bánh chưng, vài ký thịt heo, một ít giò chả góp cho hương vị ngày Tết thêm phần ấm cúng.
Nhiều địa phương chưa bao giờ biết một đồng tiền thưởng
Không so với giáo viên được tiền thưởng Tết lớn tại những địa phương như Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh…, giáo viên Bình Thuận có được 1 triệu đồng tiền Tết từ tỉnh đã là mừng rồi.
Nhiều địa phương, các thầy cô khẳng định chưa bao giờ biết đến một đồng tiền thưởng. Cô giáo Thanh ở Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc chia sẻ với người viết cho biết: “Bao nhiêu năm nay, tụi em chưa biết đến một đồng thưởng Tết. Năm nào cũng vậy, lấy xong tháng lương cuối cùng phải để dành lại một ít lo tiền tàu xe về quê và tiền sắm Tết cho gia đình”.
Thầy giáo Tuấn ở Kon Tum chia sẻ với người viết: “Tụi em không nghĩ đến tiền Tết vì có năm nào được thưởng đâu? Nhiều nhất là được phần quà 200 ngàn đồng từ quỹ công đoàn nhà trường nhưng đó là tiền của mình nộp được trích ra. Hạnh phúc nhất là được nghỉ mấy ngày Tết về sum họp với gia đình là vui rồi”.
Thầy giáo Phong ở Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: “Giáo viên nhà em không có thưởng Tết nhưng học sinh lại có. Cứ mỗi dịp Tết đến, giáo viên chung tay lo tổ chức ăn Tết sớm cho học sinh vùng dân tộc thiểu số”.
Cô giáo Hoa ở vùng cao Đắk Lắk cũng bày tỏ tâm tư: “Không có tiền Tết cũng quen vì chẳng phải mong ngóng, chờ đợi. Bao nhiêu năm nay, giáo viên trong trường cũng tự động viên nhau mình còn có lương thì còn Tết chứ học sinh nhiều gia đình nghèo quá nhìn thấy thương. Năm nay, dịch bệnh lâu ngày sợ nhiều gia đình sẽ mất Tết”.
Cô Hoa cũng cho biết thêm, mình đã cùng một số đồng nghiệp đi xin quyên góp từ những nhà hảo tâm để nấu bánh chưng và phát cho mỗi học sinh 1 cái (học sinh nghèo, khó khăn được 2 cái). Thấy học trò vui, lòng thầy cô cũng mừng vui không kém.
Giáo viên có nhiều cách tăng thu nhập trong những ngày Tết
Không trông chờ vào những khoản tiền thưởng Tết như nhiều ngành nghề khác, nhiều nhà giáo đã có những cách tăng thêm thu nhập để có được những cái Tết ấm no.
Vườn hoa của cô giáo Phượng (Ảnh: Đỗ Quyên) |
Cô giáo Phượng tại Bình Thuận có nghề trồng hoa bán Tết. Cô không chọn trồng những loại hoa đắt tiền, khó trồng lại tốn công chăm sóc như hoa ly, hoa lay ơn... cô chỉ trồng 2 loại hoa mào gà và hoa cúc vạn thọ.
Cô Phượng cho biết: "Trồng hoa này vốn bỏ ra ít, công chăm sóc không nhiều như những loại hoa khác, khi bán cũng dễ vì giá không cao. Bán sỉ tại vườn chỉ 15 ngàn đồng/chậu. Một năm chịu khó cũng thu được 50 triệu tiền bán hoa. Nếu trừ tiền phân, giống, chậu... cũng lời được phân nửa.
Thầy giáo Đồng tại Bình Thuận lại có nghề trồng mai và cho thuê mai. Thầy Đồng nói: "Cả năm chăm sóc chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết". Nhờ mai đẹp nên có năm, tiền bán và cho thê mai cũng được cả trăm triệu đồng.
Thầy giáo Phong ở Kỳ Sơn cho biết, cứ vào mỗi dịp Tết, thầy lại cùng một số đồng nghiệp vào bản mua đào mang ra thị trấn bán. Một năm cũng có được năm, bảy triệu đồng tiêu Tết.
Một số thầy giáo lại chọn công việc giao hàng (ship hàng) vào những ngày Tết. Công việc tuy vất vả nhưng mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng.
Không than vãn, cũng chẳng ngồi trông chờ, nhiều thầy cô giáo đã biết vượt lên hoàn cảnh từ đồng lương ít ỏi để xây dựng kinh tế gia đình một cách vững vàng. Vừa dạy tốt, vừa làm kinh tế giỏi là hình ảnh của nhiều thầy cô giáo trong giai đoạn hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.