Thế hệ trẻ Việt Nam "cưỡi trên sóng hay chìm trong sóng?"

05/12/2016 08:47
Thùy Linh
(GDVN) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn sóng thần sẽ ảnh hưởng to lớn đến xã hội.

Ngày 3/12, tại Hà Nội hơn 200 sinh viên đã tham dự Hội thảo "Industry 4.0: Cưỡi trên sóng hay chìm trong sóng?" do Aptech tổ chức.

Hội thảo xoay quanh chủ đề Cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 (Industry 4.0), những ảnh hưởng của nó đến Việt Nam và những cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ nhằm giúp sinh viên định hướng vai trò của công nghệ thông tin và điều chỉnh việc học tập của bản thân. 

Tham dự hội thảo có ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, ông Đinh Văn Hoàn – Phó giám đốc phòng phát triển công ty IFI Solution, anh Nguyễn Hòa – Cựu sinh viên Aptech – Đồng sáng lập công ty cổ phần phần mềm Siten. 

Mở đầu cuộc trao đổi, ông Chu Tuấn Anh khẳng định: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng là Công nghệ và Trí tuệ nhân tạo đang phát triển bùng nổ với cấp số nhân trên toàn cầu, mọi thứ được kết nối bởi internet (Internet Of Things). 

Tất cả các công việc đều có thể thay thế bằng nền tảng công nghệ từ việc kinh doanh taxi mà không phải sắm bất kỳ một chiếc xe nào như Uber, Grab đến việc "in"một tòa nhà cao tầng với tốc độ kinh ngạc thay vì xây dựng thủ công bởi những người thợ; khả năng chuyển tiền không giới hạn không gian và số lượng với Block chain… 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn sóng thần sẽ ảnh hưởng to lớn đến xã hội
."

Các diễn giả bàn về công nghiệp 4.0 trong buổi hội thảo gồm ông Chu Tuấn Anh (ngồi giữa), ông Đinh Văn Hoàn (bên trái) và anh Nguyễn Hòa (Ảnh: Thùy Linh)
Các diễn giả bàn về công nghiệp 4.0 trong buổi hội thảo gồm ông Chu Tuấn Anh (ngồi giữa),  ông Đinh Văn Hoàn (bên trái) và anh Nguyễn Hòa (Ảnh: Thùy Linh)

Chính vì vậy, đại diện nhà tuyển dụng của doanh nghiệp, anh Nguyễn Hòa khuyên các bạn sinh viên tham gia thực tập tại các doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để có thể tự trau dồi kiến thức, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 

Không những vậy, quá trình học tập và làm việc phải "liều" nhận những dự án ngay khi có hội để từ đó mày mò và rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế hơn.

Với câu hỏi về những cơ hội và thách thức mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại ông Đinh Văn Hoàn cho rằng: "Cơ hội rất nhiều và thách thức cũng không ít, quan trọng là các bạn trang bị kiến thức, trau dồi kinh nghiệm và phải sáng tạo, dám nghĩ dám làm".

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Đinh Văn Hoàn – Phó giám đốc phòng phát triển công ty IFI Solution cho rằng: 

Việc dùng trí tuệ nhân tạo thì chắc chắn quốc gia nào cũng sẽ gặp phải những thách thức, tuy nhiên Việt Nam là quốc gia đang phát triển thì có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển khi họ đã áp dụng để chúng ta có những cơ hội tốt đồng thời giảm bớt được nhiều nguy cơ”. 

Thế hệ trẻ Việt Nam "cưỡi trên sóng hay chìm trong sóng?" ảnh 2

Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi xác định lại vai trò của người thầy

(GDVN) - Giáo viên ở thế kỉ XXI cần hiểu rằng sự thay đổi là sống còn và phải chấp nhận, chuẩn bị cho mình phát triển.

Ngoài ra, ông Hoàn cũng khuyến cáo: “Khi công nghệ, trí tuệ nhân tạo phát triển mà rất nhiều vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân bị chia sẻ một cách rộng rãi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người. 

Chính vì vậy khi công nghệ càng phát triển thì việc đảm bảo thông tin cá nhân càng cần phải được chú trọng hơn nữa để tránh những rủi ro đáng tiếc
”. 

Theo ông Đinh Văn Hoàng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) đang là một cơn sóng ngầm dù chúng ta chưa nhìn thấy nhưng thực tế nó đã và đang thay đổi xã hội.

Do vậy nếu con người không thay đổi thì sẽ không bắt kịp với thời đại và buộc tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

Trước lo ngại rằng, khi trí tuệ nhân tạo xuất hiện thì con người sẽ làm gì? Đưa ý kiến về vấn đề này, ông Đinh Văn Hoàng cho rằng:

Có thể một số công việc sẽ ít dần đi hoặc không còn tồn tại trong tương lai. Ví dụ, khi áp dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra và hỗ trợ quản lý công việc, lúc này không cần đến một trợ lý bằng xương bằng thịt nữa.

Tuy nhiên, theo tôi, con người luôn có vai trò quan trọng và là trung tâm, do vậy khi ngành nghề, công việc nào đó biến mất thì sẽ có công việc, ngành nghề khác ra đời nên con người không nên quá lo lắng.

Bởi lẽ, khi máy móc xuất hiện thì sẽ cần người điều khiển để chúng chạy đúng theo yêu cầu, mục đích”. 

Thùy Linh