Thêm 1 ghế quản lý trường học, cả nước sẽ tăng 43.199 vị trí quản lý?

03/02/2022 06:58
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong lúc chúng ta đang rất muốn tinh gọn bộ máy, việc tăng thêm vị trí lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, sẽ là gánh nặng cho ngân sách, hoàn toàn không nên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm 3 vị trí: Chủ tịch Hội đồng trường; Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng.

So với Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, là vị trí việc làm mới được bổ sung trong vị trí quản lý, lãnh đạo nhà trường.

Hội đồng trường được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 55 Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Hội đồng trường:

1. Hội đồng trường của trường công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường, các bên có lợi ích liên quan và được quy định như sau:

a) Hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. Thành phần hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông;

Điều 10 Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ghi rõ:

1. Hội đồng trường của trường trung học công lập:

a) Hội đồng trường của trường trung học công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

b) Thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh. Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên, số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ, ít nhất là 07 người, nhiều nhất là 15 người. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm.

c) Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường trung học công lập: Quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, các dự án trong từng giai đoạn và từng năm học; quyết định về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quyết định về chủ trương sử dụng tài chính, tài sản của nhà trường; phê duyệt kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát hoạt động tuyển sinh và việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giám sát việc thực hiện các quyết định của hội đồng trường và việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực của nhà trường theo quy định của pháp luật.

d) Hoạt động của hội đồng trường trung học công lập: Hội đồng trường hợp thường kỳ ít nhất 03 lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền của nhà trường. Hội đồng trường có thể họp bằng hình thức xin ý kiến bằng văn bản. Hội đồng trường được mời đại diện các thành phần khác tham dự cuộc họp của hội đồng trường khi cần thiết. Phiên họp hội đồng trường được công nhận là hợp lệ khi có mặt từ ba phần tư số thành viên của hội đồng trở lên (trong đó có chủ tịch hội đồng trường). Quyết định của hội đồng trường được thông qua và có hiệu lực khi được ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt nhất trí. Quyết định của hội đồng trường được công bố công khai.

đ) Thủ tục thành lập Hội đồng trường trung học công lập: Căn cứ vào quy định về thành phần của hội đồng trường tại điểm b khoản 1 Điều này, hiệu trưởng đề nghị chính quyền địa phương cử đại diện tham gia hội đồng trường; tổng hợp danh sách hội đồng trường do chính quyền địa phương, tập thể giáo viên và các tổ chức, đoàn thể nhà trường giới thiệu; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định công nhận hội đồng trường. Hiệu trưởng tổ chức phiên họp đầu tiên của hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường bằng phiếu kín; làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định công nhận chủ tịch hội đồng trường. Thư ký hội đồng trường do chủ tịch hội đồng trường chỉ định.

e) Hằng năm, nếu có sự thay đổi về nhân sự, hiệu trưởng làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với cấp trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có Cấp học cao nhất là trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh, trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện có cấp trung học phổ thông) ra quyết định bổ sung, kiện toàn hội đồng trường.

Thực tế Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục phổ thông hoạt động như thế nào?

Chia sẻ với người viết, một đồng nghiệp là thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên), một tổ trưởng chuyên môn, cho biết: “Thực tế, gần 40 năm dạy học, mình là thành viên, thư kí, nhiều nhiệm kì của Hội đồng trường, thế nhưng chưa tham gia họp lần nào, chưa ghi biên bản nào. Mình thấy, Hội đồng trường chỉ cho có với người ta thôi”.

Đề xuất chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đề xuất chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập hiện nay, có thể nói, đây là tổ chức có cũng như không, không có cũng được, có cũng được. Các cơ sở giáo dục thành lập Hội đồng trường, chẳng khác gì cho “đủ mâm” theo quy định.

Có cần thêm vị trí quản lý là Chủ tịch Hội đồng trường?

Theo ý kiến người viết, hoàn toàn không nên. Tại sao?

Thứ nhất, sẽ tăng biên chế trong trường học. Cả nước hiện nay có 13.970 trường tiểu học; 10.911 trường trung học cơ sở; 2.842 trường trung học phổ thông, nếu mỗi trường thêm 01 vị trí lãnh đạo là chủ tịch hội đồng trường, cả nước sẽ tăng 27.723 vị trí quản lý.

Thứ 2, nếu tiểu học và trung học có vị trí lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, bậc học mầm non cũng sẽ có vị trí này. Cả nước hiện nay có 15.476 trường mầm non, như vậy ngành giáo dục cả nước sẽ tăng thêm 43.199 vị trí quản lý cho các cấp học mầm non và phổ thông.[1]

Trong lúc đó, chúng ta đang rất muốn tinh gọn bộ máy, việc “đẻ” thêm vị trí lãnh đạo chủ tịch hội đồng trường, sẽ là gánh nặng cho ngân sách, hoàn toàn không nên.

Thứ ba, trên cơ sở thực tế, thực tiễn, vai trò, vị trí, nhiệm vụ, hoạt động của hội đồng trường quá mờ nhạt.

Minh chứng cụ thể, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, cuối nhiệm kì, … không hề có quy định báo cáo hoạt động của hội đồng trường.

Vì thế, bổ sung chủ tịch hội đồng vào vị trí việc làm chức danh lãnh đạo trường là không thực tế.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Luật Giáo dục 2019.

- Dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

[1]https://moet.gov.vn/thong-ke/Pages/thong-ke.aspx

*Nội dung bài viết thể hiện văn phong, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến