LTS: Sau khi đọc xong loạt bài của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, tác giả Trương Khắc Trà chia sẻ góc nhìn của mình về việc dạy và học Triết học Mác - Lênin.
Theo đó, tác giả đề cao vai trò của người thầy trong việc truyền đạt môn học này đồng thời khơi gợi tình yêu với Triết học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong loạt các bài viết của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) về đổi mới giáo dục đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn).
Tôi thực sự ấn tượng với phần tác giả đề cập đến vấn đề dạy và học các môn khoa học chính trị trong bài viết “Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học”.
Thật may mắn cho một người đã được đào tạo chuyên ngành Triết học như tôi và hàng ngàn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường để nghiên cứu, học tập lĩnh vực khoa học này với tư cách là “cần câu cơm” cho tương lai.
Khi được nghe những chia sẻ của một cựu cán bộ Tuyên giáo cấp cao về thực trạng dạy và học các môn khoa học Mác – Lênin.
Tôi cơ bản tán thành với những gì tác giả Vũ Ngọc Hoàng trình bày trong bài viết của mình, nhưng có lẽ vì thời lượng không cho phép nên tác giả chỉ nói đến những vấn đề sơ lược nhất, bao quát nhất.
Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng trình bày thêm một vài vấn đề, không phải mới mẻ, cố gắng đi sâu hơn một chút coi như “múa rìu qua mắt thợ”.
Một sự thật đáng buồn là cảm nhận đầu tiên của những sinh viên, học viên với các môn khoa học Mác Lênin chỉ gói gọn trong một từ: “chán”.
Học sinh thường kêu ca học Triết hoc rất nhàm chán. Vậy lý do chính là gì? (Ảnh: Vtv.vn) |
Các thầy cô giảng dạy môn học này có lẽ cũng thấy được những mơ hồ, mất tập trung, buồn ngủ trong những tiết học của mình.
Để môn học nào đó thực sự hấp dẫn cần tập hợp nhiều yếu tố như nội dung chương trình, kiến thức nền, độ tiệm cận với thực tế cuộc sống… nhưng tôi cho rằng nhân tố quan trọng nhất nằm nơi người trực tiếp truyền đạt.
Rừng cây cũng có cây cao cây thấp, có cây giá trị cũng có cây kém giá trị.
Bản thân tôi và nhiều người khác nữa, may mắn được học và gặp gỡ với những thầy cô giáo hàng đầu trong lĩnh vực khoa học Mác – Lênin, dĩ nhiên học với họ không có khái niệm chán và bó hẹp.
Ngoài những phạm trù, khái niệm có tưởng chừng khô khan nhưng đằng sau đó mở ra một vùng kiến thức về mọi mặt, từ khoa học xã hội cho đến khoa học tự nhiên.
Có thể kể ra đây một vài “cây đa cây đề” trong ngành khoa học Mác - Lênin mà tôi may mắn được biết và được học, như: thầy Nguyễn Trọng Chuẩn, Bùi Thanh Quất, Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Thanh Tân, Đoàn Đức Hiếu, Vũ Đình Bảy, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Ngọc Vĩnh…
Khoa học chính trị, lịch sử nhất định phải đổi mới tư duy dạy và học |
Nói vậy để thấy rằng, để người học chán ngán, lỗi trước hết thuộc về những người đứng lớp.
Ai cũng biết kiến thức vốn không có đường biên, “vật chất” chưa có giới hạn đến chừng nào Thiên văn học và Vật lý lý thuyết chưa tìm ra biên giới của vũ trụ.
Cũng như vậy, kiến thức đâu chỉ nằm trong giáo trình!
Nếu dạy Triết mà chỉ đọc xong giáo trình rồi thôi thì đảm bảo chẳng ai muốn học.
Đừng vội cười quan điểm “Triết học là khoa học của mọi khoa học”, vì bản thân nó vốn là môn khoa học được tạo nên bởi sự giao thoa của nhiều ngành khoa học.
Đó là mối liên minh giữa Triết học và khoa học tự nhiên, khoa học xã hội.
Chẳng hạn như nói về quá trình nhận thức, cảm lý và lý tính, trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng… bản thân Triết học không thể giải quyết nổi vấn đề này mà phải nhờ liên minh với Tâm lý học, Phân tâm học, thậm chí Thần kinh học…
Vậy nên, ngoài giáo trình, người giảng dạy buộc phải uyên bác thêm rất nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau để giải thích cho một phạm trù hoặc khái niệm Triết học.
Như tôi đã từng đề cập trong bài viết trên báo Vietnamnet.vn (đăng ngày 7/12/2015), bản thân Triết học là giao thoa của nhiều ngành khoa học nên ngôn ngữ và cách thức trình bày một vấn đề phải cô đọng, thậm chí khó hiểu.
Cái mà nhiều người gọi là “cao siêu”, ví dụ mệnh đề “nó là nó nhưng không phải là nó” thì là cái gì? "Con gà và quả trứng cái nào có trước cái nào có sau?" Rút cuộc như thế nào?...
Gọi đó là những mệnh đề “siêu lý luận” nên người dạy phải có đủ độ thấm từ thực tiễn mới minh họa nổi, không thể lấy lý luận để giải thích cho một cái lý luận khác còn cao hơn, điều ấy chỉ làm người học thêm mơ màng, chán nản dẫn đến căm thù môn học này.
Các môn khoa học Mác - Lênin luôn có tầm quan trọng đặc biệt, đó là chưa nói đến các vấn đề tư tưởng.
Học Triết là một điều thực sự may mắn với chúng ta, vì không nơi đâu có thể tìm thấy những kiến thức nền tảng như trong môn học này. Kiến thức nền tảng ấy là gì?
Là cách nhìn thế giới, con người, phương pháp giải quyết vấn đề thấu đáo sao cho đạt được nhiều kết quả mà ít để lại “tác dụng phụ” nhất, đó là quá trình tiếp cận, khai mở một vấn đề nào đó theo con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất…
Tại sao lâu nay chúng ta lúng túng trong đánh giá con người, chưa bàn đến những tác động chủ quan (kiểu đồng chí này là con đồng chí nào) mà lỗ hổng lớn ở đây là sự phiến diện, siêu hình (tôi không phủ nhận giá trị của tư duy siêu hình).
Vì sao như vây? Vì chúng ta thiếu đi lăng kính “toàn diện”, “phát triển”, “lịch sử cụ thể”…
Những quan điểm ấy, những kiến thức quý giá ấy đã được tích lũy hơn XXVI thế kỷ, tính từ khi Triết học ra đời (khoảng thế kỷ VI, TCN), đã được thử thách qua thực tiễn từng ấy thời gian cho nên không tiếp cận, không học nó là một lãng phí vô cùng.
Nhiều người cho rằng, cái cần học bây giờ là kinh tế, học làm chuyên gia, nhà phát minh, sáng tạo… không sai chút nào, nhưng sự sáng tạo ấy từ đâu mà có?
Mọi sáng tạo, phát minh có tránh được việc phải bước lên bằng những nấc thang từ kiến thức nền tảng.
Ban hành danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân |
Cuộc khủng hoảng Vật lý học xảy cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã minh chứng cho vấn đề không nhất quán phương pháp luận nghiên cứu.
Thời này có những phát minh không được công bố vì kết quả khoa học đi ngược lại với niềm tin, ở đây là do phủ nhận chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Sau này V.I. Lênin đã xua tan cuộc khủng hoảng này qua tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán”.
Do không nắm bắt được quá trình biện chứng của nhận thức, một số nhà khoa học tự nhiên đã đi đến kết luận duy tâm hoặc siêu hình trước các thành tựu mới trong tiến trình phát triển của khoa học.
Thí dụ điển hình cho các kết luận như vậy là những đánh giá sai lầm trên bình diện triết học về tính chất của cuộc cách mạng trong vật lý học đầu thế kỷ XX ở các nhà khoa học như: P.Đuyhem, E.Makhơ, A.Poanhcarê.
Liệu có cuộc khủng hoảng thứ hai trong khoa học tự nhiên khi xem nhẹ vấn đề thế giới quan và phương pháp luận?
Nhân đây cũng xin lưu ý, mọi lĩnh vực để được công nhận là ngành khoa học, cần phải có đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Triết học sẽ cung cấp phương pháp luận chung nhất.
Thêm một vấn đề quan trọng nữa là, như ông Vũ Ngọc Hoàng đã nói “Cần phải thấy tinh thần phản biện và cách phản biện là biểu hiện của sự trưởng thành. Tạo ra một không khí cởi mở, một môi trường tự do học thuật”[1]. Rất ủng hộ quan điểm này.
Nhân đây nhớ lại câu chuyện một buổi seminar môn Lịch sử Đảng cách đây chừng chục năm. Tôi vinh dự được cử làm nhóm trưởng, lĩnh xướng khâu tranh luận.
Vì là sinh viên chuyên ngành nên tranh luận thường rất hăng, khi đang bàn về việc Nguyễn Ái Quốc phân vân chưa biết tham gia Quốc tế nào (Quốc tế II, hay III) để có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Cuộc tranh luận đang sôi nổi giữa các nhóm thì cô giáo cắt ngang, “thôi, các em đừng nâng cao quan điểm”.
Không làm rõ, nắm chắc triết lý, mục tiêu giáo dục, đổi mới sẽ mất phương hướng |
Vậy là xong, cuộc tranh luận lập tức lắng xuống, mọi vấn đề mà chúng tôi chưa hiểu rõ đành đi vào ngõ cụt.
Cho nên, tự do học thuật, tự do tư duy vô cùng quan trọng trong triết học, các học thuyết Triết học sinh ra, lớn lên và tồn tại bằng con đường tranh luận, không tranh luận phản biện sẽ không vỡ vạc ra được.
Sẽ như thế nào nếu ai cũng ôm khư khư cái mình biết để làm theo cách của riêng mình?
“Học các môn ấy không chỉ của Mác, Lênin mà kể cả các trường phái khoa học khác, lịch sử ra đời và phát triển của khoa học ấy, để các lý thuyết bình đẳng với nhau, tự khẳng định mình và tồn tại bằng giá trị”[2]. Đây cũng là một quan điểm đúng đắn của ông Vũ Ngọc Hoàng.
Nhưng cần phải nói thêm rằng, hiện nay Triết học không những không được mở rộng mà còn bị cắt xén, gộp lại, một phần gây khó khăn kinh tế cho đội ngũ giảng dạy, phần khác quan trọng không kém là làm “sứt mẻ” manh mún kiến thức Triết học, Kinh tế chính trị học…
Thật nguy hiểm nếu tiếp cận cái khiếm khuyết, chắp vá.
Còn việc dạy và học các trường phái triết học, tư tưởng khác xưa nay vẫn có nhưng chỉ áp dụng với sinh viên chuyên ngành.
Ngoài việc học Chủ nghĩa Mác còn có tư tưởng thời cổ đại Hy – La, Trung cổ Tây Âu, Phương Tây cận, hiện đại; cả Trung Quốc, Ấn Độ…
Nhưng có cảm giác, chúng ta không khách quan lắm với các trào lưu trước Mác, sau Mác, học những cái ấy chủ yếu “vạch lá tìm sâu”, đôi lúc phủ nhận những giá trị vốn có.
Nói như ông Hoàng “học các môn chính trị ấy là học về khoa học chính trị. Khoa học thì khách quan và bình đẳng, không ai và không có lý thuyết nào độc quyền chân lý”[3].
Để hiệu quả hơn trong việc dạy và học các môn khoa học Mác – Lênin nên chăng biên soạn giáo trình theo nhóm, đối tượng.
Ví dụ với nhóm người học các ngành tự nhiên, kỹ thuật nên có giáo trình nghiêng về khoa học tự nhiên, nhóm người học ngành xã hội nên biên soạn theo hướng xã hội…
Tức là khai thác các khía cạnh khác nhau trong Triết học để bớt nhàm chán.
Đổi mới khâu tuyển chọn giảng viên các ngành khoa học Mác – Lênin, ngoài kỹ năng sư phạm cần kiểm tra kỹ chuyên môn, am hiểu nhiều lĩnh vực chứ không chỉ có thuộc lòng giáo trình.
Tài liệu tham khảo: