Thí điểm không phân tuyến tuyển sinh: Các trường có thể bị động

01/04/2023 06:46
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến đánh giá việc thí điểm không phân tuyến tuyển sinh đầu cấp với lớp 1, lớp 6 của TPHCM sẽ có nhiều khó khăn đối với các bên liên quan.

Mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, Sở sẽ đề xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố thí điểm không phân tuyến khi tuyển sinh lớp 1, lớp 6 trong năm học 2023-2024 tại ba địa phương là Thành phố Thủ Đức, Quận 8 và Quận Tân Bình.

Theo đó, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học cho học sinh lớp 1, lớp 6 dựa vào nơi cư trú thực tế của gia đình các em, không phân biệt hộ khẩu hay địa giới hành chính phường, xã. Việc bố trí chỗ học cho học sinh đầu cấp sẽ có sự hỗ trợ của hệ thống bản đồ GIS (hệ thống bản đồ số trong đó có tương tác trực quan hóa thông tin không gian) để xác định đoạn đường từ nhà học sinh đến trường. [1]

Đề xuất trên nhận được ủng hộ của nhiều bậc phụ huynh vì đem lại sự tiện lợi, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về những khó khăn khi triển khai thí điểm như: cơ sở vật chất có đảm bảo hay sự chênh lệch chất lượng đào tạo giữa các trường...

Giảm bớt áp lực giấy tờ, thủ tục khi đăng ký tuyển sinh

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, đề xuất trên sẽ có những ưu điểm nhìn thấy rõ như giảm bớt áp lực giấy tờ, thủ tục khi phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho con.

Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến một số tình huống khó giải quyết. Sẽ có hiện tượng các phụ huynh đổ xô đi xin học ở các trường có tiếng và bỏ qua các trường chưa có nhiều uy tín theo suy nghĩ cá nhân của họ.

Nếu như thế, biết đâu đấy sẽ lại xuất hiện tình trạng thức đêm đăng kí dự tuyển hay đạp đổ cổng trường học để nộp hồ sơ tuyển sinh cho con. Đó là chưa kể vì áp lực trang thiết bị và cơ sở vật chất, các nhà trường sẽ phải giới hạn tuyển sinh. Điều này cũng có thể dẫn đến việc "chạy" chỉ tiêu vào trường.

Học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: P.L)

Học sinh tiểu học tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: P.L)

Cũng có thể xảy ra việc: Với các trường có uy tín, các phụ huynh dù ở xa vẫn lặn lội xin học cho con. Do vậy, khi thí điểm bỏ phân tuyến tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cần nắm rõ ưu, nhược điểm của phương án, chuẩn bị ứng phó với các kịch bản khác nhau có thể phát sinh.

"Chúng ta luôn mong muốn học sinh được học ngôi trường phù hợp gần nhà. Nhưng với các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện đề xuất trên không đơn giản. Cũng nhiều trường hợp phụ huynh còn nặng nề về áp lực thành tích. Nếu không dự liệu tình huống, có thể phương án tuyển sinh không phân tuyến sẽ khiến các nhà trường gặp khó khăn lớn hơn.

Đã từng có những ngôi trường kín chỗ sau vài giờ mở đăng ký tuyển sinh. Những học sinh ở xa thì có được chỗ học trong khi các em học sinh gần trường thì không còn chỗ do bố mẹ bận, chưa đến được ngay, lúc thu xếp được công việc thì trường đã hết chỉ tiêu. Lúc ấy, tình cảnh học sinh phải đi học xa nhà sẽ diễn ra khắp thành phố, vừa vất vả cho các em, phụ huynh vừa gây áp lực cho giao thông", cô Hương nhận định.

Các trường có thể sẽ rơi vào thế bị động

Cô Vũ Thu Hương cũng cho rằng, mặc dù Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tính phương án bố trí chỗ học có sự hỗ trợ bằng hệ thống định vị GIS, tuy nhiên điều này cần có xác nhận chính xác địa chỉ nhà học sinh.

Với những gia đình cố tình khai địa chỉ không chính xác, cũng cần có phương án để xác minh. Rõ ràng khi chúng ta chuẩn bị phương án mới, có rất nhiều những khó khăn phải vượt qua.

Trước câu hỏi, liệu việc không phân tuyến trên có ngăn chặn được chuyện "chạy trường, chạy lớp", cô Hương nhận định, việc ngăn chặn tiêu cực phát sinh luôn là bài toán khó ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, không riêng gì lĩnh vực giáo dục.

"Khi chúng ta triển khai tuyển sinh theo phương án khác, chắc chắn sẽ nảy sinh rất nhiều những khó khăn mới. Những khó khăn này sẽ là điều kiện để phát sinh các tiêu cực nếu có. Theo tôi, phương án đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh muốn đạt được hiệu quả như kỳ vọng thì cần đầu tư nghiên cứu để đưa ra phương án xử lý mọi kịch bản xấu (nếu phát sinh) khi triển khai phương án này", cô Hương cho biết.

Cùng bàn về vấn đề này, ông Hà Huy Giáp (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang) cho biết, học sinh tại địa phương đa phần đều học đúng tuyến vì các trường đều đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập; áp lực sĩ số học sinh trên từng địa bàn cũng không quá cao.

"Tại một vài khu đông dân cư ở thành phố Bắc Giang cũng có trường hợp học trái tuyến nhưng đó là do nhu cầu của phụ huynh, học sinh, chứ không phải do trường lớp gần nhà không đáp ứng đủ chỗ học", ông Giáp cho hay.

Vị Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang nhận định, để đảm bảo giáo dục công bằng và đảm bảo việc quản lý của các nhà trường, thì địa phương nào dạy học sinh theo tuyến ở địa phương đó.

"Việc không phân tuyến tuyển sinh cũng có thể sẽ làm phát sinh tình trạng học sinh đổ dồn về một trường gây khó khăn cho quản lý nhà nước. Trường nào quá đông học sinh đăng ký thì sẽ phải tính toán lại đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập. Các trường có thể bị động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện phổ cập giáo dục theo đúng luật quy định", ông Giáp chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://tuoitre.vn/tuyen-sinh-lop-1-lop-6-khong-phan-tuyen-dep-nan-chay-ho-khau-20230317083446362.htm

Mạnh Đoàn