Thi học sinh giỏi quốc gia: GV vừa ra đề, vừa bồi dưỡng thì sao khách quan được

07/07/2023 14:07
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một người đồng thời sắm hai vai, vừa luyện thi vừa ra đề thi, sẽ không đảm bảo khách quan, công bằng trong giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có 8 chương và 41 điều. Có thể nói, Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia đã tương đối hoàn thiện.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ thực tế những năm qua, người viết có một số góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia như sau:

Điều 11 Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có ghi: Tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi

1. Thành viên của Ban Chỉ đạo thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia và của các Hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo là những người tham gia tổ chức kỳ thi.

2. Những người tham gia tổ chức kỳ thi phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao;

b) Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;

c) Không có vợ, chồng, con, anh, chị, em, cháu ruột hoặc anh, chị, em, cháu ruột vợ (hoặc chồng) hoặc người giám hộ, người đỡ đầu, người được giám hộ, người được đỡ đầu tham dự kỳ thi;

d) Không trong thời gian bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 của Điều này, thành viên Hội đồng ra đề thi, chấm thi, phúc khảo còn phải là những người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt.[1]

Người viết đề nghị bỏ cụm từ (vợ, chồng) trong Điểm c Khoản 2 Điều 11.

Lý do: Tại Điểm c Khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục năm 2019 quy định:

c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.[2]

Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, như vậy, học sinh trung học phổ thông có độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi.

Theo Điểm a Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình Điều kiện kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.[3]

Vì vậy, không thể xảy ra trường hợp học sinh trung học phổ thông có chồng hoặc vợ là viên chức, công chức, đang công tác trong ngành giáo dục, thực tế cũng chưa hề có.

Điểm d Khoản 2 Điều 21 Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia có ghi: Hội đồng ra đề thi

d) Người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là những công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của Quy chế này; ngoài ra, các giáo viên cấp trung học phổ thông tham gia Hội đồng ra đề thi phải là người không có học sinh dự thi tại năm tham gia Hội đồng ra đề thi; mỗi môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.

Người viết đề nghị bổ sung thêm: Những công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên, đã tham gia luyện thi hoặc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia các địa phương, không được tham gia ra đề thi.

Lý do: thứ nhất, một người đồng thời sắm hai vai, vừa luyện thi vừa ra đề thi sẽ không đảm bảo công bằng, khách quan.

Thứ hai, thực tế có một số địa phương đã mời (thuê, mướn) những công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, bồi dưỡng, luyện thi cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của địa phương mình.

Người viết có cháu ruột, học trò cũ, đã từng đạt giải quốc gia, ngoài giáo viên của trường chuyên luyện thi, còn được học với “thầy” được mời từ Hà Nội vào dạy.

Những người được “mời” dạy luyện thi học sinh giỏi quốc gia chắc chắn không phải là giáo viên “bình thường”, nếu được chọn vào tổ ra đề, cũng là người đóng hai vai, vừa ra đề vừa luyện thi.

Vì vậy, đề nghị không cho những công chức, viên chức, giảng viên, nghiên cứu viên, giáo viên đã tham gia luyện thi cho các địa phương, không được tham gia ra đề là hợp tình, hợp lý, đảm bảo công bằng trong giáo dục.

Khoản 2 Điều 19 Dự thảo có ghi: Yêu cầu đối với đề thi

2. Nội dung đề thi phải theo đúng quy định tại Điều 6 của Quy chế này; phải bảo đảm chính xác, khoa học, phân loại được trình độ thí sinh; đề thi kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học phải có nội dung hỏi yêu cầu thí sinh giải quyết bằng kiến thức, kỹ năng thí nghiệm, thực hành.

Người viết đề nghị bổ sung thêm: đề thi phải có nội dung STEM.

Lý do: từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục STEM trong hệ thống giáo dục.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có nội dung STEM trong đề thi quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở các cơ sở giáo dục, chuẩn bị nguồn nhân lực cho xã hội.

Thực tế hiện nay, học sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia nói riêng, học sinh giỏi nói chung, thường học lệch, tập trung chủ yếu cho môn thi học sinh giỏi.

Học sinh thi học sinh giỏi quốc gia, nếu không có giải quốc gia để tuyển thẳng vào đại học, các em sẽ rất vất vả để cạnh tranh vào trường đại học danh tiếng.

Để có giáo dục toàn diện, không xảy ra tình trạng "luyện gà", "thợ giải bài tập", người viết đề nghị bỏ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào đại học.

Lúc đó, kì thi tuyển sinh học sinh giỏi quốc gia sẽ chọn được học sinh giỏi phát triển dựa trên phát triển phẩm chất và năng lực, năng khiếu của người học, chứ không phải do "luyện gà", "thợ giải bài tập" mà có.

Học sinh đạt giải quốc gia sẽ là nguồn đào tạo lao động chất lượng cao, toàn diện, góp phần nâng cao tác dụng của một kì thi và mang tính định hướng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-lay-y-kien-cho-du-thao-quy-che-thi-chon-hoc-sinh-gioi-cap-quoc-gia-post236240.gd

[2]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Luat-Hon-nhan-va-gia-dinh-2014-238640.aspx

Chỉ thị số 16/CT-TTg

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến