"Bún ốc, điểm đầu tiên là nước. Nước bún ốc cũng cầu kỳ như nước phở. Phải nóng sốt, phải ngọt cái ngọt của xương hầm, nước trong, có vị chua của giấm bỗng, cà chua, có vị gắt của mắm tôm hoà quyện tinh chất Umami đậm đà. Nồi nước dùng sôi sùng sục để sẵn bên cạnh ốc vừa luộc chín, vỗ lấy từng con một đặt lên lớp bún, chan nước vào mà ăn, ấy thế là thích nhất. Nhưng như thế thì một người phục vụ cho một người ăn, lách cách quá. Người ta đành phải chấp nhận cách làm ốc sẵn. Ăn bún ốc mà không có bún chưng thì coi như...vứt. Không ở đâu ớt chưng đắc địa như trong bát bún ốc. Ớt chưng phải đỏ, phải mịn, phải ngậy, phải thơm mùi nắng gió. Một chút ớt chưng như một nhúm lửa cho vào lòng bát . Ăn bún ốc nên ăn vào mùa rét. Vì từ độ sang thu con ốc mới béo, mới ngon. Ốc vào mùa nóng gầy nhẳng và ... vô duyên. Vào cữ một chạp hay giêng, hai, đồng lòng cạn khô đi vì gió bấc, lũ ốc nhồi từ lâu đã thủ mình trong những hang những hốc ở các bờ ruộng. Lần tìm được những anh ốc đem ra mà làm thịt thì thật "bố tướng"! Mùa rét mới là mùa của rau diếp. Ăn bún ốc là phải ăn với rau diếp, tía tô. Bây giờ, rau diếp ít trồng, ít bán, người ta thường thế nó bằng rau xà lách, ăn cũng được nhưng không thú lắm. Và riêng với tôi, được ăn bún ốc trong cái không khí ấm áp đầy tình thương của gia đình càng làm tôn thêm vị ngon đặc biệt của món bún ốc..." |
Ban Biên Tập