Thi trung học phổ thông năm 2020, thay đổi là tất yếu!

29/04/2020 06:52
Đức Bảo
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Xét về mọi khía cạnh, việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay là hoàn toàn hợp lí và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Ngày 22/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận với phương án thi Trung học phổ thông năm 2020 trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19.

Việc thay đổi này đã gây ra những phản ứng trái chiều từ các trường phổ thông, các trường đại học, cao đẳng và đặc biệt là từ phía phụ huynh, cũng như các em học sinh lớp 12.

Nhưng xét về mọi khía cạnh, việc thay đổi phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay là hoàn toàn hợp lí và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trước tiên, chúng ta phải hiểu rõ sự bất ngờ, hoang mang mà chính phụ huynh và học sinh vẫn hay đề cập đến, thực chất là cách nói “lấp liếm” cho sự trông chờ, mong đợi việc "hủy bỏ" tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này là không thể được!

Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra phương án kịp lúc, nhằm chấn chỉnh tâm lí và định hướng kịp thời cho các học sinh lớp 12, phải chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi (dự kiến tổ chức từ ngày 8-11/8/2020).

Việc thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông là tất yếu. (Ảnh minh họa: Phạm Quang Vinh/ Daidoanket.vn)
Việc thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông là tất yếu. (Ảnh minh họa: Phạm Quang Vinh/ Daidoanket.vn)

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang khẩn trương công bố bộ đề tham khảo (lần 2), các trường dựa vào đó để định hướng ôn tập sát với dạng đề và tập trung nội dung kiến thức cơ bản của chương trình Trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12.

Với nguyên tắc, "học gì thi nấy", "không được đánh đố", nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa cũng giảm so với thi Trung học phổ thông quốc gia năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của Covid-19.

Chưa kể trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tinh giản kiến thức, giảm tối đa số bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ ở học kỳ 2.

Đây được đánh giá là lần tinh giản sâu và rộng nhất, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ngành giáo dục nước nhà.

Thí sinh tự do có được tham gia kỳ thi xét tốt nghiệp hay không?
Thí sinh tự do có được tham gia kỳ thi xét tốt nghiệp hay không?

Rõ ràng, việc nắm chắc kiến thức ở học kì 1, cộng với việc tự ôn luyện bằng nhiều hình thức trong thời gian nghỉ dịch, thì các em học sinh vẫn có khả năng đạt được mức điểm trung bình và khá.

Thứ ba, các trường phổ thông phải "học thật, thi thật".

Vì một trong những yêu cầu sau kỳ thi là các tỉnh phải công bố phổ điểm, công khai điểm học bạ và sau khi chấm xong trắc nghiệm sẽ đối chiếu với điểm học bạ, nên buộc các trường phải lên kế hoạch ôn tập, tiến hành kiểm tra định kỳ và cuối kỳ thật sự nghiêm túc, tránh hiện tượng tiêu cực và những hệ lụy không đáng có "hậu thi cử".

Cuối cùng, các trường đại học, cao đẳng được "trao" nhiều quyền tự chủ trong việc tuyển sinh. Có thể thấy, các trường không thể mãi dựa dẫm vào kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như trước đây, mà phải tự tổ chức công việc xét tuyển (hoặc phương thức khác) theo đúng quy định.

Tính đến nay, đã có khoảng 10% các trường có phương án tuyển sinh riêng, bao gồm các trường tốp trên, khối công an, quân đội, y dược.

Bên cạnh đó là 28% các trường sử dụng học bạ để xét tuyển, chủ yếu thuộc các trường tốp dưới. Có chăng, khoảng 60% số trường còn lại trong vòng vài tháng tới phải lên kế hoạch tuyển sinh và công bố rộng rãi cho các thí sinh có nguyện vọng đăng kí vào trường nắm rõ.

Khó khăn, thách thức và cơ hội lúc nào cũng đi song hành với nhau. Bất kỳ cái mới nào xuất hiện cũng đều vấp phải những phản ứng gay gắt, nhưng nó lại là quy luật tất yếu của cải cách, là kế hoạch “dài hơi” của những người làm giáo dục nước nhà.

Dịch bệnh xảy ra, khiến việc học của học sinh khắp cả nước và rộng ra trên toàn thế giới đều bị ảnh hưởng một cách đáng kể.

Mà ở đó, nó đòi hỏi sự mày mò, sáng tạo và bản lĩnh của người học để thích ứng với hoàn cảnh và mục tiêu học tập.

Cố nhân đã từng nói: "Thời thế tạo anh hùng", người nào biết thích ứng nhanh với hoàn cảnh thì sẽ đạt được những thành công to lớn.

Với phụ huynh, thay vì khiến các con phân tâm, hùa theo thì nên động viên, hỗ trợ về mọi mặt, để cho các con an tâm ôn luyện.

Còn với học sinh, thay vì đưa ra những lời phàn nàn vô ích, thì ngay lúc này, học sinh lớp 12 nên tích cực ôn tập một cách có khoa học và hiệu quả.

Khi đó, tự khắc tiếng nói của bản thân, giá trị của khối tri thức mình đang sở hữu sẽ được thể hiện thông qua những điểm số thật cao.

Đức Bảo