Thiếu giáo viên Công nghệ 6, các trường xoay sở ra sao?

04/05/2022 08:50
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Làm sao giáo viên Ngữ văn vẽ được sơ đồ khối, mô tả được nguyên lí làm việc và công dụng của một số đồ dùng điện trong gia đình và giảng cho học sinh hiểu bài?

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 trong năm học 2021-2022 thì nhiều bất cập, hạn chế đã xảy ra. Điều này đã có rất nhiều bài viết phản ánh, phân tích đối với các môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật và Nội dung giáo dục địa phương trong thời gian qua.

Tuy nhiên, còn một môn học cũng phát sinh ra những bất cập vào thời điểm cuối học kỳ II đó là môn Công nghệ 6 khi có những kiến thức về “Đồ dùng điện trong gia đình” khiến cho những giáo viên dạy môn học này lúng túng.

Chính vì thế, nhiều Ban giám hiệu trường trung học cơ sở băn khoăn trong việc phân công ai sẽ là người giảng dạy những đơn vị kiến thức này cho phù hợp? Nếu phân công cho giáo viên Ngữ văn - những người đang dạy Công nghệ 6 thì chỉ có nước là giáo viên đọc cho học trò chép chứ mấy người biết về điện.

Nhưng, phân công cho giáo viên Vật lý hoặc giáo viên Công nghệ có chuyên ngành về điện thì việc kiểm tra, vào điểm sẽ giống như môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý; Nội dung giáo dục địa phương và rất rối vào thời điểm cuối năm học.

Giáo viên môn nào sẽ dạy kiến thức về điện ở môn Công nghệ 6? (Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Giáo viên môn nào sẽ dạy kiến thức về điện ở môn Công nghệ 6?

(Ảnh minh họa: Nguyên Khang)

Trường tôi môn Công nghệ 6 đang được phân công cho giáo viên… Ngữ văn dạy

Môn Công nghệ ở cấp trung học cơ sở là môn học bắt buộc kể cả chương trình 2006 và chương trình 2018 nhưng điều khác biệt là chương trình môn Công nghệ ở lớp 6, 7, 8, 9 trong chương trình 2006 thì mỗi lớp có 70 tiết/ lớp/ năm.

Chương trình 2018 thì môn Công nghệ lớp 6, 7 có 35 tiết/ năm và lớp 8, 9 có 52 tiết/ năm học.

Tại địa phương người viết đang công tác, môn Công nghệ 6 lâu nay gần như không có giáo viên…Công nghệ mà thường là các trường phân công cho giáo viên Ngữ văn dạy. Môn Công nghệ 7 thì phân công cho giáo viên Sinh học, Công nghệ 8, 9 thì phân công cho giáo viên Vật lý.

Tuy nhiên, nếu như chương trình 2006 thì phần Công nghệ 6 chủ yếu là những kiến thức đơn giản trong gia đình như may vá, thêu thùa, cắm hoa, nấu nướng… nên giáo viên Ngữ văn vẫn có thể đảm nhận được vì nó gần gũi và kiến thức cũng không quá khó.

Đến nay, Bộ triển khai chương trình mới ở cấp trung học cơ sở thì các trường vẫn phân công giáo viên Ngữ văn dạy môn Công nghệ 6 nhưng những khó khăn bắt đầu nảy sinh bởi nửa sau học kỳ II đều dính đến kiến thức về điện - phần này thực sự xa lạ và quá tầm đối với giáo viên Ngữ văn.

Bởi, trong mục tiêu cần đạt ở môn Công nghệ 6 về kiến thức điện như sau: “Nhận biết và nêu được chức năng của các bộ phận chính, vẽ được sơ đồ khối, mô tả được nguyên lí làm việc và công dụng của một số đồ dùng điện trong gia đình (Ví dụ: nồi cơm điện, bếp điện, đèn điện, quạt điện, máy điều hoà,…).

Sử dụng được một số đồ dùng điện trong gia đình đúng cách, tiết kiệm và an toàn; Lựa chọn được đồ dùng điện tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện gia đình”.

Nhưng, làm sao giáo viên Ngữ văn có thể “nêu được chức năng của các bộ phận chính, vẽ được sơ đồ khối, mô tả được nguyên lí làm việc và công dụng của một số đồ dùng điện trong gia đình” bởi vì đây là những kiến thức thiên về vật lý.

Chính vì thế, khi gần đến kiến thức này thì giáo viên dạy môn Công nghệ 6 bắt đầu lo lắng bởi thực sự những kiến thức này thì giáo viên Công nghệ (công nghiệp) hoặc giáo viên Vật lý mới có thể am hiểu và dạy được.

Giáo viên Ngữ văn thì thường vẫn yếu về các môn Tự nhiên, tập huấn mỗi môn học về chương trình mới của các nhà xuất bản thì cũng chỉ qua loa vài chục phút/ môn học nên làm sao giáo viên Văn nắm được kiến thức về điện mà dạy?

Không chỉ giáo viên dạy Công nghệ 6 cảm thấy khó khăn mà ngay cả Ban giám hiệu nhà trường cũng có phần lúng túng trong việc phân công giáo viên giảng dạy môn Công nghệ 6 bởi nó còn liên quan đến rất nhiều thứ chứ đâu đơn giản là mỗi chuyện giảng dạy trên lớp.

Ai sẽ dạy kiến thức về điện ở môn Công nghệ 6?

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành Giáo dục áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở và từ đầu năm học cho đến nay, Bộ đã ban hành một số văn bản nhằm chỉ đạo việc dạy, kiểm tra các môn học mới ở lớp 6.

Tuy nhiên, điều mà mọi người thấy là trong Công văn số 2613/BGDĐT- GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022 thì tuyệt nhiên không có chữ nào chỉ đạo, hướng dẫn về môn Công nghệ 6.

Trong khi, học kỳ II có 17 tiết môn Công nghệ, nếu trừ đi 02 tiết kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và 01 tiết ôn tập cuối kỳ thì chỉ còn 14 tiết học. Trong số 14 tiết học này có tới 7 tiết dành cho kiến thức về điện.

Nếu tiếp tục phân công cho giáo viên Ngữ văn dạy kiến thức về điện thì chắc chắn một điều là đa phần giáo viên cũng chỉ dạy cho có chứ mục đích bài học sẽ không đạt được. Bởi lẽ, làm sao giáo viên Ngữ văn có thể dạy cho học sinh hiểu được chức năng các bộ phận chính của một số đồ dùng điện?

Làm sao giáo viên Văn vẽ được sơ đồ khối, mô tả được nguyên lí làm việc và công dụng của một số đồ dùng điện trong gia đình và giảng cho học sinh hiểu một số đồ dùng điện trong gia đình đúng cách, tiết kiệm và an toàn?

Làm sao giáo viên Văn có thể dạy cho học sinh lựa chọn được đồ dùng điện tiết kiệm năng lượng, phù hợp với điều kiện gia đình và xuất được các đồ dùng điện thế hệ mới có cùng chức năng nhưng tiêu thụ điện ít hơn để thay thế cho đồ dùng điện mà gia đình em đang sử dụng?

Khi đã đứng lớp dạy cho học sinh ít nhiều giáo viên phải am hiểu nhất định về kiến thức mà mình dạy chứ đâu phải cứ lên lớp là nói khơi khơi, vô thưởng vô phạt được là học sinh nghe.

Nếu phân công cho giáo viên Công nghệ (công nghiệp) hoặc giáo viên Vật lý dạy phần điện thì rõ ràng sẽ phù hợp hơn giáo viên Ngữ văn nhưng giáo viên Vật lý thì ở tổ Khoa học tự nhiên nên khi kiểm tra cuối kỳ thì phải thảo luận, thống nhất các đơn vị kiến thức để ra đề cũng là một vấn đề khó khăn.

Và, ai sẽ là người ra đề, vào điểm, nhận xét cho học trò vì số tiết dạy của học kỳ II tương đương với nhau- những bất cập sẽ phát sinh khi dạy chung môn với nhau giữa những giáo viên không cùng tổ chuyên môn.

Nhưng, khó khăn hơn cả là khi phân công cho giáo viên tổ Khoa học tự nhiên dạy thì tất nhiên sẽ tăng số tiết cho một số giáo viên và có thể thừa giờ thì kinh phí lấy ở đâu để trả? Trong khi, giáo viên Ngữ văn được phân công dạy Công nghệ 6 từ đầu năm đến giờ lại không có lớp để dạy.

Hàng loạt khó khăn, bất cập xảy ra đối với những môn học mới trong quá trình phân công giảng dạy, xếp thời khóa biểu, tính định mức giảng dạy cho giáo viên ở các trường trung học cơ sở từ đầu năm học cho đến nay…

Và, môn Công nghệ 6 hiện cũng đang rơi vào một thế khó. Phân công giáo viên môn nào dạy bây giờ? Giáo viên Ngữ văn hay giáo viên Vật lý cũng đều có những bất cập khiến cho các nhà trường rất khó xoay sở trong lúc này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG