Giáo viên lớp 6 bối rối với các hướng dẫn của Bộ về chương trình mới

18/08/2021 07:21
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hy vọng, những năm tiếp theo trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ cần chủ động hơn, các văn bản chỉ đạo không còn những bất cập.

Ngày 4/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT về Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT mà Bộ vừa ban hành thì thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 01/9/2021. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8/2021 và thời gian tổ chức khai giảng năm học sẽ diễn ra vào ngày 5/9/2021.

Như vậy, chỉ còn gần 2 tuần nữa là đến lịch tựu trường, lớp 6 sẽ dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nếu so sánh với các văn bản hướng dẫn, yêu cầu của Bộ thì thời điểm này thì nhiều giáo viên vẫn chưa tiếp cận được những nội dung cần thiết để áp dụng cho việc thay đổi chương trình lần này.

Ảnh minh họa: Phương Linh

Ảnh minh họa: Phương Linh

Giáo viên lớp 6 rối với một số văn bản hướng dẫn của Bộ

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH nhằm triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022. Trong Công văn này, Bộ Giáo dục đã nhấn mạnh đối với lớp 6 sẽ thực hiện các kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo hướng dẫn của Công văn 5512BGDĐT-GDTrH.

Cụ thể như sau: “Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512);

Các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án)".

Điều này cũng có nghĩa là trong năm học 2021-2022 tới đây, riêng với lớp 6 sẽ thực hiện 4 loại kế hoạch theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đã được ban hành ngày 18/12/2020.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì phần lớn giáo viên vẫn chưa được tập huấn mô-đun này bởi theo thiết kế của chương trình tập huấn trực tuyến mà Bộ đang triển khai cho đội ngũ nhà giáo trong nhiều tháng qua thì giáo viên mới được tập huấn 3 mô-đun đầu tiên.

Mô- đun 4 có tên là: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” thì hiện nay đa phần các địa phương chưa triển khai cho giáo viên.

Chiếu theo hướng dẫn của Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH thì rõ ràng Bộ và các Sở Giáo dục đã chậm trễ trong việc triển khai mô- đun 4. Việc chậm trễ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp khi chỉ còn hơn 2 tuần nữa là năm học mới chính thức bắt đầu thực học.

Các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên sẽ soạn các kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ra sao khi họ chưa được tập huấn tường tận, mọi thứ vẫn mơ hồ.

Những địa phương không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì lịch tựu trường, thực học sẽ diễn ra bình thường, giáo viên sẽ phải soạn các kế hoạch theo đúng quy định của Công văn 5512, lỡ khi tập huấn mô- đun 4 mà có những điểm khác chẳng lẽ giáo viên lại phải làm lại các kế hoạch giáo dục hay sao?

Sự chậm trễ trong triển khai còn thể hiện ở Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở mà Bộ mới ban hành ngày 21/7 vừa qua.

Cả 2 Quyết định, Bộ đã hướng dẫn khá chi tiết, trong đó nhấn mạnh: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.

Vậy, nếu giáo viên chưa có chứng chỉ này thì không được dạy 2 môn tích hợp ở lớp 6 hay sao?

Trong khi, theo hướng dẫn của Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT thì việc bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý có từ 20-36 tín chỉ (tùy từng đối tượng học) nên thời gian học tập là tương đối dài.

Các Quyết định này cũng nêu rõ phương án học tập, đó là:

-Phương án 1: Học tập trung, liên tục (có thể học vào kỳ nghỉ Hè hoặc mỗi tháng một đợt từ 3 đến 4 ngày cuối tuần).

-Phương án 2: Theo hình thức tích lũy tín chỉ. Người học hoàn thành Chương trình bồi dưỡng sau khi tích lũy đủ số tín chỉ qui định”.

Nhưng, ngày 21/7 Bộ mới ban hành Quyết định, sau đó thì Sở còn phải có kế hoạch triển khai xuống các nhà trường và giáo viên. Ngày 01/9 tựu trường, ngày 6/9 bước vào thực học thì lấy đâu ra thời gian để học nhằm bổ sung chứng chỉ để “được coi là điều kiện tối thiểu” mà dạy môn tích hợp?

Rõ ràng, một số văn bản của Bộ đã thể hiện những bất cập trong việc thể hiện một số câu chữ.

Sự chậm trễ trong việc triển khai một số kế hoạch chuyên môn

Thực tế, trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covd-19 nên toàn ngành giáo dục cũng đã bị ảnh hưởng và có những khó khăn nhất định.

Song, như phần trên chúng tôi đã dẫn chứng một số văn bản, đầu công việc liên quan đến lớp 6 ở năm học 2021-2022 tới đây thì chúng ta dễ dàng nhận thấy có sự lúng túng trong việc triển khai, chỉ đạo một số kế hoạch về chuyên môn.

Ngày 18/12/2020, Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH được ban hành, có địa phương thì triển khai áp dụng ngay cho các khối học, có địa phương thì chưa triển khai, giáo viên thì lên tiếng về những bất cập trong việc thực hiện 4 kế hoạch theo 4 phụ lục của Công văn này.

Đáng lẽ, Bộ lên tiếng sớm về sự việc này hoặc nếu có chủ trương chỉ triển khai Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH đối với lớp 6 ở năm học 2021-2022 thì Bộ cũng cần thể hiện rõ nhưng mãi đến ngày 23/6/2021 thì Bộ mới ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn về sự việc này…

Đáng lẽ ra, những tháng hè vừa qua Bộ, Sở triển khai cho giáo viên tập huấn mô-đun 4 để giáo viên nắm bắt được nội dung cơ bản trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đối với chương trình mới nhưng đến giờ mọi thứ vẫn yên lặng.

Đối với 2 môn tích hợp thì thời gian còn dài hơn bởi Bộ đã xây dựng và ban hành chương trình tổng thể, chương trình môn học từ 2018, nhưng mãi đến năm học 2021-2022 khi thời gian thực hiện chương trình mới ở lớp 6 chỉ còn hơn 1 tháng thì mới hướng dẫn giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn để lấy chứng chỉ.

Trong khi, quy định học từ 20-36 tín chỉ, học liên tục mất đến 3 tháng trời. Vậy mà, cả 2 Quyết định còn để câu: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí”.

Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là bước vào thực học, giáo viên dạy lớp 6 sẽ bắt tay vào rất nhiều công việc mới mẻ, nhất là 2 môn tích hợp nhưng mọi thứ đến lúc này hình như còn nhiều việc phải làm lắm.

Hy vọng, những năm học tiếp theo trong lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Bộ cần chủ động hơn, các văn bản chỉ đạo sẽ không còn những bất cập để tránh tình trạng như lớp 6 ở năm học 2021-2022 tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI