Hoà Bình, Ðắk Lắk: Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng công tác cử tuyển

31/07/2022 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đi tìm lời giải căn cơ, lâu dài cho “bài toán” thiếu giáo viên, nhất là ở khu vực miền núi, một số địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác cử tuyển.

Năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên vẫn là khó khăn chung ở các địa phương, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, bên cạnh việc linh hoạt áp dụng các biện pháp như bố trí giáo viên dạy liên trường, chiêu mộ cử nhân đại học… thì công tác cử tuyển tiếp tục được triển khai ở nhiều địa phương như một giải pháp căn cơ, lâu dài.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk cho biết, môn Âm nhạc, Mỹ thuật được đưa vào giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông mới càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh thêm nan giải. Năm nay, chế độ cử tuyển tiếp tục được triển khai để “lấp khoảng trống” thiếu giáo viên đối với các môn lựa chọn.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk).

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk).

“Xác định giải pháp căn cơ nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên môn lựa chọn Âm nhạc, Mỹ thuật, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hơn nữa chế độ cử tuyển. Sở yêu cầu các trường thống kế số lượng giáo viên còn thiếu ở các môn học để kịp thời kết nối với các cơ sở đào tạo sư phạm.

Đối tượng được cử đi học là những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Hoàn thành quá trình đào tạo, học sinh quay trở về công tác tại địa phương.

Để cải thiện chất lượng cho đội ngũ học sinh diện cử tuyển, sở quán triệt làm chặt khâu tuyển chọn dựa trên yêu cầu về điểm số, năng lực phẩm chất và nguyện vọng yêu thích ngành sư phạm của học sinh”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk chia sẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk cho biết thêm, đã có nhiều trường hợp học sinh cử tuyển không trở về địa phương công tác khiến nỗ lực của toàn ngành giáo dục của tỉnh “đổ sông”. Một trong những nguyên nhân là do chỉ tiêu biên chế thay đổi theo thời gian.

Lấy ví dụ, năm nay tỉnh có chỉ tiêu biên chế giáo viên và học sinh được cử đi học với mục đích lấp “khoảng trống” biên chế này. Thế nhưng, 4 năm sau học sinh mới hoàn thành chương trình đào tạo đại học thì vị trí biên chế đó đã đủ hoặc còn rất ít. Kết quả, là những học sinh này không có công việc, công tác cử tuyển không mang lại hiệu quả. Chính vì thế, thời gian tới, chế độ cử tuyển vẫn được triển khai nhưng với số lượng đủ và thu hẹp phạm vi áp dụng.

“Đảm đảm “toàn vẹn” 100% số lượng học sinh trong diện cử tuyển trở về địa phương giảng dạy là điều không dễ. Bởi, quá trình học sinh học đại học, điều kiện, môi trường giáo dục tốt hơn nên dẫn tới “nảy nở” những định hướng nghề nghiệp khác. Vì vậy, việc thực hiện cam kết đối với học sinh diện cử tuyển là điều rất cần thiết”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ðắk Lắk chia sẻ.

Những năm qua, tỉnh Ðắk Lắk triển khai chế độ cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số. Theo đó, tỉnh Ðắk Lắk cử học sinh là những đối tượng có thành tích học tập tốt để tham gia đào tạo tại các trường sư phạm. Để đảm bảo quyền lợi, chế độ đãi ngộ đối với những học sinh này được triển khai đầy đủ theo đúng quy định.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình cho biết, năm học 2022-2023, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, Sở đã có văn bản hướng dẫn, quán triệt các trường trên địa bàn toàn tỉnh nghiêm túc triển khai, kịp thời báo cáo khó khăn để Sở giải quyết.

“Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Sở có hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Trước tình trạng “khan hiếm” giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trong năm học 2022-2023, Sở khuyến khích, trường nào đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thì sẽ đưa các môn vào chương trình đào tạo. Ngược lại, nếu không đáp ứng đủ điều kiện thì các trường sẽ phải khắc phục dần”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình chia sẻ.

Được biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên khu vực miền núi đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai công tác cử tuyển. Song, sẽ cân nhắc từ việc lập danh sách đến đảm bảo chất lượng đầu ra.

“Việc cử học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đi học tại các cơ sở đào tạo sư phạm sẽ tiếp tục được thực hiện ở tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, công tác tuyển chọn sẽ phải xem xét, dựa trên nhiều yếu tố.

Đó là phải những học sinh có nguyện vọng học sư phạm để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Học sinh phải có thành tích học tập, ý thức rèn luyện tốt, có năng khiếu đối với các môn tự chọn”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình cho biết thêm.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình, ở các tỉnh miền núi, đối tượng được cử đi học chủ yếu là học sinh người dân tộc như Thái, Mường, Tày… vốn tiếng Việt còn hạn chế nên việc tham gia học đại học rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác sau này.

Chính vì vậy, tỉnh Hòa Bình chủ trương làm chặt chẽ từ khâu chọn lọc đối tượng, cân nhắc, khoanh vùng phạm vi áp dụng cử tuyển.

“Sở yêu cầu có cam kết đối với nhóm học sinh thuộc diện cử tuyển. Cụ thể, học sinh tham gia cử tuyển phải đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của vị trí công tác. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, học sinh bắt buộc phải trở về làm việc tại trường ở địa phương ít nhất 5 năm và phải bồi hoàn kinh phí nếu không thực hiện.

Làm tốt điều này cũng là góp phần củng cố đội ngũ nhân lực giáo viên trên địa bàn tỉnh”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hoà Bình chia sẻ.

Ngọc Mai