Thiếu giáo viên ở nhiều môn học có phải do nâng chuẩn trình độ?

07/04/2024 07:22
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cách làm hiệu quả nhất để thu hút nhân lực ngành giáo dục hiện nay là nhà giáo phải sống được bằng lương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua đã đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học bao gồm: Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ Thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở. [1]

1-625-7477.jpg
Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Với đề xuất này, câu chuyện thiếu giáo viên ở nhiều địa phương sẽ có thêm một giải pháp. Tuy nhiên, người viết là giáo viên phổ thông xin chia sẻ góc nhìn từ thực tế ở nhiều địa phương là việc không tuyển đủ giáo có phải do chuẩn cao?

Những lý do khiến địa phương khó tuyển dụng được giáo viên

a/ Thu nhập không đủ sống

Sau khi tốt nghiệp khoa Địa lý một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Loan về quê tại một tỉnh ở miền Trung với dự định sẽ xin đi dạy tại một trường trung học cơ sở.

Hồ sơ của Loan nộp và được phòng Nội vụ nhận ngay vì môn Địa lý, các trường trung học cơ sở ở địa phương hiện đang thiếu giáo viên. Loan sẽ được nhận mức lương của người tốt nghiệp đại học cùng với 30% phụ cấp đứng lớp.

Sau khi trừ các khoản phải đóng định kỳ hàng tháng (bỏ qua một số khoản ủng hộ cả ngày lương) thì thu nhập thực nhận của Loan chỉ còn hơn 5 triệu đồng/tháng (chưa kể năm đầu tiên nhận lương tập sự chỉ hơn 4 triệu đồng).

“Số tiền ấy, em trả tiền thuê nhà 1.500.000 đồng/tháng, tiền xăng xe đi lại khoảng 500 ngàn đồng/tháng, chỉ còn khoảng hơn 2 triệu đồng, nuôi mình còn chưa nổi sao có thể lo cho gia đình sau này? Em đã rất yêu nghề giáo nhưng với thu nhập quá thấp như vậy, em buộc phải suy nghĩ lại”, Loan chia sẻ.

Và rồi, em đã không chọn tiếp tục theo nghề mà thuê một mặt bằng nhỏ để bán nước giải khát. Chỉ một năm sau gặp lại, em hồ hởi khoe với tôi: “Quyết định không đi dạy của em là đúng cô ạ.

Quán nước của em rất đông khách. Em vừa bán tại chỗ, vừa giao hàng đi khắp nơi, có ngày lượng đơn đặt hàng đông đi giao không kịp. Giờ thì em đã có vốn để mở thêm một cơ sở thứ hai rồi".

Không phải thuê nhà như Loan nhưng lại mang gánh nặng phải chăm lo cho gia đình, Hưng, cậu học trò cũ của tôi tâm sự: “Nhà em nghèo, ba mẹ lo cho con 4 năm đại học đã phải vay mượn tiền khắp nơi.

Nay em ra trường, không thể để ba mẹ lo nữa. Khoản tiền vay cho em học 4 năm, em phải tự trả. Thế nhưng với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng chưa trừ một số khoản ủng hộ thì đến bao giờ em có thể trả được nợ và lo cho ba mẹ đây?”.

Không chọn đi dạy, Hưng nhận làm quản lý cho một quán cà phê với mức lương ban đầu nhận được là 10 triệu đồng/tháng cùng lời hứa, làm tốt sẽ được điều chỉnh lương thường xuyên.

b/ Không dễ xin việc mặc dù địa phương thiếu giáo viên

Con của một đồng nghiệp của tôi đã phải gác lại tấm bằng sư phạm để đi làm công nhân vì ra trường tới mấy năm vẫn chưa xin được việc. Cô bạn đồng nghiệp của tôi cho biết: “Con mình có bằng đại học chuyên ngành Lịch sử, môn học mà nhiều trường hiện vẫn thiếu giáo viên.

Tuy nhiên, đã xin nhiều nơi nhưng vẫn chưa được. Câu trả lời nhận được nhiều nhất là chưa có chỉ tiêu biên chế. Cháu cũng đã đi dạy hợp đồng theo tiết ở một số trường học (cũng phải quen biết mới xin được). Thế nhưng, mỗi tiết dạy chỉ được trả 50 ngàn đồng. Tháng chỉ dạy được vài chục tiết, có tháng chỉ hơn 10 tiết nên cũng chẳng đáng là bao”.

c/ Đi dạy sẽ không còn thời gian làm thêm và không biết làm thêm việc gì

Giáo viên hiện nay đi dạy 2 buổi/ngày, tối về còn một đống hồ sơ sổ sách. Mặc dù đã được giảm tải không ít hồ sơ so với những năm trước đây nhưng trong thực tế, triển khai chương trình mới nên giáo viên phải dành khá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu bài dạy.

Rồi rất nhiều cuộc thi trực tuyến, trực tiếp của giáo viên, của học sinh được các trường học triển khai, hết cuộc thi về chuyên môn lại đến các cuộc thi về phong trào. Có những tháng, giáo viên phải lo đến cả chục cuộc thi cùng lúc. Giáo viên vừa lo làm bài trên máy tính, vừa lo thi trực tiếp, rồi lại lo tập dượt cho học sinh mỗi ngày.

Giáo viên dạy các môn học được coi là môn chính như Toán, Ngoại ngữ còn tranh thủ dạy thêm kiếm thêm thu nhập. Giáo viên dạy một số môn được xem là môn phụ thì không có khoản tiền dạy thêm cũng không biết làm thêm việc gì để tăng thu nhập.

Người ngoài ngành cũng luôn có cái nhìn khắt khe với thầy cô. Theo suy nghĩ của không ít người, nghề giáo là nghề cao sang nên giáo viên không thể chạy xe ôm, làm sipher, phụ bán hàng quán, rửa chén thuê, dọn dẹp nhà cửa theo giờ…

Giải pháp nào tuyển dụng được giáo viên?

Cá nhân người viết cho rằng, cách hiệu quả nhất không những để tuyển đủ giáo viên mà còn là để giữ chân và thu hút được người giỏi gắn bó với nghề giáo là thu nhập của giáo viên đủ sống.

Nên chăng, cần có chính sách bố trí, phân công công việc cho các sinh viên theo học ngành sư phạm, có học lực đảm bảo chuẩn sau khi tốt nghiệp.

Thực hiện tốt việc luân chuyển giáo viên sau khi có thời gian dài cắm bản hoặc giảng dạy lâu năm ở những vùng khó khăn. Điều này vừa là đảm bảo công bằng, tiếp đó cũng khuyến khích được thầy cô lên vùng cao công tác.

Khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường có ngay việc làm mà không cần phải chạy đôn chạy đáo tìm việc như hiện nay, chắc chắn ngành giáo dục sẽ tuyển dụng đủ giáo viên dễ dàng mà không cần phải thực hiện việc hạ chuẩn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/61409/de-xuat-khong-bat-buoc-giao-vien-phai-co-bang-dai-hoc-voi-mot-so-mon-hoc-cap-1-2?rel=tin_tuc_chitietvb

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên