Thiếu nhân sự, Thanh tra Sở GD phải kiêm nhiệm thêm công tác pháp chế

04/10/2022 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu biên chế, cùng thời điểm có thể phải tổ chức nhiều cuộc thanh tra dẫn đến không có người để giám sát Đoàn thanh tra.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những chia sẻ, cũng như một số kiến nghị của ông Đoàn Đình Duẩn, Phụ trách Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk trong việc cải thiện, khắc phục những khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giáo dục.

Ông Đoàn Đình Duẩn cho biết, những năm qua, thực tiễn triển khai công tác thanh tra, kiểm tra khối Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, bên cạnh mặt thuận lợi, việc tiến hành thanh tra, kiểm tra ở một số đơn vị, cơ sở giáo dục còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân chưa thể tháo gỡ.

“Cánh tay phải” đắc lực của lãnh đạo Sở, thông tin thanh tra được ngành, dư luận ủng hộ

Nhấn mạnh Thanh tra Sở là bộ phận quan trọng, “cánh tay phải” hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và thực hiện tốt công tác quản lý, ông Duẩn chia sẻ: “Qua tiến hành thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện một số sai phạm, bất cập trong công tác quản lý của một số cơ sở giáo dục. Căn cứ vào mức độ vi phạm, Thanh tra Sở đề nghị chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục sai phạm tại đơn vị. Đồng thời, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm, ban hành các văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động quản lý đúng quy định”.

Ông Đoàn Đình Duẩn, Phụ trách Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk).

Ông Đoàn Đình Duẩn, Phụ trách Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk).

Cũng theo ông Duẩn, làm tốt công tác thanh, kiểm tra không chỉ góp phần tích cực cho hoạt động quản lý mà còn tổng hợp những thông tin quan trọng, tham mưu giúp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo có căn cứ để tiến hành chỉ đạo những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, xây dựng kế hoạch chỉ đạo được ngành giáo dục và dư luận đồng tình, ủng hộ.

Đơn cử, trong năm học 2021-2022, Thanh tra Sở đã xây dựng nhiều kế hoạch chi tiết, cụ thể gửi Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và báo cáo gửi về Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh.

Kế hoạch thanh tra năm học 2021-2022 của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk được xây dựng theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 3950/BGDĐT-TTr ngày 10/9/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, có nêu cụ thể nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời gian thanh tra, kiểm tra đơn vị phối hợp.

Do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID – 19, năm học 2021-2022, Thanh tra Sở chỉ tổ chức được 10 cuộc thanh tra. Trong đó, có 07 cuộc thanh tra hành chính, 02 cuộc thanh tra chuyên ngành và 01 cuộc thanh tra đột xuất.

“Các cuộc thanh tra đảm bảo diễn ra nghiêm túc, chặt chẽ, kịp tiến độ kế hoạch và đúng quy định”, ông Duẩn chia sẻ.

Mất nhiều thời gian do công chức thanh tra phải kiêm nhiệm công tác pháp chế

Nhận định về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên thanh tra, ông Duẩn chia sẻ: “Đội ngũ Thanh tra Sở còn thiếu so với tình hình thực tế của ngành hiện nay. Chính vì vậy, sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên Thanh tra tỉnh đã hỗ trợ nhiều về mặt chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực giáo dục cho Đoàn Thanh tra Sở. Qua đó, góp phần đảm bảo tính chuẩn xác khi kết luận thanh tra, giúp nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Sở”.

Theo chia sẻ của ông Đoàn Đình Duẩn, hiện nay, đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên trách có 4/5 người (trong đó, 01 người phụ trách trường học trực thuộc, đều là thanh tra viên), nhưng phải kiêm nhiệm thêm công tác pháp chế nên mất nhiều thời gian trong tổ chức, tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Trong nhiệm kỳ 2019-2022, đội ngũ cộng tác viên thanh tra của ngành giáo dục gồm 417 người.

Nhằm góp phần quan trọng trong việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông được nêu tại Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, dự kiến Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên thanh tra nhiệm kỳ 2022 - 2025 để tăng cường đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục.

Khó khăn khi xử lý các vi phạm

Trong thực tiễn quá trình thanh, kiểm tra của Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk rõ ràng còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ.

Theo chia sẻ của ông Đoàn Đình Duẩn, một trong những yếu tố cản trở công tác thanh, kiểm tra giáo dục đó là điều kiện tự nhiên, địa bàn rộng. Hơn nữa, mạng lưới trường lớp và quy mô trường học quá lớn, số điểm trường lẻ lại nhiều, điều kiện giao thông khó khăn. Chưa kể, năm học vừa qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Cụ thể, toàn tỉnh có 1.016 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, có 330 trường mầm non, 388 trường tiểu học, 239 trường trung học cơ sở, 59 trường trung học phổ thông; 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh và 15 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 01 trường Cao đẳng Sư phạm. Ngoài ra, còn có 74 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, 20 đơn vị tổ chức dịch vụ tư vấn du học, 19 cơ sở giáo dục kỹ năng sống.

Số lượng cơ sở giáo dục lớn mà lực lượng thanh tra lại mỏng nên hằng năm chỉ thực hiện được khoảng 20 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Thiếu đội ngũ nên công tác thanh, kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm gặp nhiều khó khăn.

Hàng năm, công tác thanh tra, kiểm tra các cuộc thi diễn ra liên tục và kéo dài, đòi hỏi tất cả đội ngũ của Thanh tra Sở phải tham gia đầy đủ các khâu nên dẫn đến tình trạng quá tải, khó phân bổ nhân lực để giải quyết các công việc khác.

Các kỳ thi diễn ra hàng năm như: thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên, trung học cơ sở, thi Olympic truyền thống 10/3, thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Khi đó, nhiệm vụ của Thanh tra Sở là phải giám sát đầy đủ các khâu như: đề thi, in sao, coi thi, chấm thi, phúc khảo…

Khó thực hiện quy định giám sát Đoàn thanh tra

“Nếu người giám sát là công chức thanh tra thì việc giám sát Đoàn thanh tra do lãnh đạo cơ quan thanh tra làm Trưởng đoàn sẽ có nguy cơ chỉ mang tính hình thức.

Nếu cử lãnh đạo phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo giám sát Đoàn thanh tra thì lại ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc thanh tra cơ sở giáo dục, vì phòng chuyên môn nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Do vậy, khi Sở Giáo dục và Đào tạo thanh tra thì người ra quyết định thanh tra thực hiện giám sát hoạt động Đoàn thanh tra là phù hợp tình hình thực tế hiện nay”, ông Đoàn Đình Duẩn nêu quan điểm.

Liên quan đến thực hiện quy định tại Thông tư số 06/2021/TT-TTCP, về việc sau khi thành lập Đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải giám sát Đoàn thanh tra hoặc cử người giám sát, ông Đoàn Đình Duẩn cho rằng, quá trình áp dụng quy định này, trên thực tế đã gặp không ít trở ngại, khó khả thi.

Thứ nhất, do số lượng biên chế của cơ quan thanh tra hạn chế. Lực lượng thanh tra mỏng trong khi khối lượng công việc nhiều nên khó đảm bảo chất lượng thanh tra, thanh tra khó đồng bộ và toàn diện.

Thứ hai, cùng thời điểm có thể phải tổ chức nhiều Đoàn thanh tra dẫn đến không có người để tham gia giám sát.

Kiến nghị tránh tình trạng gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp

Trước những khó khăn, bất cập nêu trên, lãnh đạo Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đề xuất giải pháp, kiến nghị, định hướng kế hoạch nhằm mục đích tìm lời giải cho công tác thanh tra, kiểm tra thời gian tới.

Một là, tăng cường đội ngũ nhân sự thanh tra chuyên trách cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Hai là, chú trọng chất lượng thực hiện công tác kiểm tra nội bộ tại cơ sở giáo dục và công tác kiểm tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt là việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các cơ sở giáo dục, tránh tình trạng gửi đơn thư vượt cấp.

Ba là, thực hiện xử phạt nghiêm các vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo phân cấp quản lý.

Năm học 2022-2023, công tác thanh tra, kiểm tra cơ bản giữ ổn định như năm học 2021-2022, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế địa phương trong trạng thái bình thường mới.

Tập trung thanh, kiểm tra những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

- Đối với giáo dục mầm non: Việc tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới, đặc biệt ở nhóm lớp, nhóm trẻ.

- Đối với giáo dục phổ thông: Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu, lựa chọn sách giáo khoa.

- Hoạt động thu chi đầu năm học, thực hiện tiếp nhận tài trợ, xã hội hóa giáo dục, thực hiện các khoản kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoạt động dạy thêm, học thêm.

- Thanh tra trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, thực hiện chỉ tiêu biên chế, số lượng, trình độ, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục theo quy định.

- Công tác tuyển sinh, điều kiện đảm bảo chất lượng; tổ chức hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, công tác quản lý tài chính, tài sản, đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, kiểm tra công tác quản lý chất lượng, quản lý văn bằng, chứng chỉ.

- Tiếp tục thực hiện Công văn số 623/BGDĐT-TTr ngày 28/02/2022 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

- Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo phân cấp quản lý được quy định tại Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ và các quy định pháp luật có liên quan.

Ngọc Mai