Thiếu nhân viên kế toán đang làm khó nhiều trường phổ thông

30/07/2020 06:25
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số trường học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế toán nghỉ hưu hay xin thôi việc nhưng không tuyển dụng kế toán bổ sung.

Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, ở trên nhiều địa phương cả nước đã xảy ra tình trạng thiếu kế toán trường học.

Tại sao vậy? Khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP có ghi: “3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau: “Điều 3. Các công việc không thực hiện ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

1. Không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với các đối tượng sau:

a) Những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên....”. [1]

Thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ, các trường dừng ký hợp đồng lao động với giáo viên và nhân viên hợp đồng từ tháng 4/2019, trong đó có kế toán.

Từ đó đến nay, 26/26 trường từ mầm non đến trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây quản lý “trắng” kế toán. [2]

Một số trường học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế toán nghỉ hưu hay xin thôi việc nhưng không tuyển dụng kế toán bổ sung, vì vậy cũng xảy ra tình trạng thiếu kế toán tương tự.

Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã có ý kiến chỉ đạo về việc này tại Thông báo số 2153-TB/TU ngày 28/11/2019 về việc Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về tháo gỡ khó khăn do thiếu nhân viên kế toán trong các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh.

Theo đó tỉnh chỉ đạo: “Đồng ý chủ trương việc để các trường học đang thiếu nhân viên kế toán được thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán (có tư cách pháp nhân) thực hiện nghiệp vụ kế toán trong thời gian chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn việc tiếp tục tuyển dụng nhân viên kế toán tại các đơn vị trường học theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn nêu trên.

Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài chính cung cấp danh sách các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán đủ tiêu chuẩn theo quy định, hướng dẫn khung định mức đơn giá dịch vụ, quy trình, thủ tục thuê để Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố hướng dẫn các trường (theo phân cấp quản lý) triển khai thực hiện.”.

Thiếu nhân viên kế toán đang làm khó các trường. (Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

Thiếu nhân viên kế toán đang làm khó các trường.

(Ảnh minh họa: Tapchitaichinh.vn)

Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản 5075/STC-QLNS ngày 25/12/2019.

Theo đó: “Việc thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ.

Do đó, giá thuê dịch vụ do thủ trưởng đơn vị quyết định, trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán và nguồn kinh phí tự chủ được giao của đơn vị”.[3]

Thiếu nhân viên kế toán đang làm khó nhà trường

Việc thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán hoặc làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 của Chính phủ sẽ gây khó khăn cho nhà trường:

Thứ nhất, không phải địa phương nào cũng có đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán; vì vậy việc thuê kế toán họ không nhận việc do đi xa, họ đòi hỏi trả lương cao.

Thứ hai, thuê đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán để làm kế toán kinh phí quá cao so với ngân sách của nhà trường.

Cụ thể thuê một nhân viên làm việc bán thời gian mất bảy triệu đồng/ tháng; làm việc toàn thời gian mất 12 triệu đồng/tháng; chưa kể các khoản Bảo hiểm xã hội.

Nguồn kinh phí thuê kế toán từ nguồn kinh phí tự chủ được giao của đơn vị, dẫn đến thiếu kinh phí cho hoạt động chuyên môn.

Thứ ba, việc thuê kế toán không mang tính chất lâu dài, dẫn đến trách nhiệm, gắn bó của người lao động với nhà trường không cao.

Giải pháp nào giải quyết khó khăn trước mắt?

Để giải quyết khó khăn về kinh phí, đơn giản nhất là hợp đồng nhân viên kế toán theo hình thức Hợp đồng khoán việc với vị trí công việc kế toán nhà trường.

Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của hai bên, theo đó bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi đã hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó.

Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thỏa thuận.

Hiện nay, hợp đồng khoán việc thường được ký kết phụ thuộc bảo bản chất công việc mang tính thời vụ, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định.

Về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp căn cơ, duyệt biên chế vị trí việc làm, sớm tổ chức thi tuyển nhân viên kế toán cho trường học;

Mặt khác, tuyển dụng nhân viên kế toán cũng góp phần minh bạch hóa tài chính nhà trường, đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để buộc hiệu trưởng thực hiện công khai minh bạch, đặc biệt là lĩnh vực tài chính.

Nhân viên trường học hiện nay rất nhiều công việc nặng nhọc, độc hại như nhân viên y tế học đường, nhân viên thư viện, thiết bị, kế toán,…

Chính họ là những người thầm lặng, đóng góp rất lớn vào việc xây dựng và phát triển trường học; tuy nhiên thu nhập của họ còn thấp.

Vì vậy cần xếp nhân viên trường học là viên chức để họ yên tâm công tác, đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Nghi-dinh-161-2018-ND-CP-tuyen-dung-su-dung-quan-ly-cong-vien-chuc-thuc-hien-che-do-hop-dong-336803.aspx

[2] http://baoquangngai.vn/channel/2027/201908/son-tay-ca-huyen-khong-co-ke-toan-truong-hoc-2960853/

[3]http://www.sotc.baria-vungtau.gov.vn/he-thong-van-ban?p_p_id=vbpq_WAR_vbpqportlet_INSTANCE_T6IPcm0zyEUv&p_p_lifecycle=0

Sơn Quang Huyến