Thiếu vắng thiết chế về đạo đức khoa học dẫn đến những phán xét chủ quan

13/11/2021 06:46
Linh Trang (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Phạm Hiệp: “Muốn đảm bảo 'liêm chính khoa học’ thì phải có hệ thống pháp lý, các thiết chế, quy định để kiểm soát hoạt động này”.

Trong cuộc trao đổi mới nhất với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nói rằng, nghề làm khoa học là một nghề dựa rất cao vào uy tín, vì vậy, việc phán xét ai đó có đạo đức hay không có đạo đức học thuật cần phải có những đơn vị có thẩm quyền và có tính chính danh.

Bản thân quy trình xem xét ai có đạo đức học thuật hay không cũng phải là một quy trình tuân thủ nguyên tắc đạo đức.

PV: Hiện nay, xếp hạng quốc tế đang là một trong những chiến lược phát triển của một số trường đại học. Thời gian qua, một số trường đại học Việt Nam đã có tên trên một số bảng xếp hạng quốc tế. Cũng từ đây, dư luận xảy ra nhiều tranh cãi liên quan đến vấn đề “liêm chính khoa học”. Là một nhà khoa học nghiên cứu về giáo dục đại học, theo ông, chúng ta phải hiểu như thế nào về “liêm chính khoa học”?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Liêm chính khoa học hay đạo đức khoa học là một phần không thể thiếu trong các hoạt động nghiên cứu của các trường đại học và các viện nghiên cứu trên toàn thế giới.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, đạo đức học thuật trong nghiên cứu khoa học hiện nay đã trở thành một chủ đề nghiên cứu khoa học quan trọng. (Ảnh minh họa: VNU)

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, đạo đức học thuật trong nghiên cứu khoa học hiện nay đã trở thành một chủ đề nghiên cứu khoa học quan trọng. (Ảnh minh họa: VNU)

Không riêng gì hoạt động trong lĩnh vực khoa học, bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có những chuẩn mực đạo đức của ngành nghề đó. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, việc kiểm soát vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Hầu như chưa có một trường đại học nào ở nước ta có bộ phận chuyên trách về vấn đề này, rất ít trường đại học có quy chế về đạo đức học thuật. Ngay cả trong quy định của Luật Khoa học và Công nghệ hay Luật Giáo dục đại học, những điều khoản, quy định liên quan đến đạo đức học thuật vẫn còn sơ sài, mờ nhạt; cũng rất ít tạp chí khoa học Việt Nam là thành viên của Uỷ ban Đạo đức xuất bản (COPE-Committee on publication ethics).

Trong khi đó, trên thế giới, các trường đại học tại các nước phát triển đều có Ủy ban Đạo đức học thuật, họ cũng có quy định pháp luật, hành lang pháp lý rất rõ ràng, chặt chẽ, đồng thời có những tổ chức nghề nghiệp đặt ra các tiêu chuẩn, trở thành đơn vị trung gian để đứng ra xử lý những vấn đề liên quan đến đạo đức học thuật theo đúng quy trình, đúng nguyên tắc.

Về mặt nghiên cứu, đạo đức học thuật trong nghiên cứu khoa học hiện nay đã trở thành một chủ đề nghiên cứu khoa học quan trọng với những tạp chí chuyên biệt về chủ đề này đã được thành lập như Research Ethics hay Accountability in Research.

PV: Hiện nay, có nhiều trường đại học hợp tác với các nhà nghiên cứu quốc tế để đăng bài và trường đứng tên. Dư luận và cả giới làm khoa học đang có những quan điểm khác nhau về câu chuyện này. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề trên?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Lâu nay chúng ta đã quen với việc các nhà khoa học Việt Nam được các tổ chức nước ngoài hợp tác hoặc thuê để làm việc, làm nghiên cứu. Còn câu chuyện trường đại học hoặc tổ chức khoa học Việt Nam hợp tác, thuê người nước ngoài chưa được nhắc đến nhiều.

Chúng ta cũng thường nghĩ hợp tác là phải đến tận nơi nhưng thực tế, có những tình huống hợp tác từ xa, nhà khoa học không phải đến đơn vị mà mình hợp tác, hoặc họ có thể có những hợp đồng ngắn hạn với các đơn vị khác nhau.

Trong câu chuyện này, một mặt tôi đồng ý đây là một vấn đề cần xem xét cả về mặt đạo đức lẫn các khía cạnh khác như quản trị nhân sự, hiệu quả đầu tư; nhưng mặt khác, từ góc độ cá nhân, chỉ là một người ngoài cuộc và không đủ thông tin, rất khó cho tôi hay bất kỳ cá nhân khác có thể nói rằng quan hệ hợp tác này có thực sự có vấn đề về đạo đức khoa học hay không.

Theo quan điểm của tôi, bất cứ ai nếu không chính danh thì không đủ thẩm quyền để phán xét một ai đó có liêm chính hay không có liêm chính, có đạo đức hay không có đạo đức học thuật.

Nghề làm khoa học là một nghề dựa rất cao vào uy tín, vì vậy, việc phán xét ai đó có đạo đức hay không có đạo đức học thuật cần phải có những đơn vị có thẩm quyền và có tính chính danh. Bản thân quy trình xét xem này cũng phải là một quy trình tuân thủ nguyên tắc đạo đức.

Khi chúng ta còn thiếu vắng những quy định pháp luật, thiếu vắng những các thiết chế về mặt đạo đức thì sẽ dễ đẩy những câu chuyện này đi quá xa, “quá tả thành quá hữu”, nếu không cẩn thận sẽ đưa câu chuyện đó đi từ trạng thái cực đoan này sang trạng thái cực đoan khác.

Đặt giả thuyết là có những vấn đề đạo đức khoa học ở một góc độ nào đó, mà quy trình xử lý không chuẩn mực, không đúng nguyên tắc thì vấn đề còn nghiêm trọng hơn.

Điều đáng lo ngại là vì thiếu quy trình, thiếu nguyên tắc mà không đảm bảo tính công bằng cho các bên liên quan, đôi khi chỉ vì bảo vệ quan điểm đạo đức học thuật theo định nghĩa này lại vô tình quy chụp lên một người khiến họ chịu hàm oan, đến lúc được minh oan thì mọi việc đã đi quá xa rồi.

PV: Thưa ông, trong bối cảnh các trường đại học Việt Nam đang đặt mục tiêu, thực hiện chiến lược hoạt động để chinh phục vị trí cao trên các bảng xếp hạng quốc tế, ông có đề xuất gì để đảm bảo vấn đề về đạo đức học thuật, liêm chính học thuật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Trước tiên, phải nói rằng, xếp hạng quốc tế là sân chơi chung của tất cả các trường đại học trên thế giới, và khi tham gia, chúng ta phải chấp nhận, tôn trọng luật chơi.

Bàn về xếp hạng đại học, một Hiệu trưởng trường đại học ở nước Anh từng có câu nói rất nổi tiếng, đại ý: “Không có bảng xếp hạng nào hoàn hảo, nhưng tôi sẽ rất vui nếu trường của tôi được tăng hạng năm nay”. Câu nói này đã thể hiện rất rõ bản chất của câu chuyện xếp hạng đại học.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay, xếp hạng đại học chưa phải là một vấn đề quá “nóng”. Còn ở một số quốc gia trên thế giới, từng có lãnh đạo trường đại học bị mất chức vì trường bị tụt hạng. Với một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore,… xếp hạng đại học còn gắn liền với nguồn lực tài chính mà chính phủ đầu tư cho các trường.

Nói thế để thấy rằng, xếp hạng đại học ở Việt Nam đang là sân chơi của một số trường đại học tốp đầu, nó chưa chi phối, tác động ngược lại đến vấn đề quản trị đại học hay sự đầu tư, hỗ trợ tài chính của nhà nước.

Xếp hạng đại học là cần thiết, tuy nhiên, nếu không khéo sẽ biến nó thành một cuộc chơi không lành mạnh. Hiện nay, có vẻ như Chính phủ vẫn đang còn khá thận trọng với vấn đề xếp hạng: chúng ta chưa có bảng xếp hạng đại học cấp quốc gia và Chính phủ cũng không dùng kết quả xếp hạng để quyết định đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học. Theo tôi, sự thận trọng của Chính phủ nước ta là cần thiết khi văn hóa chất lượng, văn hóa xếp hạng của giáo dục Việt Nam chưa thực sự chín muồi.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ thêm kinh phí cho các trường đại học thứ hạng cao cũng là một xu hướng phát triển trong tương lai dựa theo nguyên lý dựa trên kết quả hoạt động (mà xếp hạng là một phần) có lẽ là điều không để đảo ngược.

Để đảm bảo liêm chính học thuật, đạo đức học thuật, chúng ta phải thực hiện từ những việc nhỏ nhất.

Ví dụ, đạo văn là một lỗi lớn về đạo đức học thuật. Trong quy định về bảo vệ tiến sĩ, vấn đề đạo đức học thuật chưa được quy định cụ thể. Vậy việc đầu tiên cần làm là hồ sơ bảo vệ tiến sĩ phải được kiểm tra đạo văn (bằng phần mềm chuyên dụng như Turnitin, Ithenticate, DoIt …), nếu kết quả kiểm tra dưới ngưỡng tiêu chuẩn quy định thì mới được thông qua.

Tiếp đến, phải có hành lang pháp lý, quy định, thiết chế về đạo đức học thuật và phải có Hội đồng Đạo đức học thuật đứng ra xử lý nếu có cá nhân, tổ chức nào vi phạm. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo những nguyên tắc theo quy định đã được thiết lập.

Cụ thể như Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Giáo dục đại học cũng như các văn bản dưới luật phải có quy trình, quy định, thiết chế về đạo đức học thuật, các đơn vị liên quan phải tham gia vào quá trình hội nhập đó. Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học ở nước ta cũng cần kế hoạch để được Ủy ban đạo đức học thuật công nhận.

Có hệ thống pháp lý cụ thể, có lộ trình thực hiện rõ ràng, có nhà nước đầu tư và quan tâm thì chỉ trong khoảng 5 -7 năm tới, văn hóa xếp hạng, văn hóa chất lượng cũng như cơ chế đảm bảo đạo đức học thuật sẽ đi vào khuôn khổ và được thực hiện nghiêm túc.

Có hành lang, khung pháp lý về đạo đức học thuật không có nghĩa là sẽ không còn xảy ra những vấn đề liên quan đến đạo đức học thuật. Điều quan trọng là khi có vấn đề thì chúng ta biết được đơn vị xử lý, xử lý theo quy trình, nguyên tắc nào.

Còn như hiện nay, nếu một ai đó cứ tự áp dụng tiêu chí theo cách hiểu của mình, tự cho mình quyền phán xét là sai nguyên tắc.

PV: Thưa ông, hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn gì? Chúng ta cần phải làm gì để khuyến khích và hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu, bởi xét đến cùng, những đóng góp khoa học hay vị trí xếp hạng của các nhà khoa học, các trường đại học cũng góp phần nâng vị thế của nền giáo dục quốc gia?

Tiến sĩ Phạm Hiệp: Các nhà khoa học của chúng ta hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu nguồn lực, thiếu nghiên cứu viên trẻ tài năng tham gia cùng các nhóm nghiên cứu, trong khi chúng ta cũng chưa xây dựng, định hình rõ nét về văn hóa nghiên cứu.

Việc ban hành các hành lang pháp lý, trong đó có hành lang pháp lý về đạo đức học thuật sẽ là yếu tố thúc đẩy hoạt động nghiên cứu đi đúng hướng và đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, phải có nguồn lực, chính sách, văn hóa đủ tốt để thúc đẩy việc ứng dụng kết quả khoa học vào cuộc sống, bởi đây là hai hoạt động bổ trợ cho nhau.

Thực tế, khoa học Việt Nam cũng đang phát triển từng ngày, chúng ta có thể có một cái nhìn lạc quan khi hoạt động nghiên cứu của chúng ta đang hội nhập và phát triển theo hướng tích cực.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp!

Linh Trang (Thực hiện)