LTS: Quý vị và các bạn đang đọc bức thư của cô Phan Tuyết - một nhà giáo tới từ Nam Trung Bộ.
Trong bài viết, tác giả mong muốn được bày tỏ và gửi đến các bậc phụ huynh những chia sẻ, suy nghĩ của bản thân về hình ảnh người giáo viên hiện nay.
Qua đó, tác giả mong muốn các bậc phụ huynh hãy có cái nhìn công tâm, biết thông cảm và sẻ chia với các thầy cô giáo, những người bảo mẫu tin cậy nhất đối với chính con em của họ ở trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một năm học mới đã đến.
Những thầy cô chúng tôi chưa kịp cảm nhận hết niềm vui của ngày tựu trường với những ánh mắt hồn nhiên, những háo hức mong chờ của những cô cậu bé mới lớn sau bao tháng ngày xa thầy cô, bạn bè.
Chúng tôi lại bắt đầu lao vào một guồng quay mới với bao bộn bề lo toan. Từ chất lượng học tập của các em đến việc rèn luyện tư cách đạo đức cho các em.
Tuy nhiên, ai ai cũng cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm vinh quang của người bảo mẫu tin cậy nhất đối với các em ở trường.
Hình ảnh các em học sinh bước vào năm học mới (Ảnh nguồn: giaoduc.net.vn). |
Ai cũng nói nhiệm vụ dạy chữ, dạy người chưa bao giờ là dễ dàng cả. Thế nhưng, dù là khó khăn đến đâu, dù vất vả thế nào, thầy cô giáo chúng tôi vẫn một lòng một dạ nhẫn nại vượt qua.
Bởi, đã chọn cái nghề dạy chữ, dạy người thì nhất định phải bớt đi sự sân si, so đo tính toán.
Cái khổ của nghề thì ai cũng biết. Nhưng cái được của nghề mang lại chỉ những người làm nghề mới cảm nhận được hết niềm vui, niềm hạnh phúc.
Đó là những ân tình của các cô cậu học trò cũ, là sự trân trọng của các bậc phụ huynh dành cho cô thầy giáo mỗi khi gặp mặt.
Đó là khi các em nhắc về những thầy cô của mình với niềm kính trọng, yêu thương đong đầy trên khóe mắt…những tình cảm thân thương ấy có tiền cũng dễ gì mua được.
Có được điều đó, chúng tôi phải luôn yêu trò bằng tình yêu mẫu tử, phải luôn giữ gìn hình ảnh đẹp trong mắt các em.
Bàn về "gánh nặng và sự sẻ chia" với người thầy |
Thế nhưng hình ảnh của thầy cô chúng tôi ngày nay đang bị những công việc không phải của mình làm hoen ố, xấu xí.
Chúng tôi lên lớp đâu chỉ mỗi việc dạy, việc giáo dục các em mà kiêm luôn vai trò thủ quỹ, kẻ đòi nợ thuê, người tư vấn và thu tiền bảo hiểm…
Để làm được việc, thầy cô không thể dịu dàng như nàng tiên mà trở thành “ngáo ộp” chuyên đi dụ dỗ và dọa nạt các em bằng những câu:
“Ngày mai bố mẹ không nộp tiền, cô/thầy sẽ cho con nghỉ học”; “sao chỉ có mấy trăm ngàn mà gia đình em không chịu đóng?”…hay “trong tuần này, gia đình không đóng tiền, cô/thầy sẽ mời lên phòng giám thị (hoặc phòng hiệu trưởng)…
Những đứa trẻ bị nêu tên mặt tái xanh lại, chúng cũng như thầy/cô của chúng bị chính hiệu trưởng nêu tên trên cuộc họp hội đồng nếu công tác thu tiền của lớp không đảm bảo.
Chắc chắn những đứa học trò luôn bị nhắc tên ấy cũng sẽ buồn, sẽ ghét thầy cô như chính các cô thầy giáo của chúng đã buồn, đã ghét hiệu trưởng khi bị nhắc tên vậy…
Thầy cô cũng hiểu mình làm thế là bất nhẫn nhưng nếu không gây sức ép với học trò thì mình lại bất nhẫn với chính mình.
Nói đến tiền trường, nhiều phụ huynh mạnh miệng lên án trường học bằng nhiều lời lẽ không hay.
Họ mắng nhiếc, mạt sát giáo viên bằng nhiều ngôn từ không thể chấp nhận được.
Nếu là lạm thu thì bức xúc này có thể hiểu được. Nhưng, không ít phụ huynh lại chẳng chịu hiểu, chỉ một số trường học tổ chức thu sai quy định còn đại đa số trường học đang thu đúng, thu đủ.
Tôi biết ở nhiều nơi, thầy cô không chỉ dạy chữ mà còn làm cha, làm mẹ chăm trò |
Đó là những khoản thu hợp pháp theo quy định như tiền học phí, tiền phụ trội buổi 2 của tiểu học, tiền ấn phẩm, tiền bảo hiểm y tế…
Và cũng có nhiều phụ huynh cũng không hợp tác với nhà trường.
Những phụ huynh nghèo đã được xét miễn giảm, nhiều gia đình khá giả cũng làm khó giáo viên.
Họ cứ nghĩ rằng thầy cô thu tiền là bỏ túi. Bởi thế, người thích thì đóng ngay, không thích thì cứ ầm ừ cho qua chuyện.
Cho con đi học, lo cho con đủ đầy là trách nhiệm của bố mẹ. Sự hợp tác chặt chẽ với nhà trường cũng chính là thể hiện sự yêu thương, chăm lo cho con.
Nếu những khoản thu bất minh phụ huynh cần lên tiếng. Những khoản thu đúng quy định gia đình nên nộp đúng thời gian quy định để chính con em mình đến trường không còn tâm trạng nơm nớp lo bị gọi tên nhắc nhở.
Rồi bao bức xúc bố mẹ lại đổ lên đầu thầy cô trong khi họ không đáng bị đối xử như thế.
Thương con cũng chính là giúp giáo viên giảng dạy và chăm học trò được tốt.
Thầy cô bất an, phân tâm về chuyện thu tiền cũng chẳng còn tâm sức nhiều cho việc dạy dỗ.