Nguyễn Thanh Hằng, học sinh Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) là tân thủ khoa mới nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2014 với số điểm 3 môn 27,5 điểm.
Bản thân là một người nhút nhát, nhưng Thanh Hằng vẫn quyết định lựa chọn thi vào trường Luật. Hằng chia sẻ: “Có hai lí do để em đăng ký thi vào trường luật, thứ nhất là bố em cũng từng học luật, thứ hai là em có tìm hiểu về ngành luật, em có theo dõi tin tức pháp luật trên thời sự, trang báo mạng. Em mong muốn được đóng góp một phần cho xã hội, chống lại những sai trái, bất công”.
Thanh Hằng là tân thủ khoa của Trường Đại học Luật Hà Nội với 27,5 điểm (Ảnh: NVCC) |
Việc lựa chọn học luật của Thanh Hằng không phải ngay từ đầu được sự đồng ý từ gia đình. Bố Hằng luôn ủng hộ con gái theo nghề của mình, nhưng còn mẹ lo lắng cho con gái nhiều, muốn con thi vào trường thiên về kinh tế hơn. Để thuyết phục bố mẹ, Hằng phải nhờ đến sự trợ giúp từ ông bà.
Thanh Hằng chia sẻ rằng: “Ông bà có nói với mẹ, quyết định quan trọng nhất là do bản thân em. Bản thân cảm thấy yêu thích, đam mê thì mới có thể thành công được. Cuối cùng, mẹ cũng đồng ý cho em theo quyết định của em”.
Không phụ lòng bố mẹ, cô gái nhỏ nhắn đã xuất sắc giành điểm số cao nhất tại kỳ thi đại học vừa qua.
Tuy vậy, trong quá trình học tập, bản thân Hằng cũng gặp nhiều áp lực. Hằng chia sẻ: “Thời điểm khó khắn nhất của em là năm học lớp 12, năm học nhiều áp lực. Khi học lớp 10, 11, nghĩ rằng còn một năm học nữa nên em chưa thấy lo lắng gì, nhưng khi lên lớp 12 thấy bạn bè căng sức học thì em càng thấy áp lực hơn”.
Để giải tỏa áp lực thi cử trong năm học lớp 12, Hằng cho biết luôn phân bố thời gian hợp lí giữa học và chơi, khi học thì học thật tập trung để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, để giúp thư giãn, giải trí Hằng nghe nhạc, đọc tin tức, đi chơi cùng bạn bè, nói chuyện với bố mẹ, ông bà để giải tỏa căng thẳng. Tân thủ khoa cũng cho rằng “học với bạn bè cũng giúp mình cảm thấy thoải mái hơn”.
Chia sẻ với độc giả kinh nghiệm học tập, Hằng nhấn mạnh: “Trên lớp, tập trung nghe thầy cô giảng bài, nắm bản chất vấn đề, ở nhà học bài tập trung, suy nghĩ vấn đề, khi hiểu được rồi thì làm bài tập từ dễ đến nâng cao. Bạn có thể học nhóm với bạn bè sẽ giúp ích cho mình rất nhiều”.
Hằng cũng khuyên các bạn nên đọc các sách tham khảo của thầy cô giáo nổi tiếng, lên mạng tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm học tập, làm các đề thi thử, sưu tập các chuyên đề hay có thể gặp được những dạng mới và khó hơn.
Thanh Hằng chụp ảnh cùng mẹ tại cửa hàng tạp hóa của gia đình (Ảnh: NVCC) |
Trong ba môn thi Toán, Lý, Hóa, Hằng thích học nhất là môn Lý, tuy nhiên đây cũng là môn học Hằng cảm thấy khó nhất. “Học Lý khó nhất là mình áp dụng kiến thức lý vào những bài tập mới lạ, vì đề lý mỗi năm đều có thay đổi, phải hiểu bản chất của nó thì mới có thể làm nhanh được những câu hỏi của đề thi”.
Với môn Hóa, điều quan trọng nhất là phải nắm vững lý thuyết, có nhiều câu hỏi dễ bị đánh lừa; các bài tập rèn luyện thành thạo theo các phương pháp nhanh, kết hợp nhiều phương pháp lại để giải bài tập một cách nhanh nhất.
Là một người khá khoa học, Hằng tự lập ra cho mình một thời khóa biểu học tập hàng ngày. Ban ngày đi học, buổi tối ở nhà Hằng dành thời gian tự học từ 19h, cố gắng không thức khuya, ngủ trước 23h.
Thông thường, mỗi tối Hằng làm một đề thi, sau tăng dần lên và thay đổi hôm nay có thể làm lý, hôm sau làm hóa. Giải những bài tập khó, Hằng tự đúc kết kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn. Ngoài ra, Hằng thường tham gia giải đề thi thử trực tuyến.
Vốn là một cô bé nhút nhát, lại chưa từng đi học xa nhà, Hằng khá lo lắng: “Sắp tới ra Hà Nội, em khá lo lắng, ở Hà Nội lạ lẫm, có nhiều người mình chưa từng quen, còn phải tự lập trong mọi việc”.