Thử nghiệm chương trình GDMN mới: Thiếu GV, thiếu quỹ đất, thiếu CSVC

13/01/2023 06:25
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước yêu cầu cao hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non cũng được đặt ra cấp thiết. 

Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới và triển khai thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới (Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT).

Thực hiện điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương đang triển khai dạy thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới.

Thay đổi lớn nhất là phương pháp dạy

Tỉnh Đồng Tháp đang thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới tại 3 địa phương gồm thành phố Sa Đéc, thành phố Cao Lãnh và huyện Tân Hồng. Mỗi địa phương đã chọn một trường mầm non dạy thử nghiệm chương trình mới và một trường dạy theo chương trình hiện hành làm đơn vị đối chứng. Việc này giúp các cơ quan chuyên môn có thể đưa ra đánh giá khách quan về sự khác biệt giữa 2 chương trình.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Thảo, Phó Phòng Giáo dục thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thành phố đang triển khai dạy thử nghiệm chương trình mới ở Trường Mầm non Hướng Dương. Chúng tôi chọn trường này vì đây là điểm trường ở trung tâm thành phố, có đầy đủ cơ sở vật chất cũng như có đủ số lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Đầu tiên, chúng tôi cử cán bộ, giáo viên tham gia chương trình tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó lên kế hoạch để thực hiện dạy thử nghiệm ở đơn vị cơ sở. Trong quá trình xây dựng và triển khai dạy thử nghiệm, Bộ cũng cử nhiều chuyên gia, cán bộ chuyên trách thường xuyên giám sát thường để bảo đảm các trường thực hiện đúng định hướng của chương trình mới.

Ảnh minh họa: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ảnh minh họa: nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tôi nhận thấy rằng, chương trình giáo dục mầm non 2009 đã ra đời từ lâu, vẫn tốt nhưng có thể sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Bài giảng của chương trình giáo dục mầm non mới được thiết kế theo hướng mở. Có nghĩa là hướng tới làm sao để phát triển toàn diện những khả năng của trẻ cũng như tạo sự hứng thú cho trẻ khi đến lớp. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với giáo viên và nội dung bài giảng phải có sự linh hoạt.

Vì vậy, chương trình giáo dục mầm non mới cũng phần nào giao quyền tự chủ cho địa phương, để cơ sở sắp xếp kế hoạch, nội dung bài giảng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Chương trình hiện hành còn đôi chút gò bó vì các giáo viên thường nghĩ trong năm có 9 chủ đề (do Bộ Giáo dục và Đào tạo gợi ý) sẽ được phân bổ vào 9 tháng học. Nhiều năm qua, các trường vẫn đang dạy mỗi tháng một chủ đề.

Nhưng với chương trình mới, những chủ đề Bộ đưa ra là gợi ý. Các địa phương có thể đánh giá tình hình thực tế để chọn chủ để phù hợp và cũng không nhất thiết phải dạy 1 chủ đề/tháng, thời gian dạy nội dung đó ra sao là tùy thuộc vào từng trường. Như vậy, chương trình giảng dạy không bị gò bó trong một khung cứng mà có thể đóng, mở, co giãn theo từng điều kiện của mỗi cơ sở, mỗi địa phương.

Còn về yêu cầu cần đạt ở mỗi trẻ, thay vì đặt ra những yêu cầu cần đạt ở từng nhóm tuổi thì chương trình mới đưa ra yêu cầu cần đạt ở cuối độ tuổi. Độ tuổi này được chia thành hai giai đoạn là cuối độ tuổi nhà trẻ và cuối độ tuổi mẫu giáo. Tôi đánh giá rằng chương trình mầm non mới có sự uyển chuyển, linh động hợp với thời đại và tiệm cận hơn với xu hướng phát triển của giáo dục thế giới".

Thuận lợi nhưng vẫn kèm theo nhiều thách thức lớn

Nếu triển khai chương trình giáo dục mầm non mới, thành phố Sa Đéc sẽ có một số thuận lợi như đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện tại đã có nhiều năm kinh nghiệm cũng như có chất lượng tương đối đồng đều. Cơ sở vật chất của các trường tuy không mới nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của phụ huynh đối với giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, bà Nguyễn Thanh Thảo cũng chia sẻ khó khăn: "Chúng tôi cũng còn nhiều trăn trở. Đa số các trường vẫn tận dụng được cơ sở vật chất và đồ dùng học tập của chương trình giáo dục mầm non hiện hành. Vì chương trình giáo dục mầm non mới chủ yếu đổi mới về phương pháp và thiết kế giờ dạy. Thế nhưng, một số trường mầm non đã được xây dựng từ rất lâu, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu mới.

Ngay thời điểm này, đã có 4/10 trường mầm non công lập khó đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất như chương trình giáo dục mầm non mới đề ra. Nhưng để thay hết số cơ sở vật chất này thì phải cần nguồn ngân sách rất lớn. Chưa kể đến, quỹ đất hạn chế nên khó quy hoạch, đầu tư xây dựng một trường mầm non mới. Trong khi đó, nhu cầu cho con đi học tại các cơ sở giáo dục khang trang, sạch đẹp của người dân hiện nay rất cao".

Theo bà Thảo, đến năm 2030, thành phố Sa Đéc phải mở thêm ít nhất 3 trường mầm non (với quy mô 12 lớp trở lên ở mỗi trường) mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non mới.

Ngoài ra, một vướng mắc lớn nữa là Sa Đéc vẫn đang thiếu số lượng lớn giáo viên mầm non. Nhân lực hiện tại còn chưa đủ để dạy chương trình hiện hành thì không thể đủ giáo viên dạy chương trình mới. Bởi để thực hiện chương trình mới đạt chất lượng cần đảm bảo quy định số trẻ tối đa trong một nhóm, lớp đồng nghĩa với việc phải mở thêm lớp, số lượng giáo viên phải tăng thêm.

Nhưng thực tế hiện nay có ít sinh viên chọn học ngành sư phạm mầm non. Có thể các em thấy giáo viên mầm non nhiều vất vả nhưng lương thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác nên không quan tâm, mặn mà nghề này. Mới đây, thành phố Sa Đéc đã tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non nhưng số lượng thí sinh đăng ký dự thi không nhiều. Hiện nay, thành phố lâm vào tình trạng được giao biên chế giáo viên nhưng không có người thi tuyển.

"Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng nếu muốn triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trước mắt cần phải có thời gian thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá. Chúng ta cần đi chậm từng bước từ thử nghiệm đến thực nghiệm rồi sau đó mới đưa vào áp dụng rộng rãi ở tất cả các trường trên cả nước. Như vậy, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ dần hoàn thiện và tránh gây lãng phí, tốn kém cho người dân và toàn xã hội”, Phó Phòng Giáo dục thành phố Sa Đéc nói.

Triển khai dạy thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (cơ quan được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới) có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kom Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, cử đại diện trường để thử nghiệm chương trình.

Theo đó, thử nghiệm 1 số nội dung mới của chương trình giáo dục mầm non mới, gồm:

(1) Cụ thể hoá kết quả mong đợi trong chương trình giáo dục mầm non mới theo từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ em tại địa phương.

(2) Cụ thể hoá khung nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mầm non mới thành nội dung giáo dục cho từng độ tuổi, phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ em và văn hoá địa phương.

(3) Xây dựng hệ thống nội dung tích hợp dưới dạng chủ đề, sự kiện, dự án phù hợp với kinh nghiệm sống của trẻ em, bối cảnh văn hoá địa phương.

(4) Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục mầm non.

(5) Thực hành phương pháp chăm sóc, giáo dục đáp ứng và phương pháp tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm ở từng lĩnh vực Thể chất; Toán; Khám phá khoa học và công nghệ; Ngôn ngữ; Tình cảm- xã hội; Nghệ Thuật ở các nhóm, lớp thử nghiệm.

(6) Thực hành đánh giá sự phát triển của trẻ em hàng ngày và theo quá trình để hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục trong các nhóm, lớp thử nghiệm...

Hoài Linh