Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 đã thành công tốt đẹp, điều này là có sự phối hợp cao giữa các trường đại học, các địa phương.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, bộ đã ban hành sớm quy chế, cập nhật phần mềm đăng ký tuyển sinh 2016, sau đó tập huấn tới các giáo viên, cán bộ tham gia kỳ thi.
Bộ đã có công văn tới các đơn vị trong cả nước để phối hợp thi và trong thời gian thi đã có sự phối hợp của các tổ chức quần chúng tham gia hỗ trợ cho kỳ thi.
Qua những ngày đi kiểm tra công tác thi tại các địa phương, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, thí sinh năm nay bước vào phòng thi với tâm lí bình tĩnh, tự tin, và chắc chắn kết quả làm sẽ tốt hơn so với các năm.
Về đề thi, Thứ trưởng Ga khẳng định, bộ thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.
Đề thực hiện tốt hai mục tiêu cơ bản là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trong buổi họp báo. |
Dư luận đánh giá, đề thi không đánh đố, có tính phân loại cao. Thứ trưởng Ga cho rằng, phần khó năm nay được chia ra nhiều dạng khó khác nhau, giúp cho các trường đại học dễ hơn trong tuyển sinh.
Năm nay với 120 cụm thi, 70 cụm do trường đại học chủ trì và 50 do các sở chủ trì, đã huy động 81.153 cán bộ tham gia vào kỳ thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi rất cao (trên 99%).
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, công tác chấm thi sẽ được hoàn thành trước ngày 20/7. Để đảm bảo tiến độ chấm, Bộ lưu ý tới các trường đại học, các địa phương cần chuẩn bị đội ngũ tốt, cơ sở vật chất đảm bảo.
Về công bố điểm thi, khi có kết quả chấm thi, Bộ sẽ tổng hợp dữ liệu, sau đó chuyển về cho cả 70 cụm thi đại học công bố, do đó không lo bị “sập mạng” khi công bố điểm thi.
Nhiều phụ huynh lo con trượt tốt nghiệp(GDVN) - “Môn tiếng Anh còn chưa dám xem đáp án. Còn môn Văn thi xong thấy nhăn nhó vì bài làm không tốt. Không biết có đủ điểm qua tốt nghiệp không, tôi lo quá”. |
Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo các đơn vị hạ tầng công nghệ thông tin ưu tiên khoảng 15-20 phút đầu tiên khi công bố điểm thi cho các cụm thi công bố điểm để tránh nghẽn mạng.
Nếu các địa phương đều phương án giảm tải ở các điểm khác để tập trung tốc độ đường truyền mạng cho các trường đại học công bố điểm thi thì tình trạng sập mạng điểm thi sẽ tránh được.
Bởi kinh nghiệm của năm 2015 cho thấy, chỉ cần giải quyết được “xung” ban đầu thì sẽ không bị nghẽn mạng, sập mạng. “Kỳ thi 2016 đã thành công rất tốt đẹp”, ông Ga khẳng định.
Điều này thể hiện ở 2 điểm, thực hiện đúng chủ trương về đổi mới thi cử của Đảng, Nhà nước. Từ tổ chức kỳ thi đại học, cao đẳng theo hình thức “3 chung” trước đây với 3 cụm thi quốc gia, sau đó mở rộng thêm cả Hải Phòng, đến 38 cụm thi liên tỉnh năm 2015.
Năm nay có 70 cụm thi đại học ở khắp các tỉnh, thành phố, Bộ GD&ĐT đã từng bước đổi mới công tác thi, tuyển sinh một cách thận trọng với những bước chuẩn bị chu đáo và đã thành công tốt đẹp.
Việc đặt 70 cụm thi đại học ở tất cả các tỉnh, thành là một chủ trương quyết liệt của Bộ GD&ĐT, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và tinh thần trách nhiệm cao của các trường đại học.
“Ban đầu Bộ cũng rất lo lắng khi quyết định tổ chức cụm thi ở các địa phương, sợ không thành công, tuy nhiên Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nên toàn hệ thống đã vào cuộc. Đến nay cho thấy đã thành công.
Việc mở rộng cụm thi đại học ở tất cả các địa phương trong kỳ thi năm 2016 là "phép thử" để Bộ GD&ĐT trao quyền cho địa phương và các trường đại học trong công tác tổ chức thi, tuyển sinh. Tiến tới, Bộ GD&ĐT chỉ làm công việc quản lý nhà nước.
Bởi từ trước đến nay, xã hội vẫn nghi ngại việc tổ chức thi ở các tỉnh, cho rằng không an toàn, không nghiêm túc. Nhưng qua kỳ thi năm nay cho thấy có thể làm được, đủ cơ sở cả về pháp lý, thực tiễn để tiếp tục đổi mới thi cử trong năm sau” Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.
Thứ trưởng Ga cũng cho biết, sau kỳ thi năm nay Bộ sẽ tiến hành hội thảo với các Sở, các trường, các chuyên gia để có phương thức thi nhẹ nhàng hơn và hiệu quả cao, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh.