Thứ trưởng Độ "truy bài" các hiệu trưởng, tôi thấy cứ sai sai

23/04/2022 07:01
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục "gỡ rối" cho các trường trung học phổ thông ở Hà Nội khi chuẩn bị dạy học tự chọn với lớp 10, vẫn chưa có lối ra.

Ngày 27/3/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Vụ trưởng Thành, Giáo sư Thuyết dẫn công văn 5512 "đá" 108 tổ hợp xuống các trường?.

Tác giả bài báo cho biết, ngày 25/3/2022, trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, các nhà trường sẽ phải làm gì khi có tới hàng chục, thậm chí là hơn trăm tổ hợp môn học mà học sinh có thể có nhu cầu học, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết:

"Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT đã quy định các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường."

Tiếp đến, ngày 15/4/2022, Báo Thanh Niên đăng tải bài viết, "Thứ trưởng Bộ Giáo dục ‘truy bài’ hiệu trưởng chuẩn bị dạy học tự chọn ở lớp 10". [1]

Bài báo có nội dung, "dựa trên kết quả khảo sát ấy (nguyện vọng về môn học tự chọn - tác giả chú thích), ông Độ đề nghị các trường căn cứ vào điều kiện thực tế của trường mình, xây dựng các tổ hợp tự chọn, vừa đáp ứng tối đa nhu cầu của người học, vừa không vượt quá xa về khả năng, điều kiện tổ chức của các trường."

Cá nhân tôi nhận thấy, hiệu trưởng một số trường ở Hà Nội được Thanh Niên đề cập trong bài viết vẫn loay hoay trong việc thiết kế tổ hợp môn tự chọn, còn vị Thứ trưởng tuy có "gỡ rối" nhưng vẫn chưa có lối ra nào khả quan.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục "gỡ rối" cho các trường trung học phổ thông ở Hà Nội khi chuẩn bị dạy học tự chọn với lớp 10, vẫn chưa có lối ra. (Ảnh minh họa: P.L)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục "gỡ rối" cho các trường trung học phổ thông ở Hà Nội khi chuẩn bị dạy học tự chọn với lớp 10, vẫn chưa có lối ra. (Ảnh minh họa: P.L)

Nhà trường xây dựng tổ hợp tối ưu, học sinh vẫn thiệt thòi

Người viết thấy rằng, nhiều trường trung học phổ thông ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng tổ hợp môn tối ưu nhằm giúp học sinh, phụ huynh học sinh tìm hiểu lựa chọn sao cho phù hợp.

Thế nhưng, nhiều trường trung học phổ thông hiện nay có số lượng giáo viên môn khoa học tự nhiên nhiều hơn giáo viên môn khoa học xã hội. Nếu học sinh lựa chọn cân bằng các môn của hai tổ hợp hoặc lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp khoa học tự nhiên thì hiệu trưởng sẽ rất khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên.

Theo nhận định của tôi, học sinh ở vùng đô thị có xu thế lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên nhiều hơn tổ hợp khoa học xã hội. Ngược lại, học sinh ở vùng khó khăn thì lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp khoa học tự nhiên. Chưa kể, nếu sắp tới kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông thay đổi thì việc học sinh lựa chọn tổ hợp sẽ phức tạp hơn nữa.

Học sinh vùng đô thị thiên về tổ hợp khoa học tự nhiên vì liên quan đến xu hướng chọn ngành nghề (dễ kiếm việc làm) sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp những ngành khoa học xã hội khó tìm việc làm hơn so với những ngành khoa học tự nhiên.

Minh chứng là, Báo Người Lao Động ngày 1/2/20200 cho biết những ngành có thu nhập cao, dễ tìm việc trong năm 2022 bao gồm: Công nghệ thông tin, Digital Marketing, Thiết kế đồ họa, Kỹ thuật ô tô, cơ khí, Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. [2]

Còn học sinh ở vùng khó khăn chọn tổ hợp khoa học xã hội để được điểm cao, khó bị điểm liệt. Cùng với đó, nhiều học sinh chỉ hướng đến tốt nghiệp trung học phổ thông, sau đó các em đi học nghề, làm nghề chứ ít vào đại học, cao đẳng.

Việc học sinh lựa chọn tổ hợp chênh lệch dẫn đến trường học thừa thiếu giáo viên cục bộ, thừa môn này nhưng thiếu môn kia. Và chuyện thừa thiếu giáo viên chắc chắn sẽ kéo dài trong nhiều năm, kể cả trường tuyển dụng mới giáo viên hay bố trí giáo viên kiêm nhiệm (do thiếu tiết).

Lựa chọn tổ hợp môn, vẫn "bình mới rượu cũ"?

Đề giải quyết Chương trình giáo dục phổ thông 2018 "đẻ" ra 108 tổ hợp, không còn cách nào khác, các nhà trường giải quyết sự rắc rối này bằng cách cố định số lớp dạy tự chọn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội dựa vào nhân sự riêng của từng đơn vị.

Cụ thể, bà Lê Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên (Hà Nội) nêu dự kiến "có thể trong năm đầu nhà trường sẽ cố định số lớp dạy tự chọn khoa học tự nhiên và số lớp tự chọn khoa học xã hội căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường. Trên cơ sở số lớp như vậy, học sinh sẽ lựa chọn", theo Thanh Niên.

Chưa thực yên tâm với việc “dự kiến” chung về tổ hợp môn học, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ "đề nghị Hiệu trưởng Trường Kim Liên cho biết đến giờ này đã có phương án cụ thể về hướng xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn hay chưa?".

Thưa Thứ trưởng, việc các trường xây dựng phương án lựa chọn môn tổ hợp đang gặp khó khăn rất lớn về mặt nhân sự. Ví như, có khả năng nhiều trường không tuyển được giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, có trường thì lo lắng môn Lịch sử bị "xóa trắng" vì không có học sinh đăng kí hay tình trạng dư thừa giáo viên đối với môn Sinh học, Địa lí.

Bộ Giáo dục cần sớm có hướng dẫn để giải bài toán về những vấn đề hóc búa này chứ không phải chuyện "phương án cụ thể về hướng xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn" như Thứ trưởng "truy bài" hiệu trưởng.

Vấn đề cần bàn nữa là, học sinh chỉ được lựa chọn một số tổ hợp ấn định sẵn, chẳng khác nào tự chọn với điều kiện bắt buộc. Như thế, nhà trường tổ chức dạy học dựa trên số lượng giáo viên hiện có, cũng chẳng khác chương trình hiện hành là bao, vẫn bình mới rượu cũ.

Hiện tại, học sinh được học "trải nghiệm" qua các hoạt động ngoài nhà trường, chương trình ngoại khóa. Còn nội dung giáo dục địa phương thì được lồng ghép, tích hợp ở các môn học.

Năm tới, chương trình mới thêm hai môn bắt buộc, đó là Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo và Nội dung giáo dục địa phương nhưng vẫn do giáo viên bộ môn đảm nhiệm - đặt ra câu hỏi chất lượng giảng dạy sẽ như thế nào khi không có giáo viên chuyên ngành?

Các trường liên kết "dồn" học sinh là phương án bất khả thi

Tiếp đến, ông Độ tiếp tục đặt câu hỏi, “nếu chỉ có 4 - 5 em chọn 1 môn học nào đó thì nhà trường xử lý thế nào?”, bà Lê Thị Hiền (Hiệu trưởng Trường Kim Liên, Hà Nội) cho biết các trường trong cụm sẽ có thể liên kết với nhau để “dồn” số ít học sinh ở cùng một môn học nào đó để tổ chức giảng dạy.

Tôi khẳng định, phương án mà hiệu trưởng này đặt ra là không khả thi, vì liên quan đến các yếu tố: thời khóa biểu, thời gian học sinh đi học giữa trường này và trường kia, quản lí học sinh khác trường... Và hành lang pháp lí nào cho phép giáo viên trường này được đánh giá học sinh trường kia?

Có lẽ đây cũng là lí do khiến bà Hiền "kiến nghị Bộ Giáo dục cần hướng dẫn các trường xây dựng cấu trúc chương trình, đưa ra các phương án tổ hợp môn học tự chọn sao cho tối ưu nhất, vừa đáp ứng nhu cầu của học sinh, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của các trường."

Đáp lại, ông Độ cho rằng, "hiện nay việc quản lý giáo dục đã chuyển từ bao cấp sang phân cấp, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, phân phối chương trình và sắp tới là xây dựng các tổ hợp môn học thế nào, bố trí sắp xếp ra sao là quyền của các nhà trường" - cách trả lời này khác nào đại diện Bộ Giáo dục đá "quả bóng trách nhiệm" xuống các trường?

"Trước đây, thời khóa biểu xếp một lần và thực hiện theo nửa hoặc hết một học kỳ thì nay sẽ xếp theo tuần để đảm bảo tối đa sự linh hoạt trong bố trí giáo viên và tính liền mạch trong nội dung kiến thức của các môn học. Bộ chỉ quy định số tiết cho cả năm, còn phân chia như thế nào là quyền của hiệu trưởng, của tổ chuyên môn", ông Độ nói với Thanh Niên.

Theo ghi nhận của tôi, nhiều trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh sắp xếp thời khóa biểu rất khoa học, đó là cố gắng mỗi học kì chỉ có một thời khóa biểu. Thời khóa biểu chỉ thay đổi khi có giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ không lương... nhưng vẫn tạo điều kiện cho những thầy cô khác được cố định số buổi theo thứ ngày cụ thể.

Nếu thời khóa biểu thay đổi xoành xoạch theo tuần, từ lãnh đạo, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cho đến học sinh và phụ huynh học sinh sẽ rất áp lực, căng thẳng tâm lí. Phụ huynh sẽ đưa đón, quản lí con em thế nào khi thời khóa biểu tuần này thế này tuần sau lại thay đổi, cứ như thế luân phiên hết tuần này đến tuần khác?

Dạy học theo chương trình mới, hình thức thi tốt nghiệp sẽ ra sao?

Cuối cùng, ông Nguyễn Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường Tiền Phong (Hà Nội) cho biết, "băn khoăn lớn của học sinh và phụ huynh không chỉ về tổ chức dạy học tự chọn ra sao mà còn là khi dạy học theo chương trình mới thì hình thức thi tốt nghiệp sẽ ra sao; các tổ hợp xét tuyển đại học khi ấy sẽ như thế nào. Nếu tổ hợp tự chọn tương đồng với tổ hợp xét tuyển đại học thì phụ huynh và học sinh mới yên tâm lựa chọn…", theo Thanh Niên.

Thứ trưởng Độ cho rằng "đây là một câu hỏi rất thiết thực và khẳng định việc đổi mới thi cử, tuyển sinh chắc chắn sẽ phải phù hợp với đổi mới dạy học ở các trường phổ thông. Việc tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường đại học nhưng tinh thần là học sinh học theo định hướng nghề nghiệp ở phổ thông ra sao thì việc tuyển sinh đại học sẽ có những tổ hợp tuyển sinh tương ứng."

Nói thật, là giáo viên đang dạy bậc trung hoc phổ thông tôi cũng cảm thấy mông lung, mơ hồ, bối rối và chưa hình dung được "việc đối mới thi cử, tuyển sinh phải phù hợp với đổi mới dạy học" là thế nào. Lẽ ra, Bộ Giáo dục phải có phương án thi tốt nghiệp trước khi cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn mới đúng, đây là quy trình ngược cho thấy nguy cơ "vỡ trận" của chương trình mới.

Có thể nhận thấy, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục đã "gỡ rối" cho các trường trung học phổ thông ở Hà Nội khi chuẩn bị dạy học tự chọn với lớp 10, nhưng theo tôi, vẫn chưa có lối ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thanhnien.vn/thu-truong-bo-gd-dt-truy-bai-hieu-truong-chuan-bi-day-hoc-tu-chon-o-lop-10-post1448821.html?fbclid=IwAR3iQyaI05p-VGm_wI8tNGdKJckRTrpn9i630caaWl9Bk1oxh96hpEmqMzE

[2] //nld.com.vn/cong-doan/nhung-nganh-nao-thu-nhap-cao-de-tim-viec-trong-nam-2022-2022020108431161.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên