Thưa Bộ trưởng! Đổi mới tư duy người quản lý hiện là nhiệm vụ cấp bách nhất

15/04/2021 06:46
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- 30 năm trước, mỗi tiết dự giờ giáo viên phải gà bài, tập dợt cho học sinh nói theo kịch bản thì 30 năm sau chuyện này vẫn chưa thể chấm dứt.

Kính thưa thầy Nguyễn Kim Sơn!

Thầy được giao trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời điểm mà ngành giáo dục đang oằn mình chống chọi với khá nhiều vấn đề bị xã hội bóc trần và lên án gay gắt, điển hình nhất là căn bệnh dối trá, ngụy thành tích.

Cùng với đó là việc đưa chương trình mới vào giảng dạy. Có biết bao công việc phải triển khai, phải hoàn thành để đạt mục tiêu giáo dục bao người kỳ vọng.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.edu.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: etep.moet.edu.vn

Chấn hưng nền giáo dục nước nhà hiện nay không phải điều đơn giản. Để giúp thầy cải tổ thành công giáo dục, hoàn thành sứ mệnh vinh quang này không ai khác chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các nhà trường. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý nhiều trường học còn yếu và tư duy cũ còn đè nặng.

Bởi thế, đổi mới tư duy người quản lý, thậm chí là thay thế một bộ phận hệ thống quản lý giáo dục trì trệ hiện nay vẫn là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết nhất.

30 năm trước thế nào, 30 năm sau vẫn y chang thế

Kính thưa thầy!

Chúng tôi lấy thời điểm 30 năm trở lại đây vì trong thời gian này, chúng tôi là những người làm trong ngành giáo dục nên không chỉ nghe mà còn biết, còn trực tiếp thấy những gì đã và đang diễn ra của ngành mình.

Quãng thời gian 30 năm qua, giáo dục của chúng ta cũng đã có nhiều cuộc đổi mới về sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, về hình thức dạy học mới. Tuy nhiên, cách quản lý, chỉ đạo của trường học về chuyên môn vẫn không có gì thay đổi. Những năm 90 của thế kỷ 20 thế nào thì bây giờ bước qua năm 2021của thế kỷ 21 vẫn cứ y chang thế.

Điều khác duy nhất chỉ là các báo cáo nói và viết về đổi mới giáo dục, về giao quyền cho giáo viên, về khuyến khích sự sáng tạo…được thể hiện trong các cuộc họp chuyên môn gửi lên cấp trên.

Đơn cử chuyện dự giờ: 30 năm trước người ta tổ chức dự giờ để giáo viên dự và góp ý về tiết dạy của đồng nghiệp, để nhìn tiết dạy đánh giá trình độ giáo viên và sự chỉ đạo chuyên môn của nhà trường. Dự giờ liên miên hết cấp này đến cấp khác, giáo viên có khi phải đi đến vài chục cây số để dự một tiết 35 phút rồi về.

Dự giờ nhiều, góp ý nhiều nhưng nói học được gì từ những tiết dạy ấy thì thầy cô nào cũng lắc đầu thở dài vì không học được gì cả. Bởi, không thể đem cách dạy đã chuẩn bị đến từng chân tơ kẽ tóc áp dụng vào thực tế giảng dạy hằng ngày. Không thể áp dụng cách dạy ấy với lớp học của mình do mỗi lớp còn có trình độ, nhận thức khác nhau nói gì đến học sinh mỗi nơi mỗi khác.

30 năm trước, mỗi tiết dự giờ giáo viên phải gà bài, tập dợt cho học sinh nói theo kịch bản thì 30 năm sau chuyện này vẫn chưa thể chấm dứt. 30 năm trước, chúng tôi chép giáo án đến mỏi tay chỉ để kiểm tra thì 30 năm sau (tiến bộ hơn vì được soạn trên máy) cũng chỉ in ra để kiểm tra xong là vứt bỏ.

30 năm trước, giáo viên phải giảng dạy theo phương pháp mà chuyên môn nhà trường phổ biến, phải thực hiện tiết dạy theo đúng quy trình định sẵn thì 30 năm sau nhà trường vẫn đang áp đặt phương pháp giảng dạy chung cho các khối lớp.

Điển hình như học sinh phải ngồi học theo mâm từ mô hình VNEN suốt buổi, lúc nào cũng phải học nhóm theo trình tự cá nhân-nhóm đôi-nhóm lớn. Ngay việc nhỏ như cắm hoa lúc nào, cắm như thế nào cũng phải đồng phục giống nhau cả trường.

Nếu có giáo viên nào làm khác đi sẽ bị nhắc nhở vì họ cho là vi phạm chuyên môn đã phổ biến.

30 năm trước, gần đến ngày kiểm tra, ngày thi định kỳ giáo viên phải ra đề cương để học sinh ôn luyện nhằm làm bài cho hiệu quả thì 30 năm sau cách thức vẫn y chang như thế mặc dù đã đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Cán bộ quản lý yếu nên luôn chờ cầm tay chỉ việc vì làm gì cũng sợ sai

Bộ Giáo dục cũng đã chỉ đạo bằng văn bản đổi mới cách dự giờ đánh giá giáo viên nhưng có mấy trường thực hiện? Chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học của Bộ ban hành thử hỏi bao nhiêu cán bộ quản lý hiểu rõ?

Vì không hiểu nên cứ sinh hoạt chuyên môn là phải dự giờ. Vì không hiểu nên từ cán bộ cấp trường đến cấp phòng cứ thi nhau tổ chức dạy dự giờ hết tiết này đến tiết khác, hết cấp này đến cấp kia để góp ý.

Bộ Giáo dục cũng đã có công văn giao quyền chủ động cho giáo viên nhưng có bao nhiêu trường để giáo viên toàn quyền quyết định phương pháp dạy học cho mình?

Trường luôn chờ sự chỉ đạo chuyên môn từ phòng, cũng chưa có nhiều cán bộ quản lý dám nghĩ dám làm, dám bứt khỏi sự chỉ đạo chuyên môn từ cấp trên dù họ vẫn thấy những điều đó chưa thật hợp lý.

Vì yếu năng lực nên không ít hiệu trưởng làm gì cũng sợ sai, không mạnh dạn quyết đoán mà luôn trung thành với kiểu chờ cấp trên chỉ đạo, chờ được cầm tay chỉ việc.

Vì những lẽ đó, chúng tôi nghĩ muốn đổi mới giáo dục việc làm cần thiết nhất hiện nay là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ của những nhà quản lý cấp trường. Nhưng đổi mới cách nào?

Là quản lý một trường học, chắc chắn đó phải là những người có năng lực, có thực tài, có tâm huyết với ngành. Những người đủ tự tin để dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Để có được những quản lý thực tài như thế phải làm thế nào?

Thứ nhất, xóa bỏ kiểu bổ nhiệm cán bộ quản lý theo quy trình như hiện nay. Kiểu bổ nhiệm này đã để lại hậu quả không ít cán bộ quản lý tài năng kém, đạo đức có vấn đề nhưng không biết bằng cách nào vẫn lên lãnh đạo.

Có những người được đề bạt xong mà giáo viên luôn thắc mắc kiểu không hiểu vì sao người đó có thể lên làm lãnh đạo được.

Muốn có người giỏi, nhất định phải tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý nhà trường. Thi công khai, tổ chức chấm minh bạch, công bằng như Đà Nẵng đang làm.

Giáo viên có năng lực sẽ cạnh tranh lành mạnh. Người đỗ là người giỏi đi lên từ cuộc thi nên giáo viên cũng sẽ tâm phục và sẽ rất thuận lợi cho việc hợp tác làm việc sau này.

Thứ hai, có quy định miễn nhiệm ngay nếu cán bộ quản lý làm việc không hiệu quả, tránh kiểu đã lên là yên vị không bao giờ phải xuống như hiện nay. Thậm chí có trường hợp hiệu trưởng/hiệu phó bị kỷ luật ở trường này thì "chạy luân chuyển" sang làm hiệu trưởng/hiệu phó trường khác. Hoặc có trường hợp hiệu trưởng/hiệu phó bị kỷ luật thì "luân chuyển" lên phòng, sở một thời gian, dư luận lắng xuống thì tiếp tục được bổ nhiệm hiệu trưởng/hiệu phó trường khác.

Chỉ khi nào có chế tài miễn nhiệm hiệu trưởng/hiệu phó để trở về làm giáo viên thường đứng lớp, khi đó các cán bộ quản lý muốn tại vị phải cố gắng làm việc hết mình và luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức bản thân.

Nơi nào có được một đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức chuẩn mực của nhà giáo thì chắc chắn nơi đó giáo dục sẽ không đi theo vết mòn mà sẽ khởi sắc như kỳ vọng của bao người.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết