Thuận lợi triển khai NĐ116 nhưng Đại học Hồng Đức băn khoăn đầu ra của sinh viên

24/03/2022 06:48
Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho các cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng về cơ chế tuyển dụng, sử dụng sinh viên được đặt hàng đào tạo giáo viên theo NĐ116.

Sau khi Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) thì tỷ lệ thí sinh thi vào ngành sư phạm tăng đáng kể.

Nghị định này ra đời nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cân đối cung cầu về giáo viên trên toàn quốc, hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút thêm người vào học ngành này, đồng thời thúc đẩy tự chủ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội để đảm bảo công bằng.

Được biết Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã triển khai thuận lợi Nghị định này.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức để lắng nghe chia sẻ về cách triển khai của Nhà trường.

Phóng viên: Mùa tuyển sinh 2021 cho thấy Nghị định 116 đã bước đầu thực hiện được mục tiêu thu hút nhiều người học, trong đó có nhiều người giỏi vào ngành sư phạm. Tại trường Đại học Hồng Đức việc triển khai Nghị định 116 đạt kết quả ra sao, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Năm 2021, trên cơ sở năng lực của Nhà trường về đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo hiện có và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, Trường Đại học Hồng Đức đã đăng ký và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo (Công văn số 2115/BGDĐT-GDĐH ngày 24/5/2021) chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành giáo viên với 1.304 chỉ tiêu (trong đó có 50 chỉ tiêu cao đẳng giáo dục mầm non).

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Trên cơ sở đó, Nhà trường đã báo cáo năng lực đào tạo và chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ trên nhu cầu nguồn nhân lực sư phạm của địa phương, đến ngày 19/8/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3171/QĐ-UBND giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên năm 2021 theo Nghị định 116 cho Nhà trường với 1.128 chỉ tiêu.

Căn cứ Quyết định giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên của tỉnh, Nhà trường đã có nhiều giải pháp để tư vấn, tuyên truyền cho học sinh và người nhà học sinh biết về những chính sách ưu đãi trong việc đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 cũng như thông tin Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho Nhà trường nhằm thu hút được các học sinh khá, giỏi vào học các ngành sư phạm.

Kết quả, năm 2021, Nhà trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu được giao và tuyển được nhiều học khá, giỏi vào học ở tất cả các ngành sư phạm, nhiều ngành có điểm trúng tuyển tăng cao so với năm 2020. Hiện nay, Nhà trường đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cấp kinh phí đào tạo theo Nghị định 116 và đang triển khai cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo quy định.

Đến nay nhiều nơi loay hoay vì quy định đấu thầu không rõ rất có khả năng cả năm các trường mất thời gian chuẩn bị cho đấu thầu, vậy từ thực tế, Trường Đại học Hồng Đức đã tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 đã quy định: “Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo một trong các hình thức sau:

a) Thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc;

b) Đặt hàng đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên;

c) Đấu thầu lựa chọn cơ sở đào tạo giáo viên cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên”.

Như vậy cơ quan giao nhiệm vụ là Ủy ban nhân dân các tỉnh có thể lựa chọn 1 trong 3 hình thức để triển khai.

Với Trường Đại học Hồng Đức là trường đại học địa phương trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nên Nhà trường có sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực trước hết phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dó đó, ngay sau khi có thông báo chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận Nhà trường đã báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định giao nhiệm vụ cho Nhà trường theo hình thức thứ nhất.

Nhiều lo ngại về mặt pháp lý khi thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, trong khi việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Nhà trường đã phối hợp với các bên liên quan tính toán giải quyết bài toán này chưa? Nếu có thì giải pháp đưa ra là gì, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Đây là vấn đề đã được thảo luận ngay tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị định 116 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2021.

Trên cơ sở đó, năm 2021 Trường Đại học Hồng Đức đã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ và Sở Tài chính Thanh Hóa khảo sát thực trạng thừa thiếu giáo viên trên địa bàn, đánh giá nhu cầu nhân lực giáo viên của địa phương để có căn cứ trong việc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xác định nhu cầu đào tạo, bố trí ngân sách thực hiện giao nhiệm vụ với cơ sở đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng và sử dụng sinh viên được đặt hàng sau khi ra trường cũng là vấn đề có nhiều băn khoăn khi triển khai thực hiện. Vì vậy, Nhà trường cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho các cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng về cơ chế tuyển dụng, sử dụng sinh viên được đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 sau khi tốt nghiệp ra trường.

Là cơ sở giáo dục đại học triển khai thuận lợi Nghị định 116, Phó giáo sư có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện?

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Nhà trường luôn xác định việc nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên nói riêng là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để xây dựng thương hiệu Nhà trường từ đó mới làm tốt công tác tuyển sinh.

Việc triển khai thực hiện Nghị định 116 cũng vậy, chất lượng đào tạo sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương xem xét, giao nhiệm vụ, đặt hàng và cũng là yếu tố quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học trúng thầu đào tạo bên cạnh các yếu tố khác như chi phí đào tạo, cơ sở vật chất, vị trí địa lý thuận tiện…

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các cơ sở giáo dục đại học cũng cần có sự phối hợp chặt trẽ với cơ quan cơ quan giao nhiệm vụ thông qua đơn vị tham mưu (Sở Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính) trong việc rà soát nhu cầu để làm căn cứ xác định chỉ tiêu hằng năm; Phối hợp với các trường trung học phổ thông để tuyên truyền, tư vấn nhằm cung cấp thông tin cho học sinh và gia đình thấy được cơ hội sau khi học tập và những lợi thế khi tham gia học sư phạm.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư.

Hà Anh