Chính sách riêng cho vùng đồng bào DTTS
Tỉnh Quảng Ninh hiện có 56 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số với trên 160.000 người, cư trú rải rác ở trên 85% diện tích của tỉnh.
Theo đó, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh.
Điều này thể hiện qua việc tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Qua đó, đảm bảo an sinh xã hội; mở ra cơ hội đào tạo nghề giúp giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền để từ đó cải thiện rõ rệt chất lượng đời sống của nhân dân.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách riêng có để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (Ảnh: Nguyên Ngọc) |
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND tháng 12/2016 “Về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.
Tháng 1/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND “Về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu, chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196).
Trong đó đặt ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà nghị quyết, đề án đưa ra góp phần tạo nên bước chuyển mạnh ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh.
Kết quả đạt được, công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hằng năm giai đoạn 2016 – 2020 là 1,87%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015.
Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao.
Quảng Ninh đã thực hiện thành công mục tiêu đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trước 1 năm so với kế hoạch.
Tiếp đó vào ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các chính sách mở ra cơ hội đào tạo nghề giúp giảm nghèo bền vững, thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng, miền (Ảnh: CTV) |
Ngày 16/7/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND "Phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Theo đó, trong 5 năm, ngân sách nhà nước các cấp dành khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 3% tổng chi ngân sách địa phương) để thực hiện chương trình.
Riêng năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh phân bổ nguồn kinh phí 200 tỷ đồng chi cho các dự án hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu và ủy thác cho vay ngân hàng chính sách xã hội tạo sinh kế cho đồng bào.
Trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ.
Nghị quyết số 06-NQ/TW đã nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ.
Từ đó, chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số và người công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện nghị quyết 06, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương đã tích cực thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ, nâng cấp cơ sở vật chất các điểm trường, nhất là các địa bàn sâu xa, khó khăn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, phải kể đến thành phố Hạ Long đã thực hiện giảm 14 điểm trường lẻ, thành phố Cẩm Phả giảm 1 điểm trường.
Dự kiến, huyện Ba Chẽ giảm 2 điểm trường tiểu học trong năm học 2021-2022; huyện Bình Liêu giảm 9 điểm trường lẻ; huyện Tiên Yên giảm 6 điểm trường trong giai đoạn 2021-2025,…
Nghị quyết số 06-NQ/TW của tỉnh Quảng Ninh đã nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong đó trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ (Ảnh: CTV) |
Về công tác đào tạo nghề cho lao động trẻ, các cấp ngành, địa phương đã phối hợp đẩy nhanh tiến độ mở các lớp hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để chủ động tham gia thị trường lao động, ổn định sinh kế.
Năm 2021, toàn tỉnh đã tổ chức được 54 lớp đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho trên 1.410 lao động, trong đó phần lớn là lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số; 4 lớp bồi dưỡng cho 185 học viên là cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tại các địa phương Hạ Long, Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên.