Khi ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì vai trò, nhiệm vụ của tổ trưởng chuyên môn ở các trường phổ thông rất nặng nề, nhất là những trường loại I, những tổ ghép. Bởi lẽ, những hoạt động chuyên môn hiện nay Bộ, Sở thường giao quyền tự chủ cho nhà trường và tất nhiên nhà trường sẽ giao cho các tổ chuyên môn bàn bạc để thực hiện.
Khi nhà trường giao nhiệm vụ cho tổ chuyên môn, dĩ nhiên là các tổ trưởng chuyên môn phải gánh trách nhiệm đầu tàu, nhận những việc khó bởi giáo viên nhiều khi có lý do để thoái thác nhưng tổ trưởng chuyên môn mà thoái thác thì giao cho ai. Vì thế, trách nhiệm và áp lực công việc của nhiều thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn hiện nay rất lớn.
Thế nhưng, những quyền lợi dành cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn lại chưa tương xứng nên hiện nay đang xảy ra tình trạng nhiều tổ trưởng chuyên môn xin thôi kiêm nhiệm chức vụ này vì áp lực công việc nhiều, cùng với việc phải tham gia gần như tất cả các cuộc họp lớn nhỏ của nhà trường.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Cổng thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai |
Mỗi tuần được giảm 3 tiết dạy theo định mức nhưng quá nhiều công việc
Theo hướng dẫn hiện hành, phụ cấp chức vụ đối với tổ trưởng chuyên môn tại trường trung học phổ thông có hệ số là 0,25; trường trung học cơ sở, trường tiểu học và trường mầm non là 0,2. Tổ phó chuyên môn có phụ cấp chức vụ với hệ số 0,15 của lương cơ sở.
Theo văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT 2017 về ban hành chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần, tổ phó được giảm 1 tiết/ tuần.
Tại Điều 14, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau: “Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường;
Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt; Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường; Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn”.
Như vậy, chúng ta thấy chức vụ tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường chỉ là kiêm nhiệm, mỗi tuần được giảm 3 tiết theo định mức giảng dạy nhưng công việc thường rất nặng nề.
Ngoài việc giảng dạy, làm các kế hoạch giáo dục như các giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ thì các tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện vô vàn các kế hoạch, báo cáo, triển khai thực hiện các kế hoạch chuyên môn trong suốt năm học và thậm chí là thời gian nghỉ hè.
Đầu năm học, tổ trưởng phải dự kiến phân công nhiệm vụ giáo viên trong tổ, phải làm kế hoạch năm học, phân phối chương trình, kế hoạch chuyên đề cho tổ của mình (theo hướng dẫn của Công văn 5512) với những nội dung dài dằng dặc có khi lên đến hàng trăm trang A4.
Bên cạnh đó, làm kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học; kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; kế hoạch phụ đạo; kế hoạch tăng tiết, đảo tiết; kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ; kế hoạch dự giờ giáo viên; kế hoạch ôn tập học kỳ; kế hoạch ôn tuyển sinh, ôn tốt nghiệp…
Hàng tháng, tổ trưởng phải duyệt giáo án của tất cả giáo viên trong tổ 2 lần, phải xây dựng và triển khai kế hoạch họp tổ ít nhất 2 lần, làm kế hoạch tháng cho tổ chuyên môn trình Ban giám hiệu ký duyệt, báo cáo hoạt động của tổ chuyên môn trong tháng.
Mỗi năm học, ít nhất mỗi tổ chuyên môn phải thực hiện 2 chuyên đề dạy học, 1 chuyên đề ngoại khóa. Tất nhiên, những kế hoạch triển khai cũng dài dằng dặc và tổ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng tiết thao giảng, thậm chí nếu phân công giáo viên không được phải đứng ra thao giảng.
Ngoài ra, nếu được phân công thao giảng chuyên đề cấp trường hoặc thao giảng chuyên đề của Hội đồng bộ môn thì mức độ khó và phức tạp còn gấp nhiều lần khi thực hiện chuyên đề cấp tổ.
Những thầy cô tổ trưởng tổ Ngữ văn mỗi năm còn phải thực hiện, hướng dẫn nhiều cuộc thi viết, tìm hiểu mà các cấp phát động cho cả giáo viên và học sinh vì Ban giám hiệu luôn tin tưởng và giao cho các thầy cô tổ Văn thực hiện.
Bên cạnh đó, các cuộc thi kể chuyện; thi giới thiệu sách của học sinh; phát biểu của phụ huynh, giáo viên, học sinh trong các ngày lễ khai giảng; 20/11; tổng kết năm học thì Ban giám hiệu nhà trường cũng đa phần giao cho tổ Văn thực hiện. Và, một khi Ban giám hiệu giao cho tổ Ngữ văn thì phần lớn là tổ trưởng chuyên môn thực hiện vì các giáo viên họ có đủ lý do để chối từ.
Nhưng, ám ảnh nhất có lẽ là hội họp thường xuyên khiến cho nhiều tổ trưởng chuyên môn chán ngán.
Gần như tất cả các cuộc họp của trường đều triệu tập tổ trưởng chuyên môn nên có những tuần ngoài việc họp tổ chuyên môn còn phải dự thêm vài cuộc họp do nhà trường, Hội đồng bộ môn và có khi còn phải dự họp giao ban với do cấp Sở, Phòng tổ chức.
Những thời điểm đầu năm học, cuối học kỳ, cuối năm học thì cũng là lúc các tổ trưởng chuyên môn càng tất bật hơn với kế hoạch, báo cáo, thống kê số liệu nên áp lực công việc thường rất lớn.
Nhiều tổ trưởng chuyên môn không chịu nổi áp lực công việc
Hiện nay, có những thầy cô giáo kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn liên tục xin nghỉ vì họ cho rằng thà dạy thêm 3 tiết theo định mức xong về nhà nghỉ ngơi, có thời gian dành cho gia đình. Làm tổ trưởng mỗi tuần được giảm 3 tiết nhưng tham gia họp hành liên miên và nhiều đêm làm các kế hoạch, báo cáo khác nhau.
Điều nhiều tổ trưởng chuyên môn sợ nhất là sự hợp tác của các tổ viên trong tổ, nhiều giáo viên khi giao nhiệm vụ gì cũng tìm cách thoái thác với nhiều lý do khác nhau và thậm chí có những lời lẽ làm tổn thương nhau trong hội họp cũng như trong giao tiếp hàng ngày.
Trong khi đó, nhiều khi Sở, Phòng về thanh tra, kiểm tra chuyên môn hoặc Ban giám hiệu kiểm tra chuyên đề chỉ cần thấy những tồn tại, hạn chế nhỏ của tổ, của các tổ viên thì nâng cao quan điểm lên thành lớn để quy trách nhiệm cho tổ trưởng.
Nhưng, thử hỏi với quyền lợi của một tổ trưởng chuyên môn hiện nay mỗi tuần được giảm 3 tiết thì có tương xứng với công sức mà họ đang bỏ ra hay không?
Nhiều tổ chuyên môn hiện nay như tổ Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở đang phụ trách rất nhiều môn học, có tổ lên đến gần 20 con người (gần bằng số lượng giáo viên trường loại III) với những đầu việc khó khiến cho những thầy cô tổ trưởng áp lực vô cùng.
Chỉ riêng chuyện kiểm tra chuyên đề, duyệt giáo án, duyệt kế hoạch, duyệt đề kiểm tra cho tổ viên cũng khiến cho nhiều tổ trưởng chuyên môn cảm thấy quá tải vì có vô vàn các loại hồ sơ, sổ sách của giáo viên mà các tổ trưởng phải kiểm tra, phải ký duyệt theo sự phân công của Ban giám hiệu nhà trường.
Muốn triển khai Chương trình 2018 có hiệu quả, có lẽ ngành Giáo dục phải phải chú trọng đến đội ngũ tổ trưởng chuyên môn ở các trường học vì chính họ đang là những người chịu nhiều áp lực nhất. Nếu họ bớt áp lực, sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, đầu tư cho chuyên môn, cho chương trình mới để áp dụng vào công việc quản lý tổ.
Một khi, cứ quay cuồng trong giảng dạy và hàng tá kế hoạch, báo cáo, họp hành, tập huấn… liên miên thì rất khó để họ chuyên tâm vào giảng dạy và đầu tư cho tổ chuyên môn của mình.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.