Nhiều giáo viên e dè, lo ngại khi được phân công dạy môn tích hợp

01/10/2022 06:48
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Nguyễn Hùng Minh, giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Lợi, giáo viên dạy môn tích hợp cần có tính nhiệt tình, đam mê và thích nghiên cứu.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đưa 2 môn học tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý) vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở trong năm học 2021-2022 đối với lớp 6, từ năm học 2022 – 2023 triển khai đối với lớp 7. Từ những năm học tới sẽ thực hiện cuốn chiếu tiếp với lớp 8 và lớp 9.

Cụ thể: Môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được tích hợp vào cùng một môn, gọi đó là môn Khoa học Tự nhiên, còn môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp vào cùng một môn thành môn Lịch sử - Địa lý.

Tại các trường trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, thật không dễ để có thể đang từ giáo viên đơn môn chuyển sang giáo viên đa môn, có thể dạy được thêm 1 đến 2 môn nữa, ngoài môn chuyên ngành được đào tạo ở trường sư phạm.

Dù đã được bồi dưỡng nhưng chắc chắn vẫn có khó khăn nhất định

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường không có giáo viên dạy từng phân môn riêng ở những môn tích hợp.

Trường thực hiện một giáo viên dạy chung tất cả, ví dụ như một giáo viên dạy cả phân môn Lịch sử - Địa lý trong môn Lịch sử và Địa lý, rồi một giáo viên cũng dạy cả phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học trong môn tích hợp Khoa học Tự nhiên.

Toàn bộ những giáo viên dạy môn tích hợp của trường nói riêng, của quận 1 nói chung đều đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, và được cấp chứng chỉ công nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, theo thầy Cao Đức Khoa, việc một giáo viên dạy 2- 3 phân môn như vậy trong một môn tích hợp khiến thầy cô khó nắm hết các nội dung của phân môn, vì nằm ngoài chuyên ngành được đào tạo ở giảng đường đại học.

Học sinh Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1 trong giờ học (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1 trong giờ học (ảnh minh họa: P.L)

Để giải quyết được việc này, thầy Khoa cho rằng, điều cần thiết là hàng tuần, giáo viên của trường đều được trao đổi, họp chuyên môn trong tổ để nhằm tháo gỡ những vấn đề còn khúc mắc trong việc soạn bài giảng.

“Từ đó, các giáo viên sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái khi dạy môn tích hợp” – thầy Cao Đức Khoa cho hay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, việc một giáo viên dạy nhiều phân môn như vậy có dẫn đến tình trạng giáo viên dôi dư trong trường, thầy Cao Đức Khoa khẳng định, hoàn toàn không có chuyện giáo viên dư.

Thầy Cao Đức Khoa giải thích, bản chất là trường đã chuẩn bị đầy đủ giáo viên từ trước. Còn nếu trường có giáo viên nào thiếu tiết dạy định mức sẽ được phân công tham gia dạy môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Là một giáo viên hiện nay đang dạy song song cả hai chương trình, môn Vật lý ở lớp 9 thuộc chương trình 2006 và môn Khoa học Tự nhiên lớp 6 của chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Phan Thị Cẩm Vân, giáo viên Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1 chia sẻ, cô phải thường xuyên cập nhật liên tục các kiến thức về Sinh học của lớp 6 (lớp 6 chưa học Hóa học).

Do được đào tạo chuyên ngành Vật lý, nên cô Vân cũng phải xem lại bài, nghiên cứu nhiều hơn hai phân môn nói trên, cho dù các kiến thức nằm trong phạm vi chương trình của lớp 6 cũng còn ít và dễ.

Thế nhưng, trong năm học tới, nếu được phân dạy môn Khoa học Tự nhiên với lớp 8,9 thì cô Phan Thị Cẩm Vân nói rằng chắc chắn mình sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để chuẩn bị bài giảng cho học sinh, do hai lớp này đã có thêm môn Hóa học, kiến thức sẽ không đơn giản như của lớp 6.

Giáo viên cần nhiệt tình, đam mê và thích nghiên cứu

Cũng giống như Trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Lợi, quận 3 cũng đã được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức đầy đủ, và có chứng chỉ công nhận của Trường Đại học Sài Gòn trước khi tham gia dạy môn tích hợp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Dương Hữu Nghĩa – Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, điều khó nhất của việc dạy môn tích hợp trong chương trình mới đó là cách làm còn quá mới, nên các thầy cô phải tiếp cận từ từ, vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện.

Ngoài ra, cô Dương Hữu Nghĩa còn nói, việc một giáo viên phải dạy cả 3 phân môn sẽ khó có thể yêu cầu thầy cô có kiến thức chuyên môn sâu. Thầy cô chỉ được trải qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chứ không thể bằng kiến thức như được đào tạo tại các trường sư phạm.

Về đội ngũ giáo viên, theo cô Nghĩa thì tại Trường trung học cơ sở Lê Lợi có đủ giáo viên để dạy môn Khoa học Tự nhiên, còn Lịch sử và Địa lý thiếu giáo viên nên phải thỉnh giảng thêm.

Học sinh Trường trung học cơ sở Lê Lợi, quận 3 trong giờ học (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh Trường trung học cơ sở Lê Lợi, quận 3 trong giờ học (ảnh minh họa: P.L)

Để giúp cho giáo viên không còn gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi dạy môn tích hợp, trong một tổ chuyên môn về Khoa học Tự nhiên, nhà trường bố trí đủ cả giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy một khối lớp, nên các thầy cô hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức và hỗ trợ nhau khi trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Nhớ lại thời gian mới áp dụng chương trình mới cho lớp 6 vào năm học trước, cô Nghĩa cho biết, lúc đó giáo viên của trường còn nhiều e dè, lo ngại khi được phân công dạy cả các phân môn trong môn tích hợp, và cũng có người có ý kiến chỉ dạy từng phân môn riêng.

Dù vậy, lúc đó nhà trường cũng nghĩ đến tình huống này, nhưng áp dụng như vậy sẽ gây ra khó khăn cho học sinh khi học tập, điểm số thì không biết chia ra như thế nào, khó gắn kết các phân môn lại với nhau.

Ngoài ra, cô Dương Hữu Nghĩa còn nhìn nhận, việc dạy các môn tích hợp như vậy đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ hưu chắc chắn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, do thầy cô đã lớn tuổi, không còn được nhanh nhạy được như các thầy cô giáo trẻ tuổi.

Để giúp những giáo viên này, nhà trường đã có đề nghị các thầy cô đang dạy lớp 8,9 năm nay ngoài việc dạy chương trình cũ, thì cũng cần phải đồng thời nghiên cứu, xem trước, tiếp cận từ từ chương trình mới, bắt đầu từ khối lớp 6 (đã áp dụng được một năm học), nên nếu sang năm trường có phân dạy chương trình mới sẽ không có nhiều lạ lẫm.

Là một thầy giáo đã có hàng chục năm kinh nghiệm đứng lớp, năm nay đã 58 tuổi, nhưng thầy Nguyễn Hùng Minh, giáo viên Vật lý Trường trung học cơ sở Lê Lợi chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, đúng là với các giáo viên lớn tuổi thì việc sử dụng công nghệ thông tin vào việc soạn bài, giảng dạy là hơi khó khăn.

Thế nhưng, thầy Minh vẫn phải chịu khó tìm tòi, học hỏi từ chính các thầy cô giáo đồng nghiệp trong trường để có những bài giảng, kiến thức phù hợp truyền đạt tới học sinh.

Thầy Nguyễn Hùng Minh cho hay, mới đầu khi thực hiện, chắc chắn sẽ còn gặp nhiều va vấp, nhưng thầy Minh nhấn mạnh: “Nếu thầy cô biết kết hợp cả 3 điều là nhiệt tình, đam mê và thích nghiên cứu thì chắc chắn sẽ dạy được môn tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Việt Dũng