LTS: Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng chúng ta nên rút kinh nghiệm từ việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) để đổi mới giáo dục được hiệu quả hơn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau mấy năm triển khai ồ ạt chương trình VNEN trên một diện rộng thì bây giờ chương trình này đã bị thu hẹp lại rất nhiều.
Đa phần các địa phương không mở rộng thêm, thậm chí nhiều nơi đã nói không với VNEN.
Nhớ lại ngày đầu khi triển khai chương trình thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy thực hiện dự án đã kỳ vọng rất nhiều và đặt ra nhiều viễn cảnh cho giáo dục nước nhà.
Từ những ngày đầu triển khai, VNEN đã mang lại những kỳ vọng về viễn cảnh tươi sáng cho ngành giáo dục nước nhà. (Ảnh minh họa: baolongan.vn) |
Thế nhưng, VNEN “đã chết” một cách rất tự nhiên mà phần lớn giáo viên, phụ huynh cũng như dư luận xã hội đã “không hề thương xót”.
Có lẽ, điều mà xã hội “xót” nhất là hơn 87 triệu USD đã “ngậm ngùi ra đi” cùng một dự án không phù hợp với giáo dục nước nhà trong bối cảnh hiện nay.
Là một giáo viên cấp trung học cơ sở nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình VNEN gần hết cấp tiểu học và có dự kiến triển khai ở cấp trung học cơ sở thì chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho mình để đón nhận chương trình mới.
Không chỉ giáo viên chúng tôi được tập huấn, bồi dưỡng chương trình này mà chúng tôi đã được các chuyên viên của Sở giáo dục phổ biến về cái hay, cái mới của VNEN.
Lúc bấy giờ, chúng tôi đã được định hướng VNEN sẽ là “bước đệm” để chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới ra đời.
Vì thế, tiến tới là các phương pháp giảng dạy VNEN sẽ được chương trình mới kế thừa.
Nếu chương trình mới giống như VNEN thì Ủy ban kiểm tra Trung ương nên vào cuộc |
Chính từ những định hướng của lãnh đạo ngành nên ngoài việc tham gia bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn do Sở giáo dục tổ chức, chúng tôi còn lên mạng Internet tham khảo những bài viết về chương trình VNEN.
Và, chúng tôi cũng đã đặt mua một số cuốn sách về VNEN để chuẩn bị hành trang cho mình.
Những cuốn sách viết về VNEN thì nhiều nhưng chúng tôi đã chọn mua 2 cuốn của thầy Đặng Tự Ân - chuyên gia trưởng dự án VNEN.
Bởi, sách của thầy chuyên gia trưởng là “cha đẻ” chương trình thì chắc chắn sẽ gần với giáo viên chúng tôi hơn.
Mua được sách rồi chúng tôi đã đọc, đọc tích cực để lĩnh hội những gì mà thầy Ân viết, đã chia sẻ.
Đặc biệt, lúc bấy giờ, chúng tôi đã tin tưởng vào những lời đề tựa, những lời cảm nhận được đặt trang trọng ngay ở các trang đầu của cuốn sách qua phần thể hiện của các thầy Nguyễn Vinh Hiển, thầy Đặng Quốc Bảo, thầy Đặng Tự Ân…
Trong quyển "Mô hình Trường học mới Việt Nam nhìn từ góc độ thực tiễn và lí luận", thầy Đặng Tự Ân đã viết những lời đề tặng như sau:
“Cuốn sách này dành tặng cho Gia Nguyên, Gia Khánh, Harry Phúc Anh và Chelsea Tâm Anh, các cháu yêu quý của tôi.
Các cháu sẽ thực sự hạnh phúc khi được học tập và phát triển trong những Nhà trường đổi mới”.
Còn trong Lời giới thiệu ở đầu cuốn sách này thì được thầy Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ đã viết lời giới thiệu, trong đó có đoạn:
“Mô hình Trường học mới Việt Nam phù hợp với điều kiện và năng lực đội ngũ giáo viên, thiết bị giáo dục của hầu hết các trường học Việt Nam.
Đồng thời có nhiều giải pháp thu hút các gia đình và cộng đồng tích cực tham gia cùng nhà trường thực hiện chức năng giáo dục.
Chương trình mới sao chép VNEN thì thà giữ chương trình cũ còn hơn |
Chỉ sau 3 năm thử nghiệm và triển khai, mô hình Trường học mới Việt Nam đã được đón nhận tích cực, hào hứng và ngày càng nhân rộng ở cấp Tiểu học, đã xuất hiện nhu cầu phát triển lên Trung học cơ sở…”. [1]
Đối với cuốn Mô hình Trường học mới tại Việt Nam Hỏi-Đáp của thầy Đặng Tự Ân cũng được trình bày khá trang trọng.
Ngay những trang đầu đã có lời đề tựa của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo như sau, chúng tôi xin trích dẫn 1 đoạn:
“Trong tiến trình hội nhập Quốc tế những năm đầu của thế kỷ XXI, giáo dục Việt Nam làm quen với nhiều quan điểm: Nhà trường thân thiện, Nhà trường mới, Nhà trường tư duy…
Tuy nhiên, mới có hai mô hình Trường học thân thiện và Trường học mới được hiện thực hóa vào thực tiễn nước ta.
Mô hình Trường học mới không chỉ dừng lại ở ý tưởng và quan điểm mà đã có những lát cắt sâu vào tổ chức dạy học…”. [2]
Phải nói rằng cả 2 cuốn sách của tác giả Đặng Tự Ân đã trình bày khá công phu và đẹp mắt được nhiều người có địa vị, uy tín đề tặng cùng những lời chia sẻ của tác giả cũng như nội dung cuốn sách trình bày khiến ai đọc cũng nghĩ đến một tương lai vô cùng tươi sáng của chương trình VNEN.
Đặc biệt, khi Ngân hàng thế giới công bố bản đánh giá tác động của VNEN ở Việt Nam thì nội dung bản đánh giá cũng đã dành phần lớn để đánh giá và nêu lên những thuận lợi, ưu điểm của chương trình VNEN.
Chương trình, sách giáo khoa mới đang đi theo vết xe đổ VNEN? |
Ngay sau khi có bản đánh giá tác động của Ngân hàng thế giới, thầy Đặng Tự Ân cũng đã có bài viết "Nguyên Chuyên gia trưởng VNEN nhận xét gì về báo cáo của Ngân hàng Thế giới?" đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trong phần cuối bài báo, mục “Đôi điều suy nghĩ của cá nhân”, thầy Ân đã viết:
“Theo tôi, VNEN chỉ cung cấp một mô hình cụ thể, chúng ta đã tiếp thu mô hình ấy theo tinh thần tiếp tục vận dụng phù hợp, sáng tạo với thực tiễn Việt Nam và đã rút ra được bài học (cả thành công và chưa thành công) trong quá trình triển khai VNEN.
Ngành Giáo dục cần chủ động bắt tay ngay vào việc này, không nên để lãng phí những gì đã đạt được, do công sức của bao người, để rồi đến lúc nào đó lại phải làm lại từ đầu.
Hoặc là chúng ta sẽ làm thay đổi thế hệ trẻ Việt Nam, để hội nhập vào sự phát triển của thế giới, theo Nghị quyết 29 của Trung ương và Nghị quyết 88 của Quốc hội;
Hoặc là trì hoãn hay làm chậm các bước đi đổi mới sẽ có lỗi lớn với thế hệ trẻ và rộng hơn là đất nước Việt Nam, sự lựa chọn phụ thuộc vào thái độ và hành động của mỗi chúng ta!”. [3]
Thế nhưng, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều ý kiến của các nhà khoa học và thầy cô giáo còn băn khoăn về tính xác thực của bản đánh giá từ Ngân hàng thế giới?
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không có những ý kiến chính thức về vấn đề này.
Vẫn là một vài ý kiến của các thầy trong ban dự án như thầy Đặng Tự Ân lên tiếng bảo vệ tính ưu việt của VNEN rồi tất cả đã rơi vào quên lãng trong im lặng.
Ngành giáo dục lại đang chuẩn bị để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới và đã thông qua chương trình tổng thể, chương trình môn học.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những môn học mới, những định hướng về phương pháp, cách triển khai nội dung chương trình mới có hình ảnh của VNEN và nó đã đang dần được rõ nét hơn.
Vì thế mà chúng tôi lại bắt đầu sợ hãi…
Sự sợ hãi không phải là những khó khăn khi phải tiếp cận để giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới bởi giáo viên chúng tôi đã quá quen thuộc với những lần thay sách, đã quá quen thuộc với những đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn.
Chính vì lẽ đó mà chúng tôi sợ chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được triển khai và tiếp cận theo VNEN.
Nhưng, lần thay đổi này không chỉ là “thử nghiệm” như VNEN ở một số trường nhất định mà đã áp dụng đại trà trong phạm vi cả nước.
Sự im lặng sau khi Dự án VNEN kết thúc quả là một điều khiến những ai đã và đang quan tâm đến giáo dục nước nhà phải nghĩ suy và đặt ra nhiều câu hỏi.
Vì sao một Dự án được triển khai rầm rộ và được lãnh đạo Bộ, những người thực hiện dự án kỳ vọng như vậy mà lại bị “chết yểu” sau một thời gian ngắn triển khai?
Câu trả lời dành cho những người có trách nhiệm, còn giáo viên chúng tôi lại đã bắt đầu lo lắng cho chương trình, sách giáo khoa mới bởi nó cũng đang được rất nhiều người kì vọng…!
Tài liệu tham khảo:
[1] Mô hình Trường học mới Việt Nam nhìn từ góc độ thực tiễn và lí luận- Đặng Tự Ân, Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 5/ 2016.
[2] Mô hình Trường học mới tại Việt Nam Hỏi-Đáp- Đặng Tự Ân, Nhà xuất bản Giáo dục, tháng 6/ 2014.