Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học với 6 tiêu chuẩn và 26 tiêu chí.
Được biết, Chuẩn cơ sở giáo dục đại học này được sử dụng làm cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường.
Quy định về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ có hợp lý?
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đánh giá cao khâu chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi Thông tư này sẽ là căn cứ cho việc kiểm tra, giám sát của Bộ được chặt chẽ, sát sao hơn với các trường.
Điểm mới nhất là tất cả dữ liệu về giáo dục đại học được quản lý chung bởi hệ thống HEMIS nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt hơn việc quản lý cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học và tăng tính minh bạch trong việc thực hiện nhiệm vụ ở các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian, thầy Đức cho rằng, tiêu chuẩn này là phù hợp với thực trạng nước ta hiện nay.
Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong tiết học (Nguồn: Website nhà trường). |
Nếu nhìn vào tỉ lệ trung bình của cả nước, tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ của nước ta đang ở mức xấp xỉ 30%. Hơn nữa, tỉ lệ này tại nhiều cơ sở giáo dục đại học đã vượt xa so với mức 30%. Đơn cử như Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế có tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt 47,3%, và trung bình một năm trường có khoảng 10 – 15 giảng viên bảo vệ thành công bậc tiến sĩ.
“Theo tôi được biết, một số trường trên thế giới còn yêu cầu giảng viên dù đào tạo bậc cử nhân cũng phải là tiến sĩ. Trong dự thảo cũng nêu, đối với các trường chưa đào tạo tiến sĩ, cần đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25%, như vậy mức yêu cầu này còn đang thấp hơn mức trung bình số lượng giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ của nước ta.
Do vậy, tôi nghĩ rằng, tiêu chí về giảng viên có trình độ tiến sĩ trong dự thảo này là phù hợp và cũng không quá nặng với các trường", thầy Đức chia sẻ.
Việc nâng cao số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ: đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù; đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% riêng đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ theo dự thảo này cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho rằng, Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 về Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian là không khả thi.
Theo thầy Luyến, việc đưa ra Thông tư về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo là việc làm cần thiết, nhằm có cơ sở để đánh giá, xếp hạng, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy.
Tuy nhiên, trong dự thảo mới chỉ phân ra là trường đào tạo tiến sĩ và trường đào tạo không tiến sĩ.
Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học của nước ta hiện ta hiện nay đang được quy hoạch theo đào tạo là nghiên cứu, ứng dụng, thực hành (theo quy định hiện hành).
Đây là các loại hình có đặc tính khác nhau nên nếu xếp chung cùng một thang đo sẽ có độ vênh và khó đánh giá được chính xác, thỏa đáng.
Bởi, các trường đại học đào tạo theo định hướng nghiên cứu thường chú trọng, tập trung vào đào tạo sau đại học, các nghiên cứu khoa học, vận dụng kết quả nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học để tăng thu,…
Còn các trường theo định hướng ứng dụng, thực hành lại cần những người có kinh nghiệm thực tế, vận dụng áp dụng vào máy móc, có các thành tựu khoa học kỹ thuật áp dụng được vào đời sống,…
Do vậy, tiêu chí về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng cần được phân chia giữa các trường đào tạo theo định hướng nghiên cứu (tỉ lệ có giảng viên trình độ tiến sĩ cao) với các các cơ sở có loại hình đào tạo khác.
“Việc phân chia như vậy là chưa khoa học và không phù hợp với thực tế. Có cơ sở có đào tạo tiến sĩ nhưng 1 năm chỉ đào tạo ra vài tiến sĩ mà quy định yêu cầu cần đến 50% giảng viên là tiến sĩ là không khả thi, khó vận dụng và tốn nhiều chi phí.
Hơn nữa, việc đào tạo ra được một tiến sĩ chất lượng vốn không phải dễ dàng, có khi phải 5 – 7 năm. Do đó, nên điều chỉnh lại tỉ lệ cho hợp lý và nếu được, nên cụ thể hóa ra tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ trên đầu nghiên cứu sinh sẽ tốt hơn”, thầy Luyến bày tỏ quan điểm.
Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) (Ảnh: NVCC). |
Tương tự, theo thầy Luyến, ở Tiêu chuẩn 6 về nghiên cứu đổi mới sáng tạo, các tiêu chí về hoạt động khoa học – công nghệ, số lượng công bố khoa học chưa phân rõ ra với trường đào tạo theo các định hướng khác nhau phải đăng ở tạp chí lĩnh vực nào cho phù hợp với đặc tính của trường.
Nhiều tiêu chí chưa cụ thể, chưa hợp lý cần phải xem xét lại
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức cho biết, dự thảo có một số vấn đề nên xem xét lại để tạo thuận lợi hơn cho các trường cũng như cho việc thanh kiểm tra đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trước hết, trong khoản 1, Điều 5 về Đánh giá và báo cáo thực hiện Chuẩn của dự thảo có nêu: “Hằng năm, cơ sở đào tạo tiến hành đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí và lập báo cáo thực hiện Chuẩn cho năm trước liền kề (năm báo cáo) theo mẫu tại Phụ lục III, hoàn thành gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/04. Báo cáo thực hiện Chuẩn phải được lập riêng cho phân hiệu không nằm trong tỉnh, thành phố giáp ranh với tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính. Thời điểm lấy số liệu thống kê là ngày 31/12 của năm báo cáo”.
Thế nhưng, việc thẩm định báo cáo này chưa thấy được nêu sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập nhóm chuyên gia để thẩm định hay giao cho các cơ quan độc lập thực hiện.
Hơn nữa, chúng ta đã có Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, do vậy, nên chăng là tích hợp 2 nội dung này vào 1 để vừa tránh sự trùng lặp trong công tác kiểm tra, đánh giá vừa tạo thuận lợi cho các trường, tránh để khối lượng công việc quá nặng khi vừa phải lo kiểm định chất lượng vừa phải lo làm báo cáo Chuẩn cơ sở mỗi năm.
Và nếu thực hiện đánh giá Chuẩn cơ sở giáo dục đại học như vậy cũng cần phải có lộ trình dài để thực hiện như 3 - 5 năm/lần bởi có nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất, tài chính rất khó cải thiện trong chu kỳ 1 năm nếu chưa đạt được theo quy định.
Mặt khác tại tiêu chí 3.3 của dự thảo nêu “Tất cả chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật và đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo” cần có lộ trình thực hiện, nhất là đối với việc đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo vì đối với các trường có nhiều chương trình đào tạo như Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế đang có hơn 40 chương trình là rất khó khăn và tốn nguồn lực.
Ở Tiêu chí 3.1 của dự thảo, diện tích đất trên một sinh viên chính quy, quy chuẩn theo trình độ, lĩnh vực đào tạo và vị trí khuôn viên, không nhỏ hơn 25 mét vuông đối với cơ sở đào tạo và phân hiệu (nếu có).
Thầy Đức cho hay, đối với các trường khối nông lâm như Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế vốn có diện tích lớn nên không gặp khó khăn, nhưng với những cơ sở thuộc khu vực nội thành các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, vốn có diện tích hạn chế sẽ gặp vướng mắc với tiêu chí này.
Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến cũng cho rằng, việc quy định diện tích đất trên một sinh viên như vậy sẽ khiến các cơ sở giáo dục đại học trong nội thành khó có thể đạt được tiêu chuẩn này.
Không những vậy, hiện nay, trong xu hướng đào tạo online, nhiều cơ sở đang lựa chọn đào tạo theo hình thức online kể cả đào tạo chính quy, nên việc quy định diện tích đất/sinh viên càng bất hợp lý.
Vậy nên, việc quy định diện tích đất cũng cần xem xét phân chia theo hình thức đào tạo của các trường như đào tạo truyền thống, đào tạo online hay đào tạo kết hợp cho phù hợp hơn.
Ngoài ra, một số tiêu chí thầy Luyến cho rằng không cần thiết trong dự thảo như ở Tiêu chuẩn 3, Tiêu chí 3.5 quy định về số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên một ngàn sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên một ngàn sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps.
Bởi với sự phát triển của công nghệ thông tin là ngày càng mạnh, chúng ta khó có thể “chạy” theo kịp, do đó, không nên đưa ra quy định như vậy.
Hơn nữa, hầu như sinh viên hiện nay số đông dùng máy tính cá nhân cũng rất nhiều nên việc quy định hạn chế số lượng như vậy là không cần thiết.
Cũng theo thầy Luyến, cần xem xét lại Tiêu chuẩn 5, Tiêu chí 5.2, tỉ lệ thôi học, được xác định bằng tỉ lệ sinh viên thôi học tại trường hằng năm mà chưa tốt nghiệp, không quá 10% đối với toàn cơ sở đào tạo và 15% đối với sinh viên sau năm thứ nhất.
Vì nhiều trường có thể do muốn đạt chuẩn nên dẫn tới “dễ dãi” trong đào tạo. Và việc làm này là mẫu thuẫn với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục, làm lỏng “chất lượng” mà chúng ta đang xây dựng.