Tiết lộ của Giáo sư Phạm Hồng Tung về ban phát triển chương trình phổ thông mới

16/11/2020 13:13
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Phạm Hồng Tung cho biết, trong suốt quá trình tham gia xây dựng chương trình từ khi bắt đầu đến bây giờ thì tâm lý luôn thường trực của ông là lo sợ.

Tại Diễn đàn giáo dục Vietnam Educamp năm 2020 với chủ đề “giáo dục bền vững trong kỷ nguyên số” diễn ra ngày 14/11, Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) có chia sẻ về quá trình tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và phụ trách xây dựng chương trình giáo dục môn Lịch sử.

Giáo sư Phạm Hồng Tung cho biết, trong suốt quá trình tham gia xây dựng chương trình từ khi bắt tay vào làm đến bây giờ thì tâm lý luôn thường trực của ông là cảm giác lo sợ.

“Sợ những kỳ vọng, tâm huyết, những điều mình làm không phù hợp với thực tiễn và không đi vào được cuộc sống. Và thực tế đến nay, có những lo sợ đã xảy ra và cũng có những niềm tin thành hiện thực”, Giáo sư Phạm Hồng Tung nói.

Giáo sư Phạm Hồng Tung (nguồn ảnh: http://ussh.vnu.edu.vn/)

Giáo sư Phạm Hồng Tung

(nguồn ảnh: http://ussh.vnu.edu.vn/)

Giáo sư Phạm Hồng Tung cũng thừa nhận, tất cả 18 thành viên trong ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đứng đầu đều là những người làm chuyên môn cụ thể ở các lĩnh vực khác nhau song không có ai là nhà phát triển chương trình chuyên nghiệp.

Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, trong khi các nước trên thế giới thì công việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông, chương trình đại học, sau đại học cho đến chương trình từng môn học thì đều có một đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện.

Họ ăn lương và làm việc đó (tức xây dựng chương trình – PV) cả đời còn chuyên môn cụ thể như toán, sử… có tác dụng làm background giúp ích cho họ mà thôi. Còn công việc chuyên nghiệp của họ là nhà khoa học giáo dục chuyên phát triển chương trình”, ông Tung nhấn mạnh.

Ý thức được rằng mình không chuyên nghiệp trong xây dựng, phát triển chương trình nên buộc các tác giả như Giáo sư Phạm Hồng Tung phải nghiên cứu, tìm hiểu xem nước ngoài họ làm ra sao, những người đi trước ở Việt Nam họ làm thế nào, thậm chí cố gắng kết nối với học trò ở nhiều nơi để hiểu được những vấn đề của giáo dục phổ thông hiện nay như thế nào?

“Vì hiện nay không có sự lựa chọn khác nên cách làm của chúng tôi có thể chấp nhận được nhưng trong tương lai thì chúng ta cần có đội ngũ phát triển chương trình chuyên nghiệp thì mới đáp ứng được nhu cầu phát triển”, ông Tung nói.

Ngoài ra, Giáo sư Phạm Hồng Tung cũng cho biết, khi thiết kế yêu cầu cần đạt, chuẩn đầu ra chương trình mỗi môn học, dù luôn pải so sánh với các nước phát triển và các nước có điều kiện phát triển gần tương tự với Việt Nam nhưng nhóm biên soạn chịu áp lực rất lớn phải giảm tải kiến thức.

Có những thầy cô môn Vật Lý, Toán… rơi nước mắt vì nhiều kiến thức đã “vạc” đến tận xương không thể “vạc” thêm được nữa.

“Một nguyên tắc chung là đất nước ta đang tụt hậu rất xa, có thu hẹp được khoảng cách tụt hậu đó hay không thì phụ thuộc tuyệt đối vào chất lượng nguồn nhân lực. Mình muốn đi nhanh, đi giỏi, đi bền vững hơn người ta mà mình lại muốn học ít hơn thì đến Tôn Ngộ Không cũng không làm được” - Giáo sư Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.

Linh Hương