Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản phê phán hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

12/06/2015 06:38
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Trung Quốc không ăn ở tốt với tất cả các nước láng giềng; Nhật Bản có thể thực hiện quyền tự vệ tập thể ở Biển Đông nếu phù hợp 3 điều kiện mới.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 11 tháng 6 đưa tin, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản ngày 10 tháng 6 thông qua nghị quyết, lên án Trung Quốc lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản thúc giục Trung Quốc giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.

Báo Đảng Trung Quốc tức tối cho rằng gọi đây là hành động "gây sự" tiếp theo của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, sau khi Nhật Bản cố gắng "nhét" vấn đề Biển Đông vào Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa qua.

Bài báo dẫn lời nhà nghiên cứu Canh Hân tuyên truyền cho rằng, Nhật Bản có ý đồ dựa vào vấn đề Biển Đông, tạo ra hình tượng giả "Trung Quốc không ăn ở tốt với tất cả các nước láng giềng", từ đó tạo ra dư luận có lợi cho Nhật Bản trong tranh chấp biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Báo Trung Quốc nói như vậy, nhưng sự thực lại đúng như "ý đồ" của Nhật Bản. Trung Quốc càng mạnh, càng thấy gia tăng răn đe, xâm phạm, bành trướng lãnh thổ với tất cả các nước láng giềng. Mâu thuẫn, xung đột không chỉ nổi lên ở Biển Đông, mà còn nổi lên ở biển Hoa Đông, ở biên giới Trung-Ấn, Trung Quốc-Myanmar v.v... - PV.

Philippines chỉ thẳng mặt Trung Quốc: Cảnh sát biển Trung Quốc là bọn "cướp có vũ trang" ở Biển Đông
Philippines chỉ thẳng mặt Trung Quốc: Cảnh sát biển Trung Quốc là bọn "cướp có vũ trang" ở Biển Đông

Hãng tin Kyodo, Nhật Bản cho rằng, Ủy ban đối ngoại của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) cầm quyền Nhật Bản sáng ngày 10 tháng 6 tổ chức hội nghị, đã thông qua nghị quyết lên án hành động lấn biển xây đảo (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nghị quyết này tuyên bố: "Không thể bàng quan trước việc Trung Quốc công khai cho biết lấn biển xây đảo là xuất phát từ mục đích quân sự, không thể không cảm thấy thực sự lo ngại", Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nghị quyết còn tuyên bố: "Điều này cũng giống như tình hình ở đảo Senkaku trên biển Hoa Đông". Trong cùng một nghị quyết, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) còn chính thức quyết định, tăng cường tuyên truyền ra bên ngoài lập trường của Chính phủ Nhật Bản về luật bảo đảm an ninh mới, sẽ viết kinh phí đối sách vào ngân sách năm tài khóa 2016.

Theo mạng Japan News Network Nhật Bản, Ủy ban đối ngoại Đảng Tự do Dân chủ (LDP) sẽ trình nghị quyết này lên nội các của ông Shinzo Abe trong thời gian tới, yêu cầu Chính phủ thông qua con đường ngoại giao triển khai giao thiệp với Chính phủ Trung Quốc.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản và Philippines tiến hành diễn tập chống cướp biển ở vịnh Manila ngày 6 tháng 5 năm 2015

Nhà nghiên cứu Ngô Hoài Trung của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 10 tháng 6 dị nghị cho rằng, không những trong vấn đề Biển Đông, trong vấn đề đảo Senkaku và trong vấn đề lịch sử, ông Shinzo Abe đều "lạm dụng" ngoại giao chính đảng, thay mình để lên tiếng.

Ở cấp độ ngoại giao nhà nước, mặc dù nghị quyết của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) không phải là văn kiện chính phủ, hiệu lực hoàn toàn không lớn.

Nhưng xét tới Đảng Tự do Dân chủ (LDP) là đảng cầm quyền, ông Shinzo Abe là Chủ tịch Đảng, rất rõ ràng, điều này đã phản ánh ý đồ kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Shinzo Abe;

thông qua chính đảng để nói với Trung Quốc rằng, nội bộ Nhật Bản có những tiếng nói bất mãn với Trung Quốc, qua đó “cò kè mặc cả” với Trung Quốc.

Theo tuyên truyền của báo Đảng Trung Quốc, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) ra sức thổi phồng "mối đe dọa Trung Quốc ở Biển Đông", là để tìm cớ cho sửa đổi Luật bảo đảm an ninh gặp khó khăn.

Nội bộ Nhật Bản đang nổi lên cuộc thảo luận lớn về việc luật bảo đảm an ninh mới "vi Hiến", làm cho Đảng Tự do Dân chủ (LDP) rất bị động.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản, tại Ủy ban đặc biệt pháp chế an ninh hòa bình của Hạ viện Nhật Bản tổ chức vào ngày 5 tháng 6, nghị sĩ Đảng Dân chủ Akihisa Nagashima chất vấn: "Tranh chấp Biển Đông phải chăng áp dụng điều kiện thực hiện quyền tự vệ tập thể?".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết: "Nếu phù hợp 3 điều kiện mới thực hiện quyền tự vệ tập thể, về pháp lý là có khả năng".

Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho rằng, sự đối lập ở Biển Đông giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc càng gay gắt, Nhật Bản ứng phó thế nào với vấn đề này sẽ gây ra sự chú ý cho các bên.

Trong thảo luận ở Quốc hội về dự luật bảo đảm an ninh mới, Chính phủ Nhật Bản gợi ý, coi vấn đề Biển Đông là đối tượng của "tình trạng ảnh hưởng quan trọng", giữ lại khả năng Lực lượng Phòng vệ triển khai bảo vệ tàu thuyền của Quân đội Mỹ và hoạt động cảnh giới, giám sát.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Canh Hân dùng từ ngữ nhục mạ thậm tệ để đưa ra bình luận sặc mùi đố kị, cho rằng, Nhật Bản gần đây thổi phồng vấn đề Biển Đông, một là muốn “bợ đỡ mông đít” người Mỹ, phối hợp với chính sách của Mỹ ở châu Á, nhằm đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ trong các vấn đề như Nhật Bản sửa đổi luật bảo đảm an ninh và nhận thức lịch sử.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Đồng thời, Nhật Bản còn muốn dựa vào vấn đề Biển Đông để cho quân nhân, chi tiêu quân sự và trang bị quân sự của Nhật Bản vươn ra bên ngoài, thực hiện mục tiêu "nước lớn chính trị", đồng thời có ý đồ nhấn mạnh sự hiện diện ở các nước Đông Nam Á, "cướp đoạt" lấy vai trò ảnh hưởng.

Bài báo dẫn lời phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 10 tháng 6 nói xằng nói bậy về chủ quyền quần đảo Trường Sa và các hoạt động bất hợp pháp của nó ở đây.

Nó vẫn tuyên truyền là việc xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là thuộc phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc, là “hợp tình, hợp lý, hợp pháp”. Và nó còn tuyên truyền rằng, mục đích chủ yếu là cung cấp "dịch vụ công ích quốc tế, thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của Trung Quốc".

Nhưng nó quên rằng, chẳng ai ngu mà nghe lời Trung Quốc. Thực chất, Trung Quốc đang dùng mọi lời nói và hành động nhằm "qua mặt" thiên hạ, áp đặt yêu sách tham lam, bành trướng, lố bịch, bất hợp pháp mang tên "đường lưỡi bò" cho Việt Nam và cộng đồng quốc tế - PV.

Nhưng nó sẽ không đạt được mục đích đen tối của mình, không có kẻ cướp nào mà lại có thể "cung cấp dịch vụ công ích" và "gánh vác trách nhiệm quốc tế" được. Kẻ thực dân kiểu mới dùng chiến thuật "gặm nhấm dần dần" hay có người gọi là "tằm ăn dâu", "lát xắt xúc xích" cuối cùng sẽ nếm mùi thất bại, sẽ nuốt quả đắng. Không ai chấp nhận được loại bành trướng này - PV.

Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá quy mô lớn ở Biển Đông
Tháng 8 năm 2014, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá quy mô lớn ở Biển Đông

Báo Đảng Trung Quốc còn cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng Tự do Dân chủ (LDP) thông qua nghị quyết nhằm vào Trung Quốc. Tháng 5 năm 2014, máy bay trinh sát Lực lượng Phòng vệ đã không e ngại đến Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra.

Bài báo cho rằng, máy bay này đã trinh sát, quấy nhiễu khi Hải quân Trung Quốc và Nga tiến hành diễn tập quân sự liên hợp trên biển, Trung Quốc đã điều máy bay quân sự bay lên đánh chặn.

Khi đó, Đảng Tự do Dân chủ (LDP) đã thông qua một "nghị quyết phản đối", tuyên bố, yêu cầu Trung Quốc "kiềm chế hành vi của mình", đồng thời đề xuất Chính phủ Nhật Bản cần tăng cường hoạt động "cảnh giới, giám sát".

Đảng Tự do Dân chủ (LDP) trước đó cũng từng ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc huỷ bỏ Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông. 

Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)