Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La không cho phép Trường Tô Hiệu cắt đất cho thuê

30/09/2018 07:26
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La khẳng định, Sở không cho phép Trường Tô Hiệu cho thuê đất làm bãi gửi xe nhằm mục đích kiếm tiền của học sinh.

Như Báo điện tử Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, Trường trung học phổ thông Tô Hiệu (tỉnh Sơn La) cắt đất làm bãi gửi xe kiếm tiền học sinh khiến không ít phụ huynh bức xúc.

Ngày 28/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Tiến Đức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La khẳng định: “Sở không cho phép Trường Tô Hiệu cho thuê đất của trường làm nhà trông giữ xe với mục đích thu tiền gửi xe của học sinh”.

Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La không cho phép Trường Tô Hiệu cắt đất cho thuê ảnh 1Trường phổ thông Tô Hiệu cắt đất làm bãi gửi xe kiếm tiền từ học sinh

Trong khi đó, ông Phan Ngọc Sơn – Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Khi có phản ánh chúng tôi sẽ vào cuộc làm rõ. Về mặt quy trình, nhà trường muốn cho thuê đất hay làm gì đó liên quan đến tài sản công phải có đề án trình lên Sở Giáo dục và Đào tạo.

Khi đó, căn cứ vào các văn bản hướng dẫn, quy định pháp luật Sở sẽ phê duyệt. Tuy nhiên, cấp phê duyệt cuối cùng vẫn là Sở Tài chính”.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, nhiều phụ huynh và giáo viên Trường trung học phổ thông Tô Hiệu phản ánh, để chuẩn bị cho năm học 2018-2019, nhà trường cho thuê đất “xã hội hóa” làm 2 nhà để xe cho học sinh có thu phí.

Thời điểm chưa bước vào năm học mới, nhà trường dựng khung sắt, làm mái che 2 nhà xe mới, không ít phụ huynh nghĩ là trường làm để phục vụ chỗ để xe miễn phí cho học sinh, nhưng thực tế nhà trường cho thuê đất để người ngoài vào đầu tư làm nhà xe nhằm mục đích thu tiền gửi xe của học sinh.

Nhà xe sử dụng tiền ngân sách của Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu không cho học sinh để xe mà buộc học sinh gửi xe tại 2 nhà xe "xã hội hóa" có thu phí gửi xe. Ảnh: NVCC.
Nhà xe sử dụng tiền ngân sách của Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu không cho học sinh để xe mà buộc học sinh gửi xe tại 2 nhà xe "xã hội hóa" có thu phí gửi xe. Ảnh: NVCC. 

Đầu năm học nhà trường đã thu 9 tháng tiền trông giữ phương tiện giao thông của học sinh. Cụ thể, đối với xe máy điện nhà trường thu 50.000 đồng/xe/tháng, cả năm học (9 tháng) là 450.000 đồng, còn xe đạp là 25.000 đồng/xe, cả năm là 225.000 đồng.

Trường hợp học sinh không gửi xe theo tháng, gửi xe theo lượt sẽ cao hơn.

Ngoài vấn đề gửi xe, một số phụ huynh Trường trung học phổ thông Tô Hiệu còn bức xúc trước việc nhiều năm nay nhà trường cũng cắt đất cho người ngoài vào thuê đất làm 4 căng-tin trong nhà trường. Cảnh ăn quà vặt, tụ tập hút thuốc lào… rất phản cảm tại căng-tin khiến phụ huynh rất lo lắng và bất an.

Không ít bậc cha mẹ có con em theo học tại Trường trung học phổ thông Tô Hiệu bày tỏ sự khó hiểu trước việc nhà trường ngày càng “vẽ” ra nhiều dịch vụ, họ đang biến trường học thành nơi kinh doanh, kiếm tiền.

Lý giải về việc “cắt” đất cho thuê làm nhà trông giữ xe có thu phí trong trường, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tô Hiệu cho rằng, nhà xe trước của trường là nhà nước đầu tư nay làm chỗ để xe cho giáo viên và học sinh thuộc đối tượng chính sách.

Còn 2 nhà trông giữ xe mới là nhà trường cho một số cán bộ, giáo viên trong trường thuê đất để họ đầu tư làm chỗ gửi xe cho học sinh có thu phí.

Bà Thúy cho biết: “Nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên làm nhà trông giữ xe có thu phí chứ không cho người ngoài. Giáo viên trực tiếp đứng ra làm, sau đó họ thuê anh em, họ hàng, người ngoài trông giữ xe.

Nhà trường cho thuê 2 ô đất làm nhà trông giữ xe có giá 15 triệu đồng/năm. 2 ô đất này làm 2 nhà trông giữ xe có thể chứa khoảng 400 xe.

Về 4 căng-tin trong trường, bà Nguyễn Thị Minh Thúy thông tin: “Dịch vụ căng-tin ở sân sau thuộc khu B. Vì không có tiền đầu tư nên phần đất phía sau khu B vẫn để không, nên nhà trường cho thầy cô giáo thuê một phần đất làm căng-tin.

Cả 4 căng-tin đều là của các thầy cô trong trường làm, nhà trường cũng chỉ cho mượn đất. Mỗi căng-tin nhà trường cho thuê với giá 20 triệu đồng/năm. Việc này trường đã xin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La làm dịch vụ căng-tin và đã được chấp thuận”.

Một số khoản tiền nhà trường thu đầu năm học 2018-2019, nhiều phụ huynh phản ánh có một số khoản thu không hợp lý như quỹ phụ huynh, tiền gửi xe, máy lọc nước... Ảnh: NVCC.
Một số khoản tiền nhà trường thu đầu năm học 2018-2019, nhiều phụ huynh phản ánh có một số khoản thu không hợp lý như quỹ phụ huynh, tiền gửi xe, máy lọc nước... Ảnh: NVCC. 

Ngày 28/9, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con lớp 10 cũng bày tỏ sự bức xúc và khó hiểu trước một số khoản quỹ đầu năm nhà trường thu. Nhiều loại quỹ mà phụ huynh cũng không rõ họ sử dụng vào việc gì.  

Phụ huynh này cho biết: “Ngoài những khoản tiền đóng theo quy định như học phí, bảo hiểm y tế…phụ huynh cũng phải đóng một số khoản quỹ khác cũng khá nhiều tiền mà không biết họ thu có đúng quy định hay không.

Cụ thể như quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng/học sinh; quỹ lớp 100.000 đồng/học sinh, sổ liên lạc điện tử 100.000 đồng/học sinh; máy lọc nước 45.000 đồng/học sinh; tiền gửi xe 450.000 đồng/9 tháng/học sinh”.

Đáng nói, phụ huynh này cũng không hiểu khoản quỹ hội phụ huynh 500.000 đồng/học sinh như nhà trường giải thích là chia ra 300.000 đồng nộp cho trường, còn 200.000 đồng nộp cho ban đại điện cha mẹ học sinh lớp. Trong khi đó, quỹ lớp đã đóng 100.000 đồng một cháu.

Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La không cho phép Trường Tô Hiệu cắt đất cho thuê ảnh 5“Một ngàn lẻ một” kiểu lạm thu ở trường học (bài 1)

Phụ huynh này chia sẻ: “Họ nói số tiền quỹ trên để sử dụng vào việc khen thưởng cho các con có thành tích, rồi các hoạt động của nhà trường.

Về khoản tiền mua máy lọc nước, nhà trường phân tích mua máy lọc nước sẽ kinh tế hơn là mua bình nước cho các con uống trong suốt 3 năm học. Bởi vậy, phụ huynh đồng ý mua máy lọc nước.

Còn trường mua máy lọc nước chung cho cả trường hay mua từng lớp chúng tôi cũng chưa rõ”.

Đáng chú ý, không ít phụ huynh cũng cho rằng, khoản tiền sổ liên lạc điện tử nhà trường thu mỗi học sinh 100.000 đồng/năm là không cần thiết đối với học sinh cấp 3.

Thực tế, sổ liên lạc điện tử thiết thực với các con học mầm non, cấp 1, cấp 2, còn cấp 3 các con đã lớn. Hơn nữa, một năm nhà trường không nhắn được mấy tin nhắn cho phụ huynh.

Với hơn 1500 học sinh, tính ra mỗi năm phụ huynh phải chi tiền sổ liên lạc điện tử hơn 150 triệu đồng là rất lãng phí.

Vũ Phương