Nếu đợi đến nghỉ hưu có thể chúng tôi sẽ gục trên bục giảng

09/12/2019 06:18
Đỗ Quyên
(GDVN) - Thôi cũng là cái “nợ” đồng lần. Giờ mình giúp các thầy cô dạy, sau đám trẻ sẽ lại giúp mình và cứ thế chứ biết phải làm sao?

Tâm sự nhói lòng của không ít thầy cô giáo khi nghe tin Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi).

Đa phần giáo viên khi lớn tuổi sẽ không còn sức hút đối với học trò (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

                   Đa phần giáo viên khi lớn tuổi sẽ không còn sức hút đối với học trò (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Mới 52 tuổi thầy đã xỉu trên bục giảng

Lâu ngày, gặp lại đồng nghiệp cũ tôi không tin vào mắt mình khi thấy thầy K. lại trong hình hài ốm yếu, còm nhom như vậy.

Thầy K. nói mình đang làm hồ sơ để xin về chế độ một lần vì “Hết sức rồi em ạ.

Ráng dạy để nhận cái sổ hưu như bao người nhưng như thế chỉ làm khổ mình, làm khổ học sinh mà có khi chưa cầm được sổ huu mình đã chết gục trên bục giảng lúc nào ấy chứ”.

Thầy bị tiểu đường, thường xuyên bị viêm phổi (căn bệnh gần như phổ biến của giáo viên khi về già vì nói nhiều và hít bụi phấn). Một số đồng nghiệp cho biết có lần đang dạy, thầy đã xỉu ngay trên bục giảng vì kiệt sức.

Nếu đợi đến nghỉ hưu có thể chúng tôi sẽ gục trên bục giảng ảnh 2
Thôi rồi, ông giáo ơi!

Gắng gượng hết lần này đến lần khác để mong đủ tuổi nhận lấy cuốn sổ hưu cho tuổi già còn chỗ dựa nhưng có lẽ chẳng thể được nữa rồi.

Thầy đành chấp nhận, 53 tuổi chỉ về chế độ một lần quả là thiệt thòi cho bao nhiêu năm trời cống hiến cho ngành.

Thế nhưng không về chế độ một lần thì đợi sao đến hưu khi còn tới gần 10 năm nữa trong khi lúc này nhìn thầy đã thấy sức cùng lực kiệt?

Cô phải vịn cầu thang

Có lẽ nghề giáo luôn đứng và đi lại nhiều nên không ít thầy cô giáo mới bước vào tuổi 50 đã bị bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Ai mắc bệnh này cũng rất khó khăn cho việc đi lại. Vì thế lên lớp là phần lớn giáo viên chỉ ngồi một chỗ giảng bài.

Nếu như cách dạy học trước đây thiên về thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép thì vẫn chấp nhận được.

Nhưng cách dạy sau này phát huy tính tích cực của học sinh, học sinh là trung tâm còn giáo viên chỉ đóng vai trò người quan sát, hỗ trợ thì thầy cô chỉ ngồi dạy một chỗ, sẽ ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu dạy học cần đạt.

Nếu đợi đến nghỉ hưu có thể chúng tôi sẽ gục trên bục giảng ảnh 3
Chúng tôi đã bật khóc khi biết tuổi hưu tăng lên 60

Nhưng nếu không ngồi giảng, những giáo viên lớn tuổi bị bệnh suy giãn tĩnh mạch như cô L. phải làm thế nào?

Nhìn cô nặng nhọc bước chân lên cầu thang, tay vịn cầu thang lê từng bước một chúng tôi đã thấy ái ngại.

Một số giáo viên thường giúp cô việc này. Vào lớp, cô chỉ cố định ngồi một chỗ. Khi cần chấm bài gọi học sinh mang vở lên. Muốn kiểm tra em nào cũng ngồi gọi em ấy.

Nhiều bài giảng cô còn không thể đứng lên giảng bằng bảng mà cũng chỉ giảng ngồi.

Giáo viên hiểu và cảm thông nên cũng chẳng ai có ý kiến. Nhà trường cũng linh động không xếp cô làm chủ nhiệm mà chỉ dạy mỗi lớp vài tiết.

Bài nào cô dạy được thì thôi, dạy chưa đạt thầy cô giáo chủ nhiệm như chúng tôi sẽ dạy lại cho học trò.

Ai cũng hiểu giai đoạn này cô cần được nghỉ ngơi nhưng tuổi hưu chưa đủ phải cố gắng kéo dài vài năm. Nếu nghỉ dạy lúc này cô cũng chỉ phải về một lần hoặc về chế độ hưu non thì lương hưu thấp lắm.

Nhìn thầy, nhìn cô…chúng tôi cứ nói với nhau đó là hình ảnh của mình ít năm nữa. Nhưng nỗi lo còn nặng gấp nhiều lần vì bây giờ đang về hưu đúng tuổi (nam 60 nữ 55) nhưng sắp tới đây sẽ là (62 và 60) mình còn tệ hơn thế.

Thôi cũng là cái “nợ” đồng lần. Giờ mình giúp các thầy cô dạy, sau đám trẻ sẽ lại giúp mình và cứ thế chứ biết phải làm sao?

Đỗ Quyên