Nhật Bản mua máy bay Mỹ đối phó chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Trung Quốc

28/06/2015 05:00
Việt Dũng (nguồn Tin tức Trung Quốc)
(GDVN) - Nhật Bản mua 3 loại máy bay của Mỹ là tăng cường "năng lực phòng vệ động thái" và năng lực tác chiến liên hợp với Mỹ đối phó Trung Quốc xâm lược đảo Senkaku.
Tàu sân bay Izumo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Chiếc thứ hai của loại tàu này đang thành hình
Tàu sân bay Izumo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Chiếc thứ hai của loại tàu này đang thành hình

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 27 tháng 6 đưa tin, mặc dù quan hệ Trung-Nhật gần đây dịu đi, nhưng đường lối xây dựng quân đội hiện nay của Nhật Bản vẫn được định hướng bởi "nguy cơ xảy ra xung đột ở hướng tây nam" (với Trung Quốc).

Theo tờ "Tình hình hàng không" Nhật Bản, chính quyền Shinzo Abe đã xác định mua 17 máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey và 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye, đồng thời cân nhắc nhập khẩu 3 máy bay trinh sát không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo, mục đích là nâng cao "năng lực phòng vệ động thái" khi ở hướng tây nam xảy ra xung đột.

Ở đây "năng lực phòng vệ động thái" được Nhật Bản định nghĩa là năng lực phòng thủ có tính cơ động, linh hoạt, liên tục, nhiều mục đích, dựa vào năng lực công nghệ cao và năng lực tình báo - PV.

Lực lượng Phòng vệ có tính tiến công hơn

Căn cứ vào "Kế hoạch chỉnh đốn lực lượng phòng vệ trung hạn", 3 quân chủng lớn của Nhật Bản (Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, Lực lượng Phòng vệ Trên không và Lực lượng Phòng vệ Biển) dùng khái niệm "năng lực phòng vệ cơ động" hoàn toàn mới thay thế cho "năng lực phòng vệ cơ bản" trước đây.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey do Mỹ chế tạo

Đặc biệt là "từ ngữ đối sách" nhằm vào nước láng giềng chủ yếu từ "quan tâm chặt chẽ" chuyển sang "cảnh giới giám sát", nhấn mạnh Lực lượng Phòng vệ phải tiếp tục nâng cao năng lực ứng biến và năng lực cơ động.

Lấy Lực lượng Phòng vệ Mặt đất làm ví dụ, căn cứ vào đại cương muốn giảm biên chế thành 9 sư đoàn và 6 lữ đoàn. Cấp sư đoàn có 9 đơn vị gồm 1, 2, 3, 4, 6, 7 (thiết giáp), 8, 9, 10; cấp lữ đoàn có 6 đơn vị gồm 5, 11, 12, 13, 14, 15. Ngoài lữ đoàn 15 đóng ở Naha, Okinawa, các sư đoàn và lữ đoàn còn lại đều triển khai ở trên 4 hòn đảo chính của Nhật Bản.

Mặc dù Lực lượng Phòng vệ Mặt đất hiện nay xem ra không có ý đồ triển khai lực lượng hùng hậu ở các hòn đảo tây nam, nhưng, cùng với việc triển khai các phương tiện trinh sát, vận tải tiên tiến thời gian tới, năng lực phản ứng nhanh chóng và do thám tình hình của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất sẽ tăng mạnh.

Học giả quân sự Nhật Bản Yutaka Narahara cũng tiết lộ, lữ đoàn cơ động nhanh do Nhật Bản đang xây dựng sẽ là nòng cốt của "Lực lượng phòng vệ động thái", tốc độ cơ động tăng 8 lần so với lực lượng mặt đất thông thường.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey trong một cuộc tập trận liên hợp Mỹ-Nhật
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey trong một cuộc tập trận liên hợp Mỹ-Nhật

Trong chiến tranh đoạt đảo, những lực lượng này có thể sử dụng vũ khí chống tăng làm trọng thương lực lượng đồn trú trên đảo của địch (Trung Quốc), đồng thời thông qua các chiến thuật như tấn công bao vây, vu hồi lập thể, nhanh chóng kiểm soát đảo.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản tính toán, lữ đoàn cơ động nhanh nhảy dù khoảng 2.000 người, trong vòng 24 giờ, có thể tấn công và kiểm soát một đảo nhỏ do quân địch (Trung Quốc) có số lượng tương đương chiếm đóng, lực lượng nhảy dù còn có thể cố thủ 80 giờ trên đảo dưới sự áp chế hỏa lực của địch, vì vậy nó “đủ để kiểm soát bất cử hòn đảo xa xôi nào”.

“Năng lực phòng vệ động thái” được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản theo đuổi yêu cầu phải thu thập tình báo nhanh chóng và có hành động nhanh nhạy, 3 loại máy bay Nhật Bản dự định nhập khẩu từ Mỹ có đặc điểm như vậy.

Được biết, các máy bay Osprey, Hawkeye và Global Hawk đều có sở trường riêng, trong đó Hawkeye và Global Hawk nổi trội về khả năng dò tìm và theo dõi tầm xa trên biển và trên không, đặc biệt là theo dõi chặt chẽ mọi động thái của hải, không quân láng giềng (Trung Quốc) ở biển Hoa Đông.

Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo

Máy bay Hawkeye có ưu thế trên phương diện dò tìm các mục tiêu tàng hình trên không, có thể ứng phó với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (J-20, J-31) do nước láng giềng (Trung Quốc) trang bị trong tương lai, trong khi đó, Global Hawk chủ yếu dùng để đối phó với tàu chiến nước ngoài (Trung Quốc) ra vào tuyến đường biển quan trọng.

Trong khi đó, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey là trang bị đổ bộ cất hạ cánh thẳng đứng của lực lượng Thủy quân lục chiến do chính quyền Shinzo Abe ra sức thúc đẩy xây dựng, phối hợp với xe chiến đấu đổ bộ AAV-7 (loại xe thực hiện tác chiến đổ bộ trên biển).

Căn cứ vào kế hoạch, trong tương lai, lực lượng Thủy quân lục chiến này sẽ triển khai ở sân bay thành phố Sasebo, tỉnh Nagasaki.

Sự huyền bí của sự lựa chọn trang bị

Tạp chí “Tàu thủy thế giới” Nhật Bản cho rằng, một sự cân nhắc lớn của Nhật Bản khi mua sắm 3 máy bay nói trên của Mỹ không chỉ là nâng cao “năng lực phòng vệ động thái” của Lực lượng Phòng vệ, mà còn thực hiện hợp nhất về bảo đảm hậu cần với Quân đội Mỹ đồn trú ở Nhật Bản để tăng cường quan hệ đồng minh an ninh Nhật-Mỹ.

Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo

Trong quá trình mua sắm máy bay cảnh báo sớm kiểu mới của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản từng nhận được 2 đề nghị tranh thầu, thứ nhất là phương án của Tập đoàn Itochu trong nước; thứ hai là phương án do Chính phủ Mỹ cung cấp – máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye do Công ty Northrop Grumman chế tạo.

Hai loại máy bay này mặc dù là vũ khí của Mỹ, nhưng nội hàm khác nhau rất lớn, Quân đội Mỹ chưa từng mua E-737, Công ty Boeing hoàn toàn dựa vào độc lập phát triển, khách hàng gồm có các nước như Australia, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trái lại, E-2D là trang bị tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ, vì vậy khả năng thao tác và tính chất sát với tác chiến thực tế là không thể nghi ngờ. Điều quan trọng hơn là, bên bỏ thầu của E-2D là Chính phủ Mỹ, trong khi đó, bên bỏ thầu của máy bay cảnh báo sớm E-737 là doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, thực lực của hai bên không thể so sánh.

Chuyên gia quân sự Nhật Bản Ryotaro cho rằng, máy bay E-2D tuy sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) cao tần APY-9 của Công ty Lockheed Martin, có tính năng chống tàng hình xuất sắc hơn, khoảng cách dò tìm máy bay và tàu chiến lần lượt đạt 555 km và 350 km,

nhưng E-2D cũng là máy bay cảnh báo sớm sử dụng cho tàu sân bay, không gian thân máy bay rất hạn chế, chỉ có thể chở 3 nhân viên điều khiển hệ thống nhiệm vụ (E-737 có thể chở 10 nhân viên và có khu nghỉ ngơi riêng), lượng công việc của mỗi nhân viên thực sự quá lớn, chưa chắc có thể ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo
Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo

Cho dù như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản vẫn ưu tiên tăng cường năng lực tác chiến liên hợp với Quân đội Mỹ.

Trên thực tế, điểm làm cho Nhật Bản chú ý tới E-2D là ở chỗ “kiểm soát”, bởi vì thứ mà Lực lượng Phòng vệ cần không chỉ là chức năng cảnh báo sớm của E-2D, nếu máy bay không có chức năng chỉ huy kiểm soát thì không thể tạo ra “khoảng cách thế hệ” với máy bay cảnh báo sớm hiện có của Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản một khi sở hữu E-2D, sẽ nâng cao năng lực tương tác giữa Quân đội Nhật Bản và Mỹ. Nói cách khác, Quân đội hai nước Mỹ-Nhật sẽ thực hiện chia sẻ tin tức tình báo và trao đổi năng lực chỉ huy ở cấp cao hơn. 

Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo
Máy bay do thám không người lái Global Hawk do Mỹ chế tạo
Việt Dũng (nguồn Tin tức Trung Quốc)