Phê bình và tự phê bình là nhìn thẳng vào sự thật, nói sự thật để tốt lên

16/12/2021 06:48
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, sắp tới các tổ chức đảng cần thực hiện công tác phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh hơn và đi vào thực chất hơn.

Ngày 9/12, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Các vấn đề được nêu ra trong bài phát biểu nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã đánh giá rất cao bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều ý mới mà các cấp ủy, chi bộ phải tổ chức quán triệt học tập ngay.

Việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã được bàn rất kỹ ở Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Do đó, có thể thấy nội dung này đã được tập hợp đầy đủ trí tuệ và được bàn rất kỹ, việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải nắm vững những quan điểm cơ bản từ những hội nghị này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Lao động

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Lao động

Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những điểm cơ bản, điểm mấu chốt nhất của công tác Xây dựng và chính đốn Đảng hiện nay là vấn đề gì, để tất cả các cấp và các đảng viên, các cán bộ đảng viên chủ chốt ở tất cả các cấp quán triệt để thực hiện.

“Nhiều vấn đề đã được đề cập rất thẳng, thật, nếu chỉ nghe thôi, các tổ chức đảng không tổ chức quán triệt, học tập, nghiên cứu thì tôi tin là hiệu quả sẽ rất thấp.

Chính vì vậy, sắp tới các tổ chức đảng cần thực hiện công tác phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh hơn và đi vào thực chất hơn.

Vừa rồi chúng ta cũng tổ chức thực hiện công tác phê bình và tự phê bình theo tình thần chỉ đạo của các cấp, các ngành Trung ương, tuy nhiên, như trong phát biểu của Tổng Bí thư, công tác phê bình và tự phê bình còn hình thức và chưa đi vào thực chất.

Thậm chí là thông qua công tác phê bình và tự phê bình, biến đó thành buổi nịnh nọt nhau, tâng bốc nhau, dung túng, che lấp những sai phạm của đồng chí mình. Đây là cách nhìn nhận rất chân thực vào thực tế.

Sắp tới, khi Trung ương có những chỉ đạo cụ thể để công tác phê bình và tự phê bình trong cấp ủy các cấp, thậm chí trong Trung ương nữa sẽ có sự chuyển biến trong công tác phê bình và tự phê bình.

Phê bình và tự phê bình ở đây được hiểu là không phải là chúng ta đi bới móc khuyết điểm của người khác rồi lấy đó làm cái cớ thực hiện việc này, việc nọ. Quan niệm như vậy là không đúng.

Phê bình và tự phê bình phải được thực hiện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để mà được mặt tốt, mặt mạnh của cán bộ đảng viên, của tổ chức đảng để mà phát huy.

Nhưng cũng phải chỉ ra thẳng thắn những hạn chế, yếu kém để mà sửa đổi. Đặc biệt là những biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng lối sống, không giữ được phẩm chất của người cộng sản.

Nhất là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như Tổng Bí thư đã nhắc đến, đây là vấn đề quan trọng nhất.

Đây là vấn đề đe dọa đến tồn vong của Đảng của chế độ, vấn nạn tham nhũng cũng bắt nguồn từ cái gốc là suy thoái đạo đức, lý tưởng chính trị.

Cán bộ đảng viên mà phai nhạt lý tưởng, không tin vào con đường của chủ nghĩa xã hội, mục tiêu lý tưởng của Đảng là rất nguy hiểm.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cái gốc của tham nhũng bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng, đạo đức của cán bộ đảng viên. Ảnh minh hoa: Báo Thanh tra

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cái gốc của tham nhũng bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng, đạo đức của cán bộ đảng viên. Ảnh minh hoa: Báo Thanh tra

Nếu không thực hiện tốt công tác phê bình và tự phê bình, xây dựng và chỉnh đốn Đảng sẽ tiếp tục đi vào con đường mơn trớn nhau, rồi tâng bốc nhau, không thực chất.

Vừa qua, Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ bệnh hình thức trong công tác phê bình và tự phê bình dẫn đến tác dụng của công tác này rất hạn chế.

Vì thế từ kỳ này trở đi, công tác này phải được thực hiện sao cho đi vào thực chất hơn. Đặc biệt là phải chú ý 2 mặt của xây dựng Đảng là xây và chống.

Xây là xây dựng những giá trị chuẩn mực trong Đảng.

Chuẩn mực trong Đảng bây giờ là phải có trình độ trí tuệ, lý luận, phải có phẩm chất, bản lĩnh chính trị, cương lĩnh đường lối đúng đắn và chuẩn mức đạo đức, kỷ luật...

Tổ chức phải chặt chẽ, kỷ luật phải nghiêm minh. Cán bộ phải thể hiện được vai trò của người đảng viên", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết.

Phân tích thêm về vấn đề xây dựng Đảng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho biết: "Nói về xây dựng Đảng, như tôi được biết thì còn nhiều người thậm chí còn chưa nắm vững, chưa hình dung xây dựng Đảng là xây cái gì, đấu tranh phê bình ra làm sao...hiểu cứ ào ào. Thậm chí có cả những cán bộ đảng viên giữ chức vụ nhưng vẫn còn lơ mơ chưa nắm vững về công tác then chốt này.

Đi liền với xây là chống, vì thế xây là vấn đề chiến lược lâu dài, coi cái chống là bức thiết, thường xuyên.

Tức là phải phê phán kịp thời những sai trái những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, nham nhũng, phai nhạt lý tưởng, biến chất về mặt phẩm chất...

Đây là những cái chống mà phải chống làm sao phải làm cho tốt".

Chỉ ra một thực tế còn tồn tại ở một số chi bộ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, công tác phê bình và tự phê bình cuối năm hầu hết các chi bộ đều được đánh giá là trong sạch vững mạnh nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vẫn có những cán bộ sai phạm, suy thoái cho thấy công tác này vẫn chưa được thực hiện tốt.

Các chi bộ đã chưa tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ. Có một thực tế là việc sinh hoạt chi bộ ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, những chi bộ tồn tại vấn đề này cũng không ít .

Công tác phê bình còn chưa đi vào thực chất, xuê xoa, né tránh...còn bị chi phối ở nhiều điều kiện khác nhau. Do vậy công tác sinh hoạt ở chi bộ, các tổ chức đảng còn bị hạn chế. Kỳ này, Tổng Bí thư đã chỉ đạo công tác xây dựng chỉnh đốn đảng phải làm rất nghiêm.

Tất nhiên, cần nhìn thẳng vào sự thật là việc này cũng khó chứ không phải dễ bởi việc này đã thành cái nếp tồn tại một thời gian dài, do vậy, trong phát biểu của Tổng Bí thư có ví von: “có nghị quyết rồi, rằng hay thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề”.

Bởi đây là đụng chạm đến con người cụ thể, con người có chức, có quyền cho nên nói ra phải nghĩ trước, nghĩ sau, nhìn trên nhìn dưới...

Nhưng cũng như Tổng Bí thư nói, khó đấy nhưng không thể không làm.

Việc quán triệt này theo tôi phải kiên trì, nói như vậy cũng không có nghĩa là một lúc, một chốc bốc đồng lên đòi giải quyết ngay được. Cũng không phải thấy khó là bỏ.

Kinh nghiệm xây dựng Đảng của các thời kì là phải rất kiên trì, thậm chí phải chờ đợi nhau. Từ thực tiễn rút kinh nghiệm để đi đến một sự thống nhất, nhất trí.

Như mong muốn của Tổng Bí thư, mỗi đảng viên phải tự mình soi xét, tự sửa mình xem mình làm được điều gì, không làm được điều gì để thẳng thắn và sửa chữa. Dù sửa chữa một chút thôi nhưng cũng đã đóng góp vào việc xây dựng Đảng rồi.

Cán bộ đảng viên phải tự giác ở điều đó. Người có chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn và phải làm nghiêm túc.

Như Tổng Bí thư đã nói, cán bộ đảng viên là phải biết trọng danh dự, trong liêm sỉ. Mỗi người biết trọng danh dự, trọng liêm sỉ của cá nhân mình cũng đã tốt lắm rồi. Một cá nhân, một công dân bình thường cũng phải tu dưỡng, rèn luyện cá nhân, tôn trọng liêm sỉ rồi, thì đảng viên phải làm tốt hơn nữa. Tự mình phải giữ gìn nhân cách của người cộng sản.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng có những đảng viên bất chấp danh dự, bị chi phối về những thứ quyền lưc vật chất... quên đi liêm sỉ mà có những hành động xấu làm phương hại đến lợi ích của Đảng của nhân dân, tất nhiên là số này không nhiều.

Chính vì thế, mỗi cá nhân, mỗi đảng viên phải tự mình rèn luyện mình thì công tác xây dựng đảng, công tác phê bình và tự phê bình mới có thể đi vào thực chất được. Nếu không người ta chỉ nghe qua, vâng vâng, dạ dạ rồi đâu lại vào đấy cả.

Theo tôi, các đảng viên, tổ chức đảng phải nghiên cứu kỹ bài phát biểu này của Tổng Bí thư, biến thành hành động của từng đảng viên, từng cấp ủy...

Ngay cả với chúng tôi là những cán bộ về hưu rồi nhưng nghe vẫn thấy thấm thía, đọc kỹ càng thấy thấm thía để rồi mình suy nghĩ, cố gắng điều chỉnh hành động, nhận thức, phát ngôn, không làm những gì sai trái làm hại cho Đảng cho nhân dân.

Với những người đương chức, có chức vụ trong tay thì những điều này là tuyệt đối cần thiết. Những việc như vậy, tất nhiên là khó chứ không dễ dàng gì. Thế nhưng như Tổng Bí thư đã nói, khó nhưng không thể không làm mà cần phải làm quyết liệt hơn nữa".

Trần Phương