Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Sự thật việc Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 và giải Nobel

17/11/2012 05:37
Quang Tuệ
(GDVN) - “Nhân vật  tìm ra được bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng. Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được 1 trong 2”, Thống đốc Bình nói.
Những ngày gần đây, sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, dư luận hết sức quan tâm đến việc "Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự nhận điểm 8 và nửa giải Nobel". Để có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về hai việc trên, Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc toàn bộ phần chất vấn liên quan đến những phát ngôn ngày.

"Tôi cũng chỉ cần điểm 8, không cần điểm 9, điểm 10"

Trong phiên chất vấn chiều 13/11, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đặt vấn đề: “Tình hình nuôi tôm ở Sóc Trăng nói riêng và cả đồng bằng Sông Cửu Long nói chung đang trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc. Vụ tôm 2011 - 2012 tại tỉnh Sóc Trăng với thiệt hại trên 4000 tỷ đồng, thiệt hại nặng nề do tôm bị bệnh lạ và hơn 80% người nuôi tôm đang bị lao đao, số ao bị treo rất nhiều. Sóc Trăng cũng đã xuất ngân sách để hỗ trợ nông dân nuôi tôm bị thiệt hại nhưng nông dân nuôi tôm vẫn còn rất khổ, cầu mong phao cứu sinh từ Chính phủ. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ra tay nhưng việc chỉ đạo thực hiện còn chưa thống nhất. 

Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được quan tâm đặc biệt
Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình được quan tâm đặc biệt

Tôi xin cụ thể tại Công văn số 5294 ngày 20/8/2012 của Ngân hàng Nhà nước ghi: thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149 ngày 8/8/2012 về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, tuy nhiên tại công văn này Ngân hàng Nhà nước bóp lại chỉ đạo 5 ngân hàng thương mại cho vay đối với khách hàng vay là các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất, chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Như vậy, con tôm sú không nằm trong diện này, đây là một bất lợi và thiệt thòi nặng nề cho người nuôi tôm. Bởi người nuôi cá tra bị thua lỗ ít nhiều còn bán được cá, trong khi đó hàng chục ngàn người nuôi tôm đang bị thiệt hại bởi bệnh lạ tôm sú chết hàng loạt”. 
Hai ngày sau phiên chất vấn, trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình cho biết: “Về chỗ báo chí nói về việc tôi nhận điểm 8 thì đó là chỉ nói cho vui thôi. Dụng ý của tôi lúc đó chỉ là nói vui và khiêm tốn thôi. Còn về giải Nobel thì đó cũng chỉ là một cách nói ví von. Về việc báo chí nói về phần trả lời chất vấn của tôi là nhận nửa giải Nobel và điểm 8, tôi nói như thế này không phải là để thanh minh gì cả”. 
Đại biểu Tâm hỏi: “Xin đặt câu hỏi với Thống đốc việc chỉ đạo như vậy có nhất quán không và vì sao chỉ có đối tượng cá tra được cho vay ưu đãi? Tới đây Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ con tôm như đối với cá tra theo Công văn 1149 ban hành tháng 8-2012 của Thủ tướng Chính phủ là giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/năm hay không. Xin Thống đốc cho biết và trả lời cụ thể vấn đề này vì cử tri là nông dân nuôi tôm đang quan tâm theo dõi trực tiếp tuyền hình trả lời của Thống đốc và đang mong chờ kết quả, sẵn sàng cho điểm 9 và nghiêng mình cảm ơn Thống đốc nếu Thống đốc chỉ đạo có hiệu quả cho các ngân hàng thương mại thực  hiện nhất quán theo tinh thần Công văn 1149 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng cho đối tượng là người nông dân nuôi tôm sú, thủy sản.

Một vấn đề nữa là gần đây trên diễn dàn trong nghị trường và thông tin trong cử tri, hay nói chính xác hơn, ngân hàng đang kêu ca tình trạng nợ xấu trong ngân hàng, nhiều giải pháp đưa ra xử lý nợ xấu này. 

Xin đặt câu hỏi với Thống đốc: Nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng thương mại lớn là bao nhiêu và nợ xấu thuộc lĩnh vực nào, tỷ lệ nợ xấu trong nhóm đối tượng là nông dân nuôi tôm vay và nông dân sản xuất nông nghiệp vay hiện nay so với đối tượng vay khác là ra sao và bao nhiêu. Nếu Thống đốc không làm sáng tỏ câu hỏi này thì rất nhập nhằng vì tỷ lệ nợ xấu trong thủy sản, nông nghiệp không cao so với lĩnh vực khác. Tôi đề nghị Thống đốc chỉ đạo phân loại nợ xấu. Vì chỉ như vậy, chúng ta mới biết lĩnh vực nào cần xử lý khắc phục, lĩnh vực nào cần tiếp tục đầu tư. Không vì lý do nợ xấu của một lĩnh vực mà phải bắt nhiều lĩnh vực nuôi tôm, thủy sản và nông nghiệp khác phải gánh chịu”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (Ảnh: Nhật Minh/VNE)

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rất rành rẽ: “Đại biểu Trần Khắc Tâm có đề nghị vấn đề trong công văn của ngân hàng Nhà nước nên đưa thêm đối tượng nuôi tôm. Dưới góc độ như đại biểu nói chúng tôi cũng hết sức xúc động và hết sức chia sẻ với đồng bào nuôi tôm, nhưng chúng tôi cũng chỉ thực hiện Quyết định 1140 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối tượng chỉ là cá tra và chăn nuôi gia cầm và lợn, chứ danh mục không có con tôm. Cho nên, chúng tôi cũng phải thực hiện một cách nghiêm túc như trên ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nhanh chóng có đánh giá để cùng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung con tôm vào trong danh mục này. Tôi cũng chỉ cần điểm 8, không cần điểm 9, điểm 10.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói tiếp: “Đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm có nói đến nợ xấu và đại biểu cho rằng trong nhiều lĩnh vực khác có nợ xấu cao, lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là thủy sản thì nợ xấu không cao mà nợ xấu ở các vùng khác thì như vậy sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của thủy sản. Tôi cũng xin phép báo cáo với các đại biểu Quốc hội. Như tôi đã trình bày sáng nay, nông nghiệp và nông thôn là một mặt trận cứu cánh cho chúng ta trong những năm vừa qua và kể cả trong năm nay và đến nay dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có chất lượng rất tốt, tỷ lệ nợ xấu của chúng ta trong toàn hệ thống là 4,49, nhưng tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thì thấp hơn rất nhiều và con số báo cáo là chính xác. Bởi vì ở đây không có những điều kiện để cho các bên báo cáo, để cho các tổ chức tín dụng có thể báo cáo sai. Do vậy, chất lượng trong cho vay nông nghiệp và nông thôn rất tốt. 

Chính vì vậy, trong 2 năm vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phát triển hoạt động của mình về lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn như tôi đã trình bày ở trên. Do vậy, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đã tăng lên gấp đôi và hiện nay mặc dù trong điều kiện chúng ta đang tái cấu trúc lại hệ thống các ngân hàng thương mại, nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại lành mạnh tiếp tục cho phép mở chi nhánh ở các địa bàn, vùng sâu, vùng xa, ở các vùng nông thôn để làm sao dẫn vốn về cho các vùng này.

Chúng tôi cũng có chủ trương đề nghị Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn phải tăng được tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn lên đến 80%. Trong năm vừa qua đến nay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa tỷ trọng này lên đến 75%. Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp, các ngân hàng thương mại khác để tập trung nguồn vốn một cách thỏa đáng cho việc phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trên đây tôi xin trả lời các ý kiến của đại biểu Quốc hội”.

"Tôi nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel nếu làm được"

 Cũng tại phiên chất vấn này, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đặt ra câu hỏi: “Tôi nói về vấn đề dư nợ tín dụng kế hoạch đầu năm thông qua 15%, 17% của lãi suất ngân hàng, tới giữa năm ta rút xuống 10 %, 12%, tôi dự kiến kỳ họp trước như vậy mỗi tháng bơm 50.000 tỷ. Bây giờ trượt vài % Thống đốc vẫn nói là hợp lý tôi không hiểu được chúng ta điều hành thế nào.

Vấn đề thứ hai là vàng, dường như Thống đốc hứa rằng thị trường biến động chênh lệch 400.000 giữa trong nước, ngoài nước thì Ngân hàng nhà nước điều tiết. Bây giờ không làm được thì lại bảo rằng không cần liên thông thị trường nước ngoài thì thống đốc nghĩ thế nào, dư luận người ta nghĩ như vậy, Thống đốc phải nhớ rằng 400.000 thì điều tiết không?”

Đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: saigongiaiphong)
Đại biểu Trần Du Lịch - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: saigongiaiphong)

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình trả lời: “Các giải pháp như tôi đã báo cáo, có giải pháp ngành ngân hàng chúng tôi chủ động làm được và nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi, cái đó tôi có thể khẳng định. Có giải pháp chúng tôi phải chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành, kể cả chính quyền địa phương, với những giải pháp này chúng tôi chỉ là một bên phối hợp, do vậy biện pháp nào chắc, nằm trong ý chí, quyết tâm, biện pháp của mình tôi có thể khẳng định. Ví dụ chúng tôi đang làm là việc tích cực tái cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, ví dụ yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nhiều hơn nữa, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải sử dụng dự phòng rủi ro để trích lập trong năm nay, không được chia lợi nhuận nếu như chưa trích lập rủi ro đầy đủ, thậm chí phải xuất cả vốn tự có, tức là bao gồm vốn điều lệ và các nguồn vốn dự phòng khác của mình để xử lý nợ xấu. Đó là những lĩnh vực chúng tôi chủ động được, chúng tôi làm được, còn những lĩnh vực khác chúng tôi tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành. Do vậy chúng ta thấy nếu có quyết tâm chung của tất cả các bộ, ban, ngành chúng ta mới xử lý được nợ xấu.

Còn việc ngân hàng Nhà nước có hút tiền về? Báo cáo đại biểu Trần Du Lịch, như chúng tôi đã nói, tổ chức tín dụng hiện nay dư tiền, mặc dù dư không nhiều mà lại được đầu tư ra được, số tiền dư vẫn phải trả lãi tiền gửi của dân. Do vậy, nếu không có biện pháp xử lý tiền dư này thì các tổ chức tín dụng sẽ có rất nhiều áp lực về sử dụng tiền, rất nhiều hoạt động đầu tư khác. Ví dụ trong thực tiễn hoạt động ngân hàng thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ quay sang kinh doanh ngoại tệ, từ đó làm cho thị trường ngoại tệ lại bất ổn. 

Vậy, như tôi cũng đã báo cáo cái chính đúng đắn trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước là làm sao lượng tiền dư thừa trên thị trường liên ngân hàng khi người ta đã gửi vào Ngân hàng nhà nước ở mức độ hợp lý nhất, vừa đủ phục vụ cho mục tiêu giữ lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ổn định. Như chúng ta đã thấy từ đầu năm 2012 lãi suất trên thị trường ngân hàng rất ổn định và phù hợp với diễn biến của lạm phát và định hướng kỳ vọng của lạm phát. Ví dụ chúng ta định hướng lạm phát là 8%, trên thị trường liên ngân hàng của chúng tôi lúc nào cũng duy trì lãi suất liên ngân hàng kỳ hạng 1 tháng ở mức khoảng 7% và các kỳ hạn khác còn thấp hơn. Đây là kỹ năng, nghệ thuật điều hành của Ngân hàng Trung ương. Do vậy, việc hút tiền về của Ngân hàng nhà nước cũng là cực chẳng đã. Bởi vì chúng tôi phải phát hành tín phiếu Ngân hàng nhà nước có nghĩa là ta phải mất tiền để mua lại khoản tiền đó.

Đại biểu Trần Du Lịch cũng có nói đến vấn đề về vàng, tôi xin báo cáo với đại biểu Quốc hội là trong Nghị định 24 chúng tôi cũng để ngỏ rất nhiều nội dung. Trong đó có cả nội dung là Ngân hàng nhà nước trực tiếp mua bán vàng, trong đó cũng có cả nội dung Ngân hàng nhà nước huy động vàng. Nhưng xét tình hình hiện nay kinh tế vĩ mô của đất nước chúng ta thì giải pháp huy động vàng trong giai đoạn hiện nay không phát huy được hiệu quả vì giá vàng thế giới đang biến động rất mạnh do những bất ổn của kinh tế thế giới. Nếu có bất kỳ một hoạt động nào về mặt huy động dưới góc độ tiền gửi bằng vàng chỉ làm tăng thêm tính vàng hóa của nền kinh tế mà thôi. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay chúng ta áp dụng phương thức quan hệ mua bán. Như tôi đã nói lúc ban đầu là Ngân hàng nhà nước sẽ đóng vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường này để vừa là người kiến tạo nhưng cũng vừa là người cầm nhịp đảm bảo sự ổn định của thị trường vàng này.

Đại biểu có nói trước đây không có quản lý gì đến bây giờ lại có quản lý gì, tôi cũng xin báo cáo với đại biểu Quốc hội, ở đây có Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Nghị định 24 của chúng tôi đã được thảo luận từ năm 2009, ngay sau khi chúng ta đóng sàn vàng, vì khi chúng ta thảo luận về sàn vàng thì lúc đó, chúng ta thấy rằng các quy định của pháp luật của chúng ta quá bất cập. Ở đây có đầy đủ các bộ tham gia vào, ví dụ Bộ Công thương, Bộ Khoa học và công nghệ về chất lượng vàng, chính quyền địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề cấp phép doanh nghiệp v.v...

Tất cả thực trạng này đã được tập thể Chính phủ đánh giá bằng văn bản, chứ không phải đánh giá của thống đốc ngân hàng Nhà nước, vì Nghị định 174 trước đây là Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, sau đó từ năm 2009, chúng tôi đã bắt tay vào việc xây dựng Nghị định 24 và cũng trải qua rất nhiều gian nan, rất nhiều đấu tranh, rất nhiều ý kiến, rất nhiều thắc mắc, mãi đến cuối 2011, chúng ta mới ban hành được văn bản này. Tôi không gắn gì với thời gian của tôi mà tôi gắn với thời gian ban hành văn bản nghị định và nó đạt được các kết quả, mong đại biểu hiểu cho đúng”.

Khi Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở: “Đề nghị đồng chí lưu ý câu của đại biểu Trần Du Lịch: Siết tín dụng như thế có làm điêu đứng doanh nghiệp không? Giải quyết như thế nào cho hợp lý?”

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời tiếp: “Quả thật chúng ta cũng phải thấy mọi chính sách, đặc biệt là chính sách vĩ mô thì không thể nào đáp ứng được mọi yêu cầu, ví dụ tôi đã có dịp trình bày với Quốc hội nhân vật  tìm ra được bộ 3 bất khả thi giữa tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá, ông đó được quốc tế cho giải thưởng Nobel mà hiện nay chúng ta phải vừa làm sao kiềm chế được lạm phát mà vẫn phải tăng trưởng.

Tôi đã có lần nói đùa với Chủ tịch Quốc hội là em chỉ cần nửa giải thưởng Nobel cũng được, nếu em làm được 1 trong 2. Đó là điều khó của chính sách. Do vậy, cuối năm 2010 chuyển sang năm 2011 Chính phủ lập tức có Nghị quyết số 11 và Bộ chính trị cũng đã có Kết luận số 02 về việc triển khai các biện pháp để nhằm nhanh chóng kiềm chế được lạm phát.

Chúng ta cũng thấy rất rõ khi áp dụng các biện pháp này thì nhất định là doanh nghiệp sẽ khó khăn, chúng ta biết được chuyện đó. Nếu mà nói chúng ta cũng phải thấy rằng đây là cái giá mà chúng ta phải trả để lập lại ổn định kinh tế vĩ mô. Còn nếu đại biểu có quan tâm đến thời tôi làm thì xin báo cáo với đại biểu Quốc hội từ tháng 9 năm 2011 tất cả các chính sách của chúng ta đã dần nới lỏng. Từ hôm đó đến nay lãi suất chỉ có giảm, các đối tượng mà không được ưu tiên vay vốn đều được tháo gỡ và trong một thời gian rất ngắn chỉ từ quý IV mà cho đến đầu năm 2012 hầu như chúng ta không còn các đối tượng trước đây chúng ta gọi là không khuyến khích đầu tư hay hạn chế đầu tư.

Như tôi đã báo cáo chỉ còn lại hai đối tượng rất nhỏ là khu công nghiệp. Vì trên thực tế khu công nghiệp của chúng ta như tôi đã báo cáo đại biểu Quốc hội là đã rất nhiều. Hai là đầu tư vào chứng khoán mà thôi. Còn tất cả các lĩnh vực khác đều được thả ra hết không có diện nghiêm cấm gì cả”. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Quang Tuệ