Tiết kiệm cả đời, dân CT6C mua nhà mà như vô gia cư giữa Thủ đô

22/05/2018 09:51
Trần Phương - Ngọc Hân
(GDVN) - Nhiều nhà tiết kiệm cả đời mong có chỗ trú thân, nhưng sau 6 năm, "sổ hồng" vẫn chưa thấy đâu vì chủ đầu tư và chính quyền chưa xử lý dứt điểm sai phạm.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, chủ đầu theo quy hoạch thiết kế được duyệt, Dự án chung cư CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) chỉ được xây dựng 2 tòa nhà và 34 căn liền kề.

Tuy nhiên, chủ đầu tư đã ngang nhiên xây dựng thành 3 tòa nhà và 38 căn liền kề đẩy hàng trăm hộ dân điêu đứng vì mua phải nhà không phép.

Đã 6 năm từ ngày tòa nhà đưa vào sử dụng, các hộ dân của tòa CT6C vẫn mòn mỏi chờ “sổ hồng”, khiến họ có nhà mà như vô gia cư bởi những quyền lợi được hưởng từ luật nhà ở không hề đến với họ.

Bên cạnh đó với tòa nhà sai phạm, an toàn đang bị đặt dấu hỏi trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy khi cả tòa nhà bị phạt đến…8 lần nhưng công tác phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được đảm bảo đúng chuẩn.

Để làm rõ các thông tin, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã làm việc với các cơ quan ban ngành có liên quan và nhận được không ít câu trả lời bất ngờ từ tòa nhà CT6C.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang… chờ

Nói về việc cấp “sổ đỏ” cho cư dân sinh sống tại tòa nhà CT6C, ngày 8/5, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Tại buổi làm việc ông Nghĩa cho rằng: “Quan điểm của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội, việc cấp “sổ đỏ” cho cư dân tòa nhà CT6 cũng được và không có vấn đề gì cả. Riêng đối với tòa CT6C, đây là trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng vì chủ đầu tư đã tự ý xây thêm một tòa nhà so với quy hoạch dự án được duyệt”.

Đối với tòa CT6A và CT6B, ông Nghĩa cho biết: “Việc cấp sổ đã được hoàn tất bởi nó đúng theo quy hoạch. Riêng với tòa nhà CT6C xây sai đã có kết luận của thanh tra xây dựng, tòa nhà này đã vi phạm trật tự xây dựng nên để Sở Xây dựng xử lý, tuy nhiên, nếu tòa nhà này nằm trong đối tượng có giấy phép xây dựng mà chỉ vi phạm về xây dựng thôi, về vấn đề quy hoạch chẳng hạn thì còn có thể xem xét để cấp giấy ngay cho người dân để đảm bảo quyền lợi.

Tuy nhiên, đây là trường hợp không có cả cấp phép xây dựng rồi còn xây dựng thêm toàn bộ nên bên cơ quan tài nguyên môi trường muốn cấp giấy chứng nhận cho người dân phải có chứng nhận chất lượng công trình của tòa nhà đó.

Nội dung này là do bên ngành xây dựng làm. Muốn cấp phép, vấn đề này ngành Tài nguyên và Môi trường phải chờ đợi kết quả của ngành xây dựng mới cấp được.

Biết bao giờ cơ quan chức năng mới giải quyết được "sổ hồng" cho dân? (Ảnh: TP)
Biết bao giờ cơ quan chức năng mới giải quyết được "sổ hồng" cho dân? (Ảnh: TP)

Nếu như chỉ vi phạm trật tự xây dựng ví dụ như 8 tầng nhưng xây vượt lên 10 tầng chẳng hạn thì có thể xem xét cấp ngay cho dân được để đảm bảo quyền lợi.

Tuy nhiên, ở đây nó (Tòa nhà CT6C – PV) vi phạm nặng quá thế cho nên là phải có các cơ quan theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng có liên quan phải xử lý đã. Sau khi có kết quả xử lý mới có thể cấp giấy hay không được.

Nói về quan điểm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Ông Nghĩa khẳng định: “Quan điểm của ngành Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chúng tôi là chỉ cần chờ có đánh giá về chất lượng công trình và các thủ tục cần thiết thì sẽ cấp giấy. Mọi chuyện tính sau”.

Ông Nghĩa cũng thông tin thêm: “Ở đây có câu chuyện như thế này này nếu gọi là đúng quy trình, đúng quy định thì không thể cấp được vì dân người ta mua bán không có lỗi gì cả, việc mua bán đầy đủ tuy nhiên lại không nắm được các thông tin cho nên quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Quan điểm của cơ quan Tài nguyên và Môi trường là phải đảm bảo quyền lợi cho người dân, tránh những thiệt thòi cho người dân. Với tinh thần đó thì nếu công trình đáp ứng được những vấn đề cơ bản thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ cấp ngay”.

Trao đổi về xử lý sai phạm, ông Nghĩa cho rằng: “Đối với sai phạm của chủ đầu tư thì sai phạm đến đâu xử lý đến đó và xử lý đến cùng, trách nhiệm đó thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý.

Ví dụ như vi phạm về đất đai thì Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm về xây dựng thì Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thiếu nghĩa vụ về tài chính thì Cơ quan Thuế, Cơ quan tài chính phải xử lý.

Tuy nhiên, dù biết là dân thiệt thòi nhưng vi phạm này là vi phạm quá nặng nên không thể cấp giấy ngay cho người dân được.

Cho nên bây giờ kể cả nó (Chủ đầu tư- PV) chưa xác định được nghĩa vụ tài chính, phần này có thể bổ sung, và có các đánh giá về chất lượng công trình thì chúng tôi có thể cấp giấy ngay cho dân”.

Ông Nghĩa cũng cho biết đến thời điểm hiện tại Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa cấp cho bất kỳ hộ dân nào thuộc tòa nhà CT6C Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cả.

Cũng theo ông Nghĩa, đến thời điểm này Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ, văn bản nào của các cơ quan xử lý hay của chủ đầu tư báo cáo về cái kết quả khắc phục.

“Cho nên nó cũng khó, bản thân anh em chúng tôi đối với dân rất muốn là cấp giấy cho dân.” Ông Nghĩa nhấn mạnh.

 Ông Nghĩa cũng cho rằng: “Cũng tội nghiệp cho người ta, cả cuộc đời người ta tích cóp mua được căn nhà, nên ngành Tài nguyên và Môi trường cũng muốn đảm bảo quyền lợi cho người ta.

Để sai phạm trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 18/5, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội để tìm hiểu các sai phạm của tòa CT6C Kiến Hưng, Hà Đông (Hà Nội).

Theo đại diện của Thanh tra Sở Xây Dựng: “ Tòa nhà CT6 thuộc công trình xây dựng ở phường Kiến Hưng, công trình này được Sở Xây dựng thành phố Hà Nội giao cho công ty cổ phần Bemes làm chủ đầu tư. Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Lê Thanh Thản.

Theo hồ sơ tài liệu thì công trình này bắt đầu khởi công từ năm 2009, hoàn thành xây dựng vào khoảng năm 2012. Với quy mô gồm có 2 tòa tháp chung dưới đế 4 tầng.

Theo Quy hoạch chỉ có 2 tòa tháp là CT6A và CT6B. Hiện nay, chủ đầu tư đã tạo ra 3 block là CT6A, CT6B và CT6C. Thực chất theo quy hoạch chỉ có 2 tòa tháp. Mỗi tòa có 31 tầng, có hầm”.

Theo thông tin từ đại diện Thanh tra Sở Xây dựng cho biết: “Hiện nay, chủ đầu tư có xây dựng thêm cầu nối giữa hai tòa tháp tạo thành CT6C (như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh).

Tiết kiệm cả đời, dân CT6C mua nhà mà như vô gia cư giữa Thủ đô ảnh 2Giữa Thủ đô, cả tòa nhà 30 tầng 700 căn hộ "chui qua lỗ kim", xây không phép

Do thời điểm khởi công từ năm 2009 – 2012, theo quy định về phân cấp quản lý dự án thời điểm đó, thì quy mô công trình đó là quy mô trên cấp 2, thậm chí có thể coi là cấp đặc biệt. Theo phân cấp quản lý nhà nước thì trách nhiệm quản lý thuộc Bộ Xây dựng.

Tất cả những vấn đề gì liên quan đến quản lý dự án thì thuộc trách nhiệm của Bộ. Sở chỉ quản lý những công trình cấp 2”. Đại diện Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.

“Theo luật tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thời điểm đó (thời điểm công trình xây dựng – PV) thì việc quản lý hoạt động xây dựng của công trình CT6, thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, bao gồm Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, Ủy ban nhân dân phường Kiến Hưng.

Trong quá trình xây dựng, nếu có vấn đề gì vi phạm Ủy ban dân dân phường Kiến Hưng có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân quận Hà Đông để xử lý.” Đại diện thanh tra Hà Nội nói về việc quản lý và xử lý vi phạm đối với công trình CT6.

Nói về vấn đề của thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin: “Từ năm 2014 đến nay, Thanh tra Sở Xây Dựng Hà Nội đang quản lý 30 đội thanh tra xây dựng của quận, huyện.

Trước năm 2014, các đội thanh tra xây dựng Hà Nội đều thuộc sự chỉ đạo toàn diện của Ủy ban nhân dân dân quận. Thời điểm công trình thi công và triển khai công trình, lực lượng thanh tra xây dựng vẫn thuộc Ủy ban nhân dân quận Hà Đông quản lý.

Sau 6 năm đi vào sử dụng, không chỉ không phép, an toàn về phòng cháy chữa cháy của tòa nhà đang khiến người dân sống trong bất an (Ảnh: TP)
Sau 6 năm đi vào sử dụng, không chỉ không phép, an toàn về phòng cháy chữa cháy của tòa nhà đang khiến người dân sống trong bất an (Ảnh: TP)

Như vậy, trách nhiệm ở đây thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Phường”. Đại diện của thanh tra Sở Xây dựng thông tin thêm.

Đối với việc thanh tra tòa nhà CT6, đại diện Sở Xây dựng cho biết: “Đối với tòa nhà CT6, Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra vào năm 2014. Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành thanh tra vào năm 2016”.  Tuy nhiên về kết luận chính thức, đại diện Thanh tra Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết là chưa có.

8 lần phạt phòng cháy chữa cháy vẫn chưa xong

Một trong những vấn đề mà người dân đang sinh sống tại tòa nhà CT6C lo ngại chính là độ an toàn về phòng cháy chữa cháy. Với tòa nhà sai phạm như vậy, việc phòng cháy chữa cháy có được chủ đầu tư đảm bảo.

Ngày 21/5, Đại tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hà Nội) trả lời Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bằng văn bản.

Theo đó, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hà Nội cho biết: “Tòa nhà CT6 Khu đô thị Xa La – phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.

Công tác thẩm duyệt: Tòa nhà CT6 đã được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ – Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy số: 1759/TD-PCCC-P3 ngày 05/11/2012 và văn bản thẩm duyệt số: 7152/PCCC&CCCH-P6 ngày 23/11/2017 đối với hồ sơ thiết kế điều chỉnh.

Công tác nghiệm thu: Tòa nhà CT6 đã được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an nghiệm thu lần 1 ngày 28/11/2013 và lần 2 ngày 3/4/2018, kết quả chưa đạt yêu cầu”.

Công tác xử lý vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy đối với Tòa CT6  cụ thể như sau: Ngày 5/12/2013, nội dung vi phạm: không thực hiện các kiến nghị về phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản, số tiền phạt 3,5 triệu đồng.

Ngày 3/11/2014, nội dung vi phạm Đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, số tiền phạt 80 triệu đồng.

Ngày 3/11/2014, nội dung vi phạm Thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt, số tiền phạt 23 triệu đồng….”.

Cũng theo Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố Hà Nội, Tòa nhà CT6 tiếp tục bị xử phạt vào các ngày 29/7/2015, ngày 28/12/2015, ngày 9/10/2017. Tổng số lần xử phạt của Tòa nhà CT6 lên đến 8 lần, tổng số tiền 242.100.000 đồng.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 9 – Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động số 68/QĐTĐC-PC&CC9 ngày 10/10/2017 và đình chỉ hoạt động theo Quyết định số 14/QĐTĐC-PC&CC9 ngày 8/11/2017 đối với khu vực tầng hầm và siêu thị tòa nhà CT6.

Đáng nói, trong danh sách các công trình vi phạm về Phòng cháy chữa cháy mà Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng từ năm 2017 đã có nêu đến tòa nhà CT6C khu đô thị Xa La – Phường Kiến Hưng, quân Hà Đông.

Cũng trong văn bản trả lời Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá Trần Văn Vụ cho biết để tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy nhưng đã đi vào hoạt đông thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Trần Phương - Ngọc Hân