Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 7/11/2019, Đại biểu Cao Thị Giang (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề công khai với các trường hợp sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ như bổ nhiệm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện; bổ nhiệm quá số lượng quy định, chưa đáp ứng về trình tự, thủ tục; bổ nhiệm người nhà, người thân... để đại biểu Quốc hội và nhân dân biết và giám sát?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, khi có kết luận 43 của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ đã có văn bản yêu cầu 63 tỉnh, thành phố, các đơn vị của Trung ương làm báo cáo bước đầu tự kiểm tra về sai phạm trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng.
Con số báo cáo kết quả kiểm tra này đã được Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp báo cáo chung gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Nội vụ chỉ chịu trách nhiệm tổng kết báo cáo trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
“Tôi biết hiện nay có những đồng chí sai phạm hiện là cán bộ cấp cao, nên việc xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm và phải theo từng tình huống xử lý cho phù hợp, vừa đảm bảo nghiêm minh pháp luật, vừa đảm bảo sự ổn định chính trị và đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.
Vấn đề này chúng tôi đã trình và được lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương tổ chức cuộc họp ban lãnh đạo, thống nhất rất cao”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, đồng thời khẳng định sai phạm trong tuyển dụng hiện chiếm nhiều nhất trong số các loại sai phạm.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn |
Theo Bộ trưởng Nội vụ cho biết “có những tỉnh đã sai phạm về tuyển dụng trên 1.700 trường hợp”, nếu không giải quyết được cái gốc của vấn đề là tuyển dụng thì các bước tiếp theo sẽ vướng.
Tạm thời Bộ Nội vụ đề nghị giải quyết bám theo kết luận 43, xử lý vừa có tình, vừa có lý, phù hợp với tình hình hiện nay đang chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay có một số trường hợp đã được bổ nhiệm trước tháng 6/2012, tức là trước khi ban hành kết luận 43 của Bộ Chính trị, hoặc nằm trong giai đoạn từ tháng 6/2012 đến ngày 27/12/2017 nhưng đến nay đã hoàn thành hồ sơ thủ tục thì không xem xét lại, chỉ kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan tham mưu, đề xuất.
“Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phải xử lý kiên quyết. Chúng ta phải làm cho ráo rốt, cho kỹ để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng các cấp”, ông Tân nói.
Quy trình chặt chẽ, sao vẫn xảy ra nhiều sai phạm?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) đặt vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã xem xét kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu việc này là việc thật đau xót nhưng không thể không làm; nhiều cơ quan địa phương cũng đã phải xử lý kỷ luật, kể cả xử lý hình sự nhiều cán bộ sai phạm; báo chí dư luận cũng phản ánh nhiều về hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức vô cảm.
Lãnh đạo là phải xác định hy sinh, cống hiến vì dân, vì nước |
Đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi: Chúng ta có quy trình tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ khá chặt chẽ, sao lại xảy ra hiện tượng nhiều cán bộ, công chức, viên chức sai phạm, đạo đức công vụ của một bộ phận không đáp ứng yêu cầu như vậy. Nguyên nhân và giải pháp thế nào để khắc phục trong thời gian tới?
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận: “Quan trọng là chúng ta không nắm được cán bộ. Tất cả cán bộ đều thông qua hồ sơ, lý lịch, nhận xét, đánh giá tuyển chọn của cấp dưới... Chúng ta làm rất nhiều quy trình, rất nhiều thủ tục, rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng chúng ta chọn không đúng người, không hiểu được người, không hiểu được cán bộ”.
Theo ông Tân, từ các sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, hồ sơ của cán bộ, công chức khai không trung thực nhưng không phát hiện được, nhiều hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chuyển đến nhưng cơ quan tổ chức cất vào tủ, không đi xác minh.
“Vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có các quyết định giao cho các cơ quan và người làm công tác tham mưu, tổ chức khi nhận hồ sơ, cán bộ phải thẩm tra, xác minh lại, làm cơ sở trong việc xem xét, đề bạt, bổ nhiệm của cán bộ chứ không phải là chỉ thấy có chữ ký của Vụ trưởng tổ chức hay chữ ký của cơ quan đơn vị gửi đến là coi như có trách nhiệm thuộc cơ quan trước”, ông Tân cho biết.
Bộ trưởng đề nghị, các địa phương làm việc, chỉ đạo đối với các Sở Nội vụ, Ban Tổ chức và cán bộ tổ chức quản lý hồ sơ cán bộ phải kiểm tra hồ sơ chứ không phải chỉ cất hồ sơ. Vấn đề này rất quan trọng, thấy hồ sơ tất cả cái gì cũng đẹp, học hành đàng hoàng, khi đề bạt, bổ nhiệm rồi, lật ra mới thấy có vấn đề, mới thấy khai gian lý lịch...
“Phải quản lý chặt hồ sơ cán bộ để nắm cho chắc hồ sơ cán bộ, như đồng chí Trưởng ban Tổ chức trung ương thường nói, chúng ta là cán bộ phải đi tìm cán bộ tốt, chứ đừng để người ta đến tìm mình. Tôi nghĩ đây là một trong những vấn đề chúng ta phải làm công tâm và khách quan thì mới mong kiếm được cán bộ giỏi trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính ngày 30-10-2019, Bộ Nội vụ đã nhận và tổng hợp số liệu báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2018 của 32 bộ, ngành ở trung ương và 63 địa phương. Kết quả: + Đối với công chức (tổng số gần 478.000 người): Số công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gần 133.000 người (chiếm tỉ lệ 27,77%); Số hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn 326.000 người (chiếm tỉ lệ 68,25%); Số hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực gần 11.000 người (chiếm tỉ lệ 2,27%); Số không hoàn thành nhiệm vụ là 3.013 người (chiếm tỉ lệ 0,63%). + Đối với viên chức (tổng số hơn 1,7 triệu người): Số hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên 485.000 người (chiếm tỉ lệ 27,88%); Số hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 1,1 triệu người (chiếm tỉ lệ 65,79%); Số hoàn thành nhiệm vụ trên 102.000 người (chiếm tỉ lệ 5,89%); Số không hoàn thành nhiệm vụ trên 6.500 người (chiếm tỉ lệ 0,38%). Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) hỏi: Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như con số này chính xác, đây là một điều rất đáng mừng. Chúng tôi đề nghị bộ trưởng cho biết con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không? Và nếu không đúng, nguyên nhân xuất phát từ quy định về đánh giá, phân loại công chức không phù hợp hay có sự nể nang, dĩ hòa vi quý trong quá trình đánh giá, phân loại công chức?” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời: “Với tư cách là bộ trưởng Nội vụ, tôi cho rằng nhận xét, đánh giá này chưa chính xác”. Lý giải về điều này, ông Tân cho rằng các địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá, với tiêu chuẩn, điều kiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ công việc cụ thể; có cả tình trạng nể nang. Theo ông Tân, việc đánh giá cán bộ, công chức đang thực hiện theo quy định tại Nghị định 56 và Nghị định 88 nhưng “cũng không yên tâm”. Vừa qua, Trung ương đã ban hành Quy định 89, 90 về tiêu chí đánh giá, sắp tới cần ban hành một nghị định mới, thay thế hai nghị định nói trên. Bộ trưởng cho biết: “Tới đây chúng ta phải làm việc này cho nghiêm túc. Đánh giá cán bộ gì mà đến mức không tìm ra được người để tinh giản biên chế? Tinh giản biên chế theo Nghị định 108 khó quá, không có đối tượng nào lọt vô đối tượng giảm biên chế được. Trong khi đó dư luận xã hội nói chỉ có 30% làm việc được thôi” và “Cần có đánh giá ngang, đánh giá dọc, đánh giá đa chiều, trên đánh giá dưới, dưới đánh giá trên bằng những sản phẩm cụ thể”. |