Truất lương hưu, danh xưng, nhìn dưới góc độ khoa học và thế giới

08/11/2019 06:40
Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương,
(GDVN) - Thay vì ban hành luật truất lương hưu, không đáp ứng khoa học pháp lý thì hãy hoàn thiện luật hình sự, ban hành luật truy thu và siết nợ tài sản.

LTS: Hiện đang sinh sống tại Cộng hòa liên bang Đức - Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương đã có những phân tích và quan điểm về việc cắt lương hưu và vấn đề bác bỏ các danh xưng.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Góp ý tại phiên thảo luận trên hội trường Quốc hội ngày 24/10 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp, dẫn kinh nghiệm từ Đức trong việc xử lý các công chức đã nghỉ hưu, đề xuất:

“Phải kỷ luật cái hiện hữu đang có là giảm và truất lương hưu, hệ quả của nó là tác động đến lợi ích vật chất và tinh thần của người bị kỷ luật, bao gồm lương hưu và các chức danh, chức vụ, danh xưng… đã có trước khi nghỉ hưu...”.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp (Ảnh: quochoi.vn).
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp (Ảnh: quochoi.vn).

Ở các nước pháp trị, công đoạn thảo luận tại nghị trường là quyền và trách nhiệm của nghị sĩ, dù đúng dù sai, cần trân trọng. Nhưng khi ban hành có 3 dấu hiệu Luật buộc phải thoả mãn:

(1) Không mâu thuẫn với các văn bản luật khác. Chính vì vậy, bất kỳ luật nào ra đời như Đức đều phải liệt kê hàng loạt các văn bản luật khác liên quan những điều khoản cần sửa đổi bổ sung, nếu không khi thực hiện áp dụng sẽ mâu thuẫn nhau.

(2) Văn bản lập pháp, đánh giá đúng sai phải lấy Hiến pháp làm thước đo (chứ không lấy quan điểm nhận thức của nghị sỹ hay nhóm nào). Nghĩa là văn bản lập pháp phải chịu tài phán của Toà Hiến pháp nếu bị kiện.

Lưỡng viện Đức từng vất vả tranh cãi sôi sục mới thông qua được Luật cắt giảm tiêu chuẩn trợ cấp cho người nhập cư bất hợp pháp vào Đức xin tỵ nạn, xuống thấp hơn tiêu chuẩn trợ cấp bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động ở Đức thất nghiệp dài ngày.

Ấy thế mà bị Toà Bảo hiến tuyên hủy khi bị 3 công dân Đức cùng kiện, cáo buộc Luật vi phạm Hiến pháp, bởi Hiến pháp buộc “mọi người sinh ra được quyền bình đẳng, trong đó có quyền được sống”, trong khi mức sống tối thiểu hàm nghĩa không thể thấp hơn mới có thể sống thì người xin tỵ nạn không được quyền sống đó.

Hiến pháp họ quý như bảo bối, bởi nó có giá trị sử dụng cao nhất, được Toà Bảo hiến áp dụng với nhiều án quyết mỗi năm để chế tài nhà nước một khi xảy ra tranh chấp pháp lý (tức lượng hoá nguyên lý: nhà nước thuộc sở hữu của dân).

(3) Đáp ứng được đối tượng điều chỉnh đặt ra đòi hỏi buộc phải ban hành Luật đó. Trong bản dự thảo, đó là mục đầu tiên: đặt vấn đề.

Để chứng minh, trong dự thảo cũng như thảo luận họ thường viện dẫn cả kinh nghiệm thế giới (bởi thực tế là thước đo chân lý - C.Mác).

Đề xuất của đại biểu Hiển truất lương hưu cùng các danh xưng quá khứ bằng cách “viện dẫn kinh nghiệm Đức” cũng là thông lệ thế giới, đáng tiếc không được truyền thông đăng chi tiết dẫn luật, điều, khoản cụ thể nào.

Nhưng riêng về nội dung đề xuất cho Việt Nam hoàn toàn không đúng thực tế Đức.

Hệ luỵ với thông tin trên vừa dẫn sai căn cứ thực tế thế giới cho Quốc hội vừa làm người nghe hiểu sai về khoa học luật pháp.

Vấn đề truất lương hưu

Ở Đức, chăm sóc giáo dục mọi trẻ em là nhắm đến tương lai của bản thân nó và xã hội. Nhưng chăm sóc bảo đảm cuộc sống tuổi già cho mọi người dân qua lương hưu lại vừa là nền tảng vừa là mục đích mà thế hệ trẻ tới lượt mình sẽ đạt được trong tương lai.

Lý do đơn giản, một trẻ đang học giỏi toàn năng với bố mẹ già lão, ốm đau, thiếu thốn không được nhà nước bảo đảm, thì phải nghỉ học để chăm sóc bố mẹ. 

Đại biểu đề xuất cắt, giảm lương hưu với cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật
Đại biểu đề xuất cắt, giảm lương hưu với cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật

Vì vậy, ở họ, hệ thống tiền hưu trí bảo đảm tuổi già cực kỳ phong phú dựa trên 3 mô hình cơ bản, gọi là trụ cột (Säulen-Model):

(1) Lương hưu bắt buộc. Theo đó, bất kỳ người lao động hưởng lương nào, không phân biệt chủ thuê việc tư nhân hay nhà nước, hoặc công viên chức, đều có quyền hưởng lương hưu do cả chủ lao động lẫn người lao động đóng phí bảo hiểm hưu trí hàng tháng theo mức luật định vào quỹ hưu trí.

Qũy hưu trí này lại được tách ra qũy hưu trí cho lao động làm thuê; qũy hưu trí cho nông dân; qũy hưu trí cho chuyên nghề như bác sỹ, luật sư; qũy hưu trí cho nghệ sỹ; Qũy hưu trí công viên chức.

Mỗi loại quỹ do từng cơ quan bảo hiểm chuyên ngành độc lập quản lý theo luật định, không chịu sự chỉ đạo của cơ quan hành chính nhà nước.

Ở Đức qũy hưu trí của công viên chức nhà nước mang tính đặc thù, khác xa so với các lao động khác, đến lương và lương hưu cũng gọi tên khác, phí bảo hiểm hưu trí do nhà nước đóng... bởi họ coi trách nhiệm công viên chức như binh sĩ.  

(2) Lương hưu bổ sung do cơ quan, chủ thuê việc đóng cho người lao động hưởng lương hay cơ quan nhà nước đóng cho cán bộ nhân viên.

(3) Lương hưu cá nhân, gồm bảo hiểm nhân thọ, qũy tiết kiệm, tiết kiệm cho tuổi già... được nhà nước hỗ trợ, hay mua sẵn nhà đất tạo thu nhập khi về già (thực ra ở ta dù có truất được lương hưu những cán bộ bị xử tham nhũng cũng vô nghĩa nếu so với tài sản họ có được từ tham nhũng).

Tất cả 3 mô hình qũy hưu trí trên, tiền hưu trí dù dưới bất kỳ dạng nào đều thuộc tài sản của chủ nhân nó, không có bất kỳ luật nào cho phép bất kỳ cơ quan nhà nước nào can thiệp “giảm, truất“ nó cả.

Ngoại trừ được người hưu trí đồng ý hay án lệnh áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể buộc cơ quan bảo hiểm phải cắt chuyển cho bên thứ 3.

Chẳng hạn con cái đang hưởng tiền hưu trí có cha mẹ vào trại dưỡng lão hiện nay phí tổn trên 3.000 Euro/tháng, nếu tiền bảo hiểm điều dưỡng (nằm trong tiền bảo hiểm y tế) cùng tiền hưu trí của cha mẹ không đủ trả, thì con cái phải bù dù chỉ hưởng lương hưu.

Tuy nhiên chỉ trong trường hợp, thu nhập của con cái cao hơn mức bảo đảm cuộc sống của cả gia đình người con. Còn không, nhà nước phải trích ngân sách bù cho qũy bảo hiểm.

Giải thích tại sao cha mẹ con cái người Đức thường không đặt nặng hay ỉ lại tiền cho hay thừa hưởng của nhau.

Luật truất lương hưu ở Đức chỉ điều chỉnh đối với loại lương cùng tiền hưu trí mang tên Ehrensold (dịch nghĩa: lương công chức danh dự) dành cho Tổng thống được hưởng trọn đời (nghĩa là cả khi ốm đau, về hưu cũng không bị cắt giảm cho tới chết).

Lịch sử Đức chỉ duy nhất một lần áp dụng đối với Tổng thống Wulff nhưng bất thành, khi ông dính bê bối phải từ chức tháng 2/2012, để Viện Kiểm sát điều tra các tố cáo.

Sau khi điều tra 21 trường hợp ngờ vực vụ lợi, tháng 3/2013, ông bị Viện Kiểm sát Hannover kiện ra toà với cáo buộc mỗi một trường hợp nhận hối lộ 400 Euro và đề nghị hình phạt tiền 20.000 Euro.

Ngày 27/02/2014, ông được toà tuyên trắng án.

Vấn đề tới nay vẫn còn tranh cãi là theo Luật về tiền lương danh dự 236.000 Euro/năm, tổng thống từ chức chỉ được hưởng trọn đời một khi vì lý do sức khoẻ hoặc chính trị.

Trước lúc Wulff từ chức đã có 2 giám định khoa học khẳng định lý do từ chức không phải vì sức khoẻ hay chính trị mà do cá nhân, đồng thời cũng khẳng định Wulff không có thu nhập nào khác ngoài lương đó, nếu truất sẽ ảnh hưởng.

Tuy nhiên, tháng 3/2012 phủ tổng thống vẫn tuyên bố Wulff được hưởng trọn đời vì lý do chính trị, và được Ủy ban Ngân sách hạ viện chuẩn thuận.

Cách giải quyết

Trong xét xử hình sự hay dân sự đều có quy định áp dụng hình phạt tiền và bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Tiền đó bên bị có thể lấy từ nhiều nguồn mà họ có, như bất động sản (đối với quan chức tham nhũng nhiều hơn lương hưu nhiều lần), qũy tiết kiệm, tiền lương, tiền hưu trí để trả.

Hai luồng ý kiến trái ngược về đề xuất tăng tuổi hưu tại Quốc hội
Hai luồng ý kiến trái ngược về đề xuất tăng tuổi hưu tại Quốc hội

Nếu không trả, Toà án có quyền siết nợ các nguồn đó, miễn là bảo đảm mức sống tối thiểu cho họ, do luật pháp quy định.

Còn trong trường hợp không có khả năng trả, như ở Đức có thể quy ra ngày tù tính theo mức thu nhập hàng ngày của người đó.

Như vậy, thay vì ban hành luật truất lương hưu, không đáp ứng khoa học pháp lý, thì hãy hoàn thiện luật hình sự, lượng hoá trách nhiệm bồi thường thành tiền, ban hành luật truy thu và siết nợ tài sản (không chỉ mỗi lương hưu vốn quá ít ỏi so với tài sản tham nhũng có được).

Qua đó, vừa bảo đảm được khoa học pháp lý vừa đạt được mục đích như đại biểu Hiển đề xuất “tác động đến lợi ích vật chất... của người bị kỷ luật”.

Vấn đề bỏ các danh xưng

Ở Đức không có tiền lệ đó.

Chức danh, chức vụ, danh xưng chỉ là tên gọi và thuộc thời quá khứ, thời hiện tại không thể sửa cái đã qua (Vua Lê Chiêu Thống bị coi bán nước, Quốc trưởng Hitler bị Toà tuyên phạm tội diệt chủng chống lại loài người, hậu thế nhắc đến vẫn không thể bỏ danh xưng Vua, Quốc trưởng được hay như Hà Tây gọi tép là tôm, sai so với cả nước đến vậy mà hiện cũng không thể thay đổi) ngoại trừ các danh xưng đó mang tính danh dự hay do thi cử, xét duyệt, sau này phát hiện sai phạm buộc phải tước bỏ, như hoa hậu, các loại bằng cấp, thậm chí cả giấy phép lưu trú, nhập quốc tịch.

Tham khảo quy trình làm luật ở Đức

Theo dõi các phiên họp quốc hội ở ta, các dự luật được các đại biểu sôi nổi góp ý. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra, các góp ý đó được đưa vào sửa đổi dự thảo như thế nào?

Về mặt toán học, không một dự thảo nào, một đại biểu nào bác bỏ 100% cả, chỉ bác bỏ 1 phần không thể quá 50%.

Từ đó, suy ra khả năng biểu quyết thông qua bất kỳ dự thảo nào cũng thường quá bán, dù sai tới đâu.

Để tránh tình trạng đó, ở Đức Quốc hội thông qua dự thảo luật phải thực hiện qua 3 lần họp toàn thể gọi là 3 bước:

- Bước 1: Trình bày dự thảo trước cuộc họp toàn thể xin ý kiến nghị sỹ. Các ý kiến đó được đưa về các Ủy ban liên quan cho ý kiến tiếp thu, giải trình bằng văn bản.

- Bước 2: Trình bày trước quốc hội tiếp thu các ý kiến ở bước 1.

- Bước 3: Biểu quyết, bước này có thể thực hiện ngay sau bước 2, nếu không có ý kiến nào đề xuất tiếp (biểu quyết thường thực hiện bằng cách mời vào hội trường qua 2 cửa, phân ra cửa đồng ý và không đồng ý để đếm).

Đầu tư cho quốc hội ở Đức

Chất lượng lập pháp, ngoài yếu tố năng lực nghị sỹ, hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô đầu tư cho quốc hội.

Con số thống kê cách đây 5 năm cho thấy, Quốc hội Đức họp phiên toàn thể hết tổng cộng 800 giờ, nếu tính 1 ngày làm việc 8 tiếng, thì tương đương 100 ngày hay 5 tháng họp liên tục (trừ 2 ngày cuối tuần và nghỉ lễ), so với ở ta chỉ họp một số phiên toàn thể trong 2 kỳ làm việc tập trung, mỗi kỳ 1 tháng.

Với tổng số giờ họp trên, Quốc hội Đức đã tổ chức tổng cộng 69 phiên họp toàn thể, (bình quân 5 ngày niên lịch có 1 cuộc họp), với 4.260 lượt phát biểu (bình quân mỗi cuộc họp toàn thể có 62 ý kiến, và mỗi nghị sỹ phát biểu tại những hội nghị đó 7 lần trong năm), thông qua được tổng cộng 101 văn bản luật, nghĩa là bình quân chừng 3,5 ngày nước Đức có 1 luật mới hoặc sửa đổi bổ sung; không thế, không thể có được một hành lang pháp lý để buộc nhà nước phải vận hành theo nó.

Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục
Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục

Chỉ riêng băng video quay lời phát biểu, người ta phải xem tổng cộng 1 tháng ròng rã không có giờ nghỉ mới hết, cho thấy Nghị sỹ họ phải tâm huyết và chịu trách nhiệm với vai trò của mình công khai, triệt để tới mức nào.

Để đạt được kết qủa trên, bằng quyền lực tối cao của mình, Quốc hội đã chất vấn Chính phủ tổng cộng 6.545 câu hỏi, đặt sức ép giám sát chặt chẽ lên Chính phủ phải trả lời chừng ấy câu hỏi bằng văn bản, chỉ có thể đáp ứng một khi thực sự đủ năng lực đảm đương và cũng là thước đo khẳng định năng lực đó, rất cần cho quy luật đào thảo tự nhiên trong trường hợp ngược lại.

Quốc hội Đức có tổng cộng 22 ủy ban chuyên môn và ủy ban điều tra, họp tổng cộng 693 phiên trong năm, bình quân mỗi ngày niên lịch có gần 2 cuộc họp và mỗi ủy ban tổ chức tới trên dưới 31 cuộc họp trong năm.

Thiếu tiền đề, căn cứ này, Quốc hội khó có thể ban hành được văn bản luật sát với đòi hỏi của người dân, của đất nước phát triển từng ngày, luôn cần đến những giám định, điều tra, phản biện từ thực tế luôn vận động đó.

Tổng hồ sơ kết qủa công việc của Quốc hội đưa in ấn lên tới 3.904 thư mục, gồm các dự luật, các nghị định, các tờ trình, các nghị quyết, các báo cáo, các chất vấn và các thông báo, truyền đạt.

Một khối lượng công việc đồ sộ như trên, không quốc hội nước nào có thể thực hiện nổi, nếu không có một bộ máy hành chính chuyên nghiệp phục vụ cho nó để làm công việc chuẩn bị, thu thập tư liệu, ghi chép, lưu trữ toàn bộ quá trình và kết qủa làm việc của quốc hội, công bố và chuyển cho các cơ quan liên quan.

Bộ máy đó trên 6.000 người, gồm trên 2.000 người phục vụ cho nghị sỹ, bình quân mỗi nghị sỹ có 3-4 cộng sự có bằng cấp chuyên môn, 850 người phục vụ cho 6 đảng đoàn (mỗi đảng phái là 1 đảng đoàn) và 2.793 nhân viên sự nghiệp hành chính, tạp vụ làm việc trong tổng số 20 khu nhà dành riêng cho Quốc hội, với diện tích sàn lên tới 398.246,98 m2 -  cho thấy nước Đức chú trọng tập trung sức người, sức của cho Quốc hội ở mức độ nào, bởi quyền lực cao nhất muốn thực hiện cũng không thể trông vào 2 bàn tay trắng, hay dựa vào ý chí là được, mà cần tiền đề thực lực.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Phương,