Hiệp hội góp ý kiến dự thảo Đề án “Toàn dân tham gia chống tham nhũng"

25/08/2020 06:12
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 24/8, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có văn bản góp ý gửi Ban Thường vụ ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Hiệp hội nhận công văn số 1248/MTTW-BTT đề ngày 14/8/2020 của Ban Thường trực thuộc Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam về việc góp ý kiến dự thảo Đề án cuộc vận động “Toàn dân tham gia chống tham nhũng”.

Nghiên cứu Dự thảo Đề án, Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021 (Quyết định 861), một số văn bản liên quan và tình hình thực tế, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có một số ý kiến dưới đây.

Một là, nhận dạng về dự thảo đề án

Dự thảo Đề án được gắn với đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 861. Nội dung Dự thảo Đề án bao gồm:

Phần I. Sự cần thiết, yêu cầu, mục tiêu, phạm vi, đối tượng của cuộc vận động

Phần này cho thấy công cuộc đấu tranh chống tham nhũng luôn được sự chú trọng của Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Đã có một số chương trình hành động nhằm phòng chống tham nhũng nhưng lần này Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam xây dựng một Đề án vận động toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng. Như vậy, Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết liệt hơn với nạn tham nhũng.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn.

Phần II. Nội dung và giải pháp thực hiện

Phần này bao gồm: (i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công dân về phòng chống tham nhũng; (ii) Sự tham gia giám sát, phản biện xã hội góp phần hoàn thiện chính sách phòng chống tham nhũng của Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam và các hội viên;

(iii) Tiếp nhận, xử lý thông tin về phòng chống tham nhũng; (iv) Phát huy vai trò của báo chí, tổ chức tôn giáo và cộng đồng; (v) Bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện tố cáo hành vi tham nhũng.

Năm nhóm nội dung trên đã quen thuộc. Tuy nhiên tìm hiểu kỹ dự thảo thì từng nhóm nội dung của Đề án đã đi vào chiều sâu (nhất là nội dung trọng tâm và giải pháp thực hiện), đã gợi mở nhiều biện pháp quyết liệt phù hợp lòng dân, nếu thực hiện được sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực.

Phần III. Tổ chức thực hiện

Phần này có gồm 11 mục với 3 nhóm việc. Nhóm một là phân công điều hành (các mục 1, 2); Nhóm hai là hình thành tổ chức triển khai công việc (mục 3); Nhóm ba là tạo sự phối hợp công việc (các mục 4 đến 11). Cách làm này phù hợp với sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ của Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam được luật pháp quy định.

Phần IV. Biện pháp bảo đảm

Phần này nêu hai biện pháp: (i) Về tổ chức nhân sự của Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội các cấp; (ii) Về kinh phí bảo đảm hoạt động của đề án.

Hai là, ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Thứ nhất, tham nhũng là hiện tượng dai dẳng, diễn biến phức tạp nên việc phòng chống tham nhũng vừa là công việc trước mắt vừa là công việc lâu dài.

Thứ hai, đề án cuộc vận động “toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng” ra đời trên cơ sở của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ về “tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

Như vậy, về nguyên tắc Đề án của Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng vào giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên hiện nay đã là cuối Tháng 8 năm 2020 và cả nước đang thấp thỏm với đại dịch Covid -19.

Thứ ba, trong bối cảnh trên, ý kiến của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về Dự thảo Đề án như sau:

Cơ bản thống nhất với Dự thảo Đề án cuộc vận động “toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng” đã được Ủy Ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam chuẩn bị và gửi kèm Công văn 1248/MTTW-BTT ngày 14/8/2020.

Nên bố trí thời gian thực hiện Đề án từ 2021 đến 2025 cho phù hợp với khả năng chuẩn bị đề án (khi Đề án được phê duyệt còn chờ cấp kinh phí, nhanh nhất vào cuối 2020 đề án chuẩn bị xong và 2021 đi vào hoạt động), với tính chất công việc đồng thời để ăn nhịp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng và chu kỳ kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm của Nhà nước.

Đề án nên có thêm phần lộ trình và kết quả công việc cho từng năm. Như vậy, trường hợp thời hạn thực hiện Đề án vẫn là 2019-2021 thì chúng ta chỉ khu trú vào phần việc tương thích với thời gian cho phép mà lộ trình Đề án đã định vị.

Trên đây là những góp ý của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam về dự thảo Đề án cuộc vận động “toàn dân tham gia phòng chống tham nhũng”.

Thùy Linh