Hợp tác quốc tế là đón sinh viên ngoại vào, đưa sinh viên mình ra ngoài học

04/03/2017 08:01
Tú Anh
(GDVN) - Đó là cách thực hiện hợp tác quốc tế rất đơn giản, hiệu quả và dễ thực hiện, giúp sinh viên học tiếng anh và hòa nhập vào môi trường giáo dục bên ngoài.

Phó giáo sư Bùi Xuân Lâm, Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ thông tin (HUTECH) đã khẳng định như vậy tại hội thảo bàn về những nội dung của cuộc cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin, chiến lược liên kết giữa các trường Đại học, Cao đẳng ngày 24/2.

Ông Lâm cho biết, hiện Đại học Công nghệ thông tin mỗi khóa học có khoảng 20-30 sinh viên nước ngoài theo học. Ngược lại, trường cũng đưa rất nhiều sinh viên ra nước ngoài du học. 

Sự trao đổi ngược sinh viên như vậy chính là chiến lược mà Đại học Công nghệ thông tin thực hiện trong bối cảnh hợp tác quốc tế về giáo dục. 

Dạy học sinh viết chữ đã lỗi thời

Theo phó giáo sư Bùi Xuân Lâm, trong bối cảnh hợp tác quốc tế và cuộc cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay thì toàn bộ mọi vấn đề về giáo dục đều thay đổi. Nó thay đổi đến mức độ quốc gia, trường học và hộ gia đình.

Nếu thay đổi như vậy thì phương pháp dạy viết chữ không còn phù hợp nữa. Dạy cho học sinh gõ bàn phím trên máy tính, gõ làm sao cho nhanh, gõ làm sao cho ra con chữ là lựa chọn phù hợp.

Vì thế, các trường muốn tạo ra một hiệu ứng tốt thì phải liên kết toàn bộ, liên kết toàn cầu. Có nghĩa rằng, các trường phải cung cấp được dịch vụ chất lượng, an toàn và đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.

Phó giáo sư Bùi Xuân Lâm cho rằng, hợp tác quốc tế hiệu quả nhất là đón sinh viên ngoại gào trường học, đưa sinh viên trường mình ra trường bạn học: Ảnh: T.A
Phó giáo sư Bùi Xuân Lâm cho rằng, hợp tác quốc tế hiệu quả nhất là đón sinh viên ngoại gào trường học, đưa sinh viên trường mình ra trường bạn học: Ảnh: T.A

Bởi, các sinh viên sử dụng dịch vụ của nhà trường giống như đi siêu thị vậy. Các em thấy mặt hàng nào tốt thì bỏ vào giỏ, còn cái nào không tốt thì nhất định không lấy. 

Chúng ta cũng vậy, ai chẳng muốn trả giá cao để mua một dịch vụ tốt. Như vậy thì các trường đại học sẽ gặp phải vấn đề gia tăng chi phí đào tạo để tạo sao một sản phẩm dịch vụ tốt.

Thế nhưng, hiện nay các trường đang gặp một vấn đề là bị giảm các ngân sách từ chính phủ. Cần tăng chi phí, cần cung cấp dịch vụ tốt, cần giảm chi phí từ chính phủ thì chỉ có cách tạo ra các mô hình các trường tư thục thật nhiều để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. 

Các trường đại học cạnh tranh nhau

Theo ông Lâm, hiện nay các trường đại học đang cạnh tranh nhau về chất lượng đầu vào của sinh viên. Việc này xảy ra cũng bởi, hiện đang có rất nhiều trường đại học lớn ở nước ngoài đến Việt Nam mở trường theo mô hình tư thục và đáp ứng rất tốt nhu cầu của sinh viên.

''Chúng ta thấy đó, hiện đang có một vấn đề được nhiều người quan tâm là sự thay đổi về nhân khẩu học. Các nước phát triển thì dân số của họ già rồi.

Giáo dục của họ rất phát triển nhưng lại ít người học. Nước ta chính là nơi cung cấp sinh viên rất tốt vì dân số đông, các sinh viên lại thích học môi trường quốc tế.

Vậy đó có phải là lực cản của các trường không. Có chứ. Trường mở ra mà không có sinh viên thì phá sản cho rồi''.

Đứng trước thách thức đó, các trường phải thay đổi về chất lượng đào tạo, phương pháp đào tạo, làm sao để sinh viên khi ra trường phải có việc làm ngay thì mới là vấn đề.

''Tôi lấy một ví dụ đơn giản đó là, chiếc xe của tôi bị móp, tôi chẳng biết làm sao cả, phải đưa ra hãng sửa thôi. 

Trước khi đi sửa, tôi lại muốn làm sao cho nó đỡ móp. Tôi lên mạng tìm các clip hướng dẫn cách sửa. 

Chỉ cần vài từ khóa thôi, nó ra hàng chục clip, chỉ rằng dùng ống cống, lấy nước xôi xịt vào chỗ móp là được. Tôi cứ thế thực hiện, y như rằng chiếc xe hết móp ngay. 

Trong giáo dục cũng vậy. Bây giờ sinh viên cần gì thì cứ thế lên mạng tìm là có hàng loạt thông tin cho từ khóa hiện ra trong tích tắc.

Vậy bây giờ, chúng ta nên dạy sinh viên phương pháp tìm ra cách chữa cái xe bị móp, thuật ngữ trong tiếng anh, sử dụng từ khóa như thế nào để tìm kiếm cho nhanh thôi'', ông Lâm nêu quan điểm. 

Thế nhưng, ông Lâm cho rằng, hiện nay lãnh đạo các trường rất muốn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thời đại, phù hợp với những gì đặt ra của cuộc cách mạng 4.0. Thế nhưng, vấn đề nguồn lực đang là một rảo cản của các trường.

''Có hàng trăm giáo viên đứng lớp dạy theo phương pháp truyền thống rồi thì kêu họ thay đổi sao được. Mấy chương trình mới toàn tiếng nước ngoài thôi, sao họ đọc được.

Vậy nên không thể bỏ cái truyền thống ngay được đâu. Chúng ta phải giữ cái nào cần thiết lại, cái nào không cần thiết thì nên mạnh dạn bỏ đi'', ông Lâm nói.

Cho sinh viên nước ngoài học miễn phí tại trường

Ông Lâm cho biết, hiện trường Đại học Công nghệ vấn đề phát triển quan hệ quốc tế đang triển khai rất tốt. Đó là trường luôn mở cửa để đón sinh viên ngước ngoài vào học, thậm chí là cho học miễn phí.

"Sinh viên nước ngoài sang mình học họ cũng thích lắm. Trường tôi nhận các em sang học thì trường các em cũng nhận sinh viên trường tôi sang đó học. 

Thế là sinh viên của tôi đến các trường của Mỹ, Canada học mà đâu có tốn đồng nào. Có em học hai năm ở trường xong sang Mỹ học tiếp hai năm nữa là được bên đó họ cấp bằng. 

Được đi đu học sinh viên thích lắm. Có em đi học xong về truyền thông tin cho người khác. Vậy là các em cứ thế thay nhau đi du học nước ngoài.

Đó mô hình hợp tác quốc tế như thế rất hiệu quả mà không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Nó còn giúp các sinh viên trong trường trau dồi kiến thức tiếng anh cho mình rất tốt.

Cứ trong lớp có sinh viên nước ngoài học, các sinh viên khác muốn giao tiếp tốt với họ thì phải giỏi tiếng anh. Người nào chưa giỏi, nói chuyện với sinh viên nước ngoài sẽ giỏi thôi. 

Vậy đó, sinh viên nước ngoài khi học đại học cần phải có một kỳ hoặc một năm trải nghiệm ở nước ngoài thì ngại gì chúng ta không mời các em về học ở trường mình'', ông Lâm nói. 

Bàn về vấn đề này, phó giáo sư Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, muốn hợp tác quốc tế tốt và các trường hợp tác lần nhau thì cần phải thay đổi nguồn nhân lực, phương pháp đào tạo, phương pháp nghiên cứu và quy trình tự thay đổi. 

Làm tốt được bốn điều trên thì ắt hẳn nhà trường sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 đặt ra.

Đại diện phía Đại học Hoa Sen hợp cho rằng, hợp tác quốc tế tại các trường đại học ở Việt Nam vốn gắn liền với một phòng ban chức năng, thường mang tên là Phòng Hợp tác quốc tế. 

Phòng này chịu trách nhiệm chính trong việc tiếp khách quốc tế, thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến khách hoặc sinh viên nước ngoài, cũng như chịu trách nhiệm chuyển thông tin đến các khoa về học bổng, dự án, cơ hội đào tạo có yếu tố nước ngoài mà trường nhận được từ cơ quan chủ quản hoặc từ đối tác nước ngoài.

Tại Đại học Hoa Sen, Phòng Hợp tác quốc tế của trường đang làm rất tốt việc quan hệ hợp tác quốc tế.

Tú Anh