Không nhất thiết phải sáp nhập trường đại học địa phương vào đại học trọng điểm

16/11/2021 11:20
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường đại học địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát triển nền kinh tế địa phương.

Đào tạo gắn liền cùng định hướng phát triển địa phương

Trường đại học địa phương hiện nay được hiểu phổ biến là các trường đại học công lập thuộc quyền quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương (cấp tỉnh). Mô hình này được thành lập đến nay đã trên 20 năm.

Trong những năm qua các trường đại học địa phương đã có nhiều đóng góp quan trọng về kinh tế - xã hội cho các tỉnh thành, cung cấp một phần nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống địa phương.

Tuy nhiên, các trường đại học địa phương đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa phát huy được hết vai trò năng lực vốn có của mình.

Chính vì vậy, ngày 15/11, Hội thảo "Vai trò của trường đại học địa phương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng" được Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) tổ chức, với sự tham gia của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng rất nhiều trường đại học địa phương trên toàn quốc, bằng hình thức trực tuyến nhằm trao đổi, đưa ra các giải pháp, định hướng cho các trường đại học địa phương trong thời gian tới.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)

Tại hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh cho biết, với giá trị cốt lõi là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng đáp ứng nhu cầu của sự phát triển và nghiên cứu khoa học gắn với ứng dụng chuyển giao công nghệ, sản xuất dịch vụ, Trường Đại học Hùng Vương đã đào tạo nhiều kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Phú Thọ và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Bên cạnh đó, nhiều đề tài đã được chuyển giao có hiệu quả mang lại thu nhập cao cho các đơn vị kinh doanh và hộ nông dân trong vùng. Tham gia vào việc nghiên cứu nhằm cung cấp thêm căn cứ khoa học để Phú Thọ trở thành Trung tâm Tiểu vùng Tây Bắc.

Mặc dù có lợi thế về thiên nhiên, về con người nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao mà Phú Thọ và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chưa phát huy được hết nguồn lực của mình. Xác định được định hướng phát triển của địa phương đến năm 2030, đòi hỏi một lượng lớn nhân lực chất lượng cao nên Trường Đại học Hùng Vương đã đặt ra các giải pháp:

Thứ nhất, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo; vì sự phát triển của cộng đồng và của xã hội theo hướng phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Thứ hai, chuẩn bị lực lượng tham gia nghiên cứu khoa học về lựa chọn các lĩnh vực mũi nhọn, phát triển các sản phẩm chủ lực cho Phú Thọ và cho các tỉnh Tiểu vùng Tây Bắc; hỗ trợ doanh nghiệp của các tỉnh có khả năng tham gia chuỗi giá trị, chuỗi phân phối toàn cầu.

Thứ ba, tham gia nghiên cứu để Phú Thọ hình thành Trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) chia sẻ: "Sau 8 năm được thành lập, Trường Đại học Tân Trào đã mở rộng quy mô, loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ luôn gắn với phục vụ cộng đồng. Cơ sở vật chất được đầu tư, tăng cường để phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đạt kết quả tốt, khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục đại học của khu vực và cả nước.

Tiến sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Tiến sĩ Nguyễn Khải Hoàn, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của xã hội và Chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030, cần có những đổi mới trong công tác quản trị đại học, mở rộng hợp tác, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, trong đó xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên, các khâu đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện sứ mạng của trường đại học địa phương đối với tỉnh, khu vực và cả nước".

Không nhất thiết phải sáp nhập vào đại học trọng điểm

Trong thời gian vừa qua, có một hiện tượng rất đáng lo ngại là xu hướng lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường đại học của địa phương mình vào một số đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các trường này được trở thành trường thành viên của các đại học đó. Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đây là một động thái rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống giáo dục đại học đất nước.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình để chúng thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập. Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động của trường , cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường; tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể hoặc chuyển loại hình,sứ mạng của trường".

Việc hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường địa phương không nhất thiết phải dùng hình thức sáp nhập vào trường trọng điểm, mà có thể chọn các hình thức khác, thí dụ như hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau và triển khai Quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống giáo dục đại học có trên địa bàn.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trên thực tế đây là một hệ thống giáo dục mở thuận lợi triển khai cho từng địa phương (tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương). Với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học ở địa phương như thế thì vấn đề liên thông chuyển đổi sinh viên giữa các trường và giữa các nhóm chương trình đào tạo cũng như việc ổn định hoạt động cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương (trong đó có các trường sư phạm) hiện nay về cơ bản đã được giải quyết.

Kết thúc hội thảo, một số trường đại học địa phương cũng đã đưa ra các thống kê, báo cáo, giải pháp để cùng nhau trao đổi, rút kinh nghiệm cũng như tìm ra các phương án, định hướng với mục tiêu phát triển chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi thực tế tại các địa phương, vùng, khu vực và cả nước.

Cao Kim Anh