Nhập đại học địa phương vào trường trọng điểm quốc gia sẽ phá tan hệ thống

25/07/2020 07:14
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sứ mệnh khác nhau nên việc đưa trường đại học địa phương trở thành một trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia là một sự hợp nhất khiên cưỡng.

Xu hướng sáp nhập, liên kết các trường được đặt ra trong bối cảnh số lượng trường đại học, cao đẳng rất lớn trong khi không ít trường chật vật tuyển sinh, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, nguồn lực xã hội bị phân tán, kém hiệu quả.

Đặc biệt khi có Nghị quyết 19-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì động thái hướng đến xu hướng sáp nhập, liên kết lại càng diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.

Thậm chí lãnh đạo ở không ít địa phương đang cố gắng vận động sáp nhập trường đại học của địa phương mình vào một số đại học trọng điểm quốc gia để hy vọng các trường này được trở thành trường thành viên của các đại học đó.

Chính vì vậy tính đến nay nhiều trường đại học ở các tỉnh thành đã và đang rục rịch bước vào cuộc “hôn nhân” với các trường đại học lớn để "dựa hơi".

Trước thực tế này, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:

Đến nay nhiều trường lấy lý do là gặp khó khăn trong tuyển sinh khi chưa thu hút được đông đảo số lượng học sinh, sinh viên đặc biệt là số lượng học sinh, sinh viên từ tỉnh ngoài nên muốn sáp nhập, trở thành thành viên của đại học trọng điểm quốc gia.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

“Trường địa phương thì tuyển sinh con em trong tỉnh chứ vươn ra tỉnh khác làm gì trong khi tỉnh khác cũng có trường đại học.

Ví dụ tỉnh Hà Giang 800.000 dân, khi có một trường đại học tại địa phương thì con em trong tỉnh ăn cơm nhà, đi học đại học, như vậy rất thuận lợi”, thầy Nhĩ nói.

Ngoài ra, theo thầy Nhĩ, bản thân các trường đại học địa phương khi thành lập đã có sứ mệnh là đào tạo đội ngũ cán bộ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương đó.

Còn đại học trọng điểm quốc gia thì có sứ mệnh hoàn toàn khác đó là các trường nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ nghiên cứu và có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cốt cán cho cấp tỉnh.

“Sứ mệnh khác nhau nên việc đưa trường đại học địa phương trở thành một trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia là một sự hợp nhất khiên cưỡng do hai loại trường này có chuẩn mực kiểm định khác nhau, cơ cấu trình độ nhân lực khác nhau; nói khác đi, có đẳng cấp khác nhau.

Điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng, thậm chí là phá tan hệ thống giáo dục nước nhà”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về những bất cập khi trở thành trường thành viên của đại học trọng điểm quốc gia thì theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, trường đại học địa phương để được mang thương hiệu đẳng cấp quốc gia thì buộc phải xem xét lại nhiệm vụ của mình, kiện toàn lại trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đổi mới trang thiết bị và cơ sở vật chất, thay đổi lại ngành nghề và chương trình đào tạo chứ làm sao còn được làm sứ mệnh ban đầu của mình nữa.

Lúc đó họ có quyền tuyển chọn đội ngũ sẽ dẫn tới việc một số giảng viên thất nghiệp…

“Như vậy sẽ khiến trường đại học địa phương mất đất, mất trường, mất đội ngũ và mất cả sứ mệnh của mình”, thầy Nhĩ nói.

Để có cơ hội phát triển thì theo thầy Nhĩ các địa phương cần xây dựng trường đại học địa phương đa ngành, đa lĩnh vực và khuyến khích sự năng động chứ không phải vin vào khó khăn tuyển sinh mà muốn “dựa hơi” các trường lớn như vậy được.

Bởi lẽ, trường đại học địa phương là trường đại học của địa phương, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương, do đó phải được cộng đồng người dân địa phương nuôi dưỡng và dần dần nâng cao chất lượng đào tạo bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền địa phương.

Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm duy trì và hỗ trợ cho các trường địa phương của mình để chúng thực hiện đúng sứ mệnh đặt ra khi thành lập.

Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô hoạt động của trường, cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường, như:

Khuyến khích nhà trường năng động, tự chủ từng phần, đa dạng hóa loại hình đào tạo, liên kết với các trường cao đẳng, đại học khác để tạo thêm sức mạnh cho mình...; tuyệt đối không nên chọn giải pháp giải thể hoặc chuyển loại hình, sứ mạng của trường.

Việc hỗ trợ nâng cao năng lực học thuật của trường địa phương không nhất thiết phải dùng hình thức sáp nhập vào trường trọng điểm, mà có thể chọn các hình thức khác, thí dụ như hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau.

Cuối cùng, theo thầy Nhĩ, kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng. Phân tầng ở đây có nghĩa là chấp nhận sự đa dạng về sứ mệnh của các trường đại học.

Thanh Sơn