Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách, giáo trình, học liệu

19/06/2019 06:23
Phạm Ngọc Lan
(GDVN) - Sáng 11/6 đã diễn ra hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách, giáo trình, học liệu phục vụ hoạt động đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học”.

Sáng 11/6, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Sách Đại học - Dạy nghề (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) là hội viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong xuất bản sách, giáo trình, học liệu phục vụ hoạt động đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học”.

Tham dự hội thảo có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Phạm Quốc Hùng, Vụ Phó Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch); ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng lãnh đạo các nhà xuất bản, trường đại học. 

Đại diện các trường đại học, cao đẳng ký ghi nhớ với Công ty cổ phần sách Đại học - Dạy nghề phối hợp về xuất bản sách, giá trình, tài liệu trong thời gian tới.
Đại diện các trường đại học, cao đẳng ký ghi nhớ với Công ty cổ phần sách Đại học - Dạy nghề phối hợp về xuất bản sách, giá trình, tài liệu trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Thái cho biết:

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định sẽ là một trong những đơn vị đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất và phù hợp nhất trong việc biên soạn sách, chống in lậu sách, không ngừng nâng cao hiệu quả sử dụng sách của cộng đồng.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo về việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong việc xuất bản sách, các đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng các giải pháp tốt nhất cho hoạt động xuất bản, trong đó có công ty cổ phần sách đại học và dạy nghề.

Công ty là một đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phục vụ trong lĩnh vực xuất bản sách, giáo trình học liệu cho các trường đại học, cao đẳng toàn quốc.

Thời gian qua công ty đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để thực hiện nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giao, nhằm đáp ứng nhu cầu tốt hơn của các trường, các thầy cô, các em học sinh.

Hội thảo là dịp để giới thiệu những giải pháp công nghệ hữu ích và cũng tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu.

Mong rằng giải pháp đó được các trường lựa chọn, ứng dụng thành công tạo nên sự phát triển thành công.

Tại hội thảo, ông Phạm Gia Trí, Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Đại học - Dạy nghề giới thiệu phần mềm và quy trình làm sách miễn phí cho cộng đồng.

Ngoài ra công ty còn cung cấp giải pháp chống sách giả bằng tem chống giả công nghệ cao.

Tem chống giả có mã truy cập học liệu và dãy số truy xuất hồ sơ nguồn gốc sách.

Sản phẩm sách in thông minh và sách điện tử của công ty cổ phần Sách Đại học - Dạy nghề cũng góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy học tập của các trường.

Chia sẻ hội thảo, đại diện một số trường đại học cho rằng, ứng dụng sách điện tử trong giáo trình, học liệu là hướng đi các trường đều quan tâm.

Tuy nhiên , các trường cũng băn khoăn đặt ra vấn đề về kỹ thuật, việc ứng dụng trong giảng dạy, bản quyền xuất bản, kinh phí thực hiện và đặt vấn đề cả phiên bản trên trên điện thoại…

Phát biểu tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất bản, in và phát hành cho biết:

Luật Xuất bản có hiệu lực từ năm 2013, Cục Quản lý xuất bản, in và phát hành cũng đi tiên phong  đi đầu trong xuất bản điện tử.

Tuy nhiên, cả chặng đường thực hiện, đến bây giờ chúng ta thừa nhận việc xuất bản điện tử của chúng ta vẫn chưa theo chuẩn Quốc tế.  

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đi tiên phong là thành công lớn. Tuy nhiên, đi tiên phong bao giờ cũng gặp rào cản về kỹ thuật, pháp luật, kinh phí. 

Về mặt quản lý, vấn đề sử dụng sản phẩm điện tử vào công tác giảng dạy, học tập của các trường Đại học.  

Bài toán đặt ra trước khi chúng ta xuất bản sách điện tử, chúng ta đã có 1 chặng đường, giống như các trường đại học đầu tư trung tâm học liệu, cũng đã đầu tư một khoản lớn để nhập khẩu tài liệu, giáo trình nước ngoài vào giảng dạy.

Cả kho dữ liệu đó được truyền về trung tâm học liệu. Việc chúng ta sử dụng, phân loại, đưa vào khai thác là vấn đề của các trường.

Nếu không quản lý tốt thì tác hại cũng rất lớn. Ngoài ra còn có khoảng trống cả về pháp lý và pháp luật trong việc xuất bản sách điện tử.

Tại Hội thảo, Công ty Cổ phần Sách Đại học - Dạy nghề (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) ký kết thỏa thuận ghi nhớ với Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, Trường Đại học Tiền Giang, Trường Đại học Sư phạm Vĩnh Long, Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông …trong lĩnh vực xuất bản sách và giáo trình, tài liệu điện tử.

Phạm Ngọc Lan